Hà Nội thừa nhận có tình trạng đấu giá đất nhằm đầu cơ, thổi giá gây nhiễu loạn
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện tình trạng đấu giá nhằm đầu cơ, trả giá cao rồi bỏ cọc, gây nhiễu loạn giá thị trường.
Tại buổi họp báo của UBND TP Hà Nội chiều 3/10, báo chí đặt câu hỏi liên quan hiện tượng người trúng đấu giá bỏ cọc trong các phiên đấu giá đất trên địa bàn thành phố.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều địa phương ở Hà Nội tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất theo quy định. Kết quả, tổng số tiền trúng đấu giá trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 11.013 tỷ đồng.
Trong đó, có một số phiên đấu giá được dư luận quan tâm. Ngày 19/8, UBND huyện Hoài Đức tổ chức đấu giá quyền sử dụng 19 thửa đất tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức với tổng diện tích 1.799,48m2. Giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất là 7,3 triệu đồng/m2; giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất từ 91,3 triệu đồng/m2 đến 133,3 triệu đồng/m2.
Ông Nguyễn Minh Tấn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thông tin tại họp báo.
Ngày 10/8, UBND huyện Thanh Oai tổ chức đấu giá quyền sử dụng 68 thửa đất tại thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai với tổng diện tích 5.595,1m2. Giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất từ 8,667 triệu đồng/m2 đến 12,575 triệu đồng/m2; giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất từ khoảng 51,886 triệu đồng/m2 đến 100,575 triệu đồng/m2.
Theo ông Nguyễn Minh Tấn, hiện nay, trên địa bàn thành phố xuất hiện tình trạng người tham gia đấu giá không có nhu cầu để ở, đấu giá nhằm mục đích kinh doanh đầu cơ, tình trạng trả giá cao hơn giá thị trường để trúng đấu giá sau đó không nộp tiền trúng đấu giá (bỏ tiền đặt cọc), nhằm mục đích “làm giá”, “thổi giá” gây nhiễu loạn giá thị trường.
Đối với việc đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở, còn tồn tại nhiều trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhưng không thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở theo quy hoạch, bỏ đất hoang, gây khó khăn trong quản lý quy hoạch, mất mỹ quan đô thị, lãng phí nguồn lực đất đai (không đưa đất vào sử dụng).
Từ thực tế trên, căn cứ quy định của pháp luật, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan liên quan thực hiện 7 biện pháp.
Trong đó, UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị tiếp tục hoàn thiện quy định, nhấn mạnh hạn chế tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở; ưu tiên việc đấu giá đất có thu tiền sử dụng, cho thuê đất với đối tượng là tổ chức để thực hiện dự án đầu tư. Việc này nhằm đảm bảo lựa chọn được chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền theo quy định gây nhiễu loạn thị trường. Danh sách này sẽ được công khai trên trang thông tin của các huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất, trình UBND thành phố quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo đúng quy định; kịp thời phối hợp, hướng dẫn các huyện tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình xác định giá đất.
"UBND TP Hà Nội cũng lưu ý các đơn vị tổ chức đấu giá đất xem xét việc quy định bước giá, hình thức đấu giá đảm bảo tính cạnh tranh và sát giá thị trường", Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thông tin.
Bạn đang xem: Hà Nội thừa nhận có tình trạng đấu giá đất nhằm đầu cơ, thổi giá gây nhiễu loạn
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Hà Nội thông tin tiến độ giao đất dịch vụ tại các huyện ngoại thành
- Bảng giá đất Hà Nội gần 700 triệu đồng/m2: Giá thị trường đắt hơn gấp nhiều lần
- Hà Nội áp dụng bảng giá đất mới, giá nhà được dự đoán tiếp tục tăng
- Hà Nội nói gì về giá đất mới có nơi tăng 6 lần làm tăng thuế, phí đất đai?
- Bất động sản quanh vành đai 4 lại 'nổi sóng'
- Hàng chục lô đất huyện ven Hà Nội sắp lên 'sàn đấu giá', khởi điểm thấp 5,3 triệu đồng/m2