Giá xăng dầu đồng loạt giảm cực mạnh kể từ 0h ngày 11/7
Giá xăng dầu được các doanh nghiệp giảm mạnh tại kỳ điều hành ngày 11/7 từ 0h.
Cụ thể, xăng RON95 giảm 3.090 đồng/lít, giá bán là 29.670 đồng/lít. Xăng E5 giảm 3.110 đồng/lít, giá bán là 27.780 đồng/lít.
Dầu diesel giảm 3.020 đồng/lít, giá bán là 26.590 đồng/lít.
Tại văn bản số 4280/VPCP-KTTH, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức triển khai ngay Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Theo Nghị quyết 20/2022/UBTVQH15, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ, nhờn từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022 như sau: Xăng (trừ etanol) còn 1.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay còn 1.000 đồng/lít; Dầu diesel còn 500 đồng/lít; Dầu hỏa vẫn giữ 300 đồng/lít; Dầu mazut còn 300 đồng/lít; Dầu nhờn còn 300 đồng/lít; Mỡ nhờn còn 300 đồng/kg.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 11/7/2022 đến hết năm 2022.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) để thực hiện giảm thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với sản phẩm xăng một cách phù hợp nhằm đa dạng hoá nguồn cung cho thị trường trong nước.
Khẩn trương nghiên cứu các nội dung liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn giữ ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng nền kinh tế.
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới giữa 02 kỳ điều hành vừa qua chịu tác động của các yếu tố kinh tế, chính trị. Giá xăng dầu diễn biến tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm. Việc giá xăng dầu diễn biến tăng giảm đan xen như trên do lo ngại về nguồn cung tiếp tục gặp trở ngại vì các lệnh cấm vận.
Tuy nhiên, việc ổn định sản xuất của OPEC+ và việc Mỹ thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Iran khiến giá xăng dầu có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, những dự báo và lo ngại về suy giảm kinh tế toàn cầu cùng với việc biến chủng mới của dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu diễn biến phức tạp tại một số quốc gia đã tác động đến nhu cầu xăng dầu nên giá xăng dầu đã có xu hướng giảm.
Thời gian vừa qua, Quỹ BOG đã được sử dụng liên tục để bình ổn giá xăng dầu trong nước nên số dư Quỹ BOG hiện ở mức thấp, tại nhiều doanh nghiệp Quỹ BOG đã bị âm. Để có dư địa điều hành bình ổn giá xăng dầu cho giai đoạn các tháng cuối năm, khi thị trường xăng dầu vẫn đang tiềm ẩn nhiều bất ổn, kỳ điều hành lần này, giá các mặt hàng xăng dầu đều có xu hướng giảm nên Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định tăng trích lập Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu ở mức hợp lý, đồng thời vẫn ưu tiên giảm mạnh giá các mặt hàng xăng dầu.
Theo đó, liên Bộ ngừng chi Quỹ bình ổn giá, đồng thời thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với các loại xăng ở mức 950 đồng/lít và dầu diesel ở mức 550 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 800 đồng/lít, dầu mazut ở mức 950 đồng/kg.
Bạn đang xem: Giá xăng dầu đồng loạt giảm cực mạnh kể từ 0h ngày 11/7
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Lùi ngày điều chỉnh giá xăng dầu sang 22/8
- Khi nào giá xăng dầu có thể về 22.000 đồng/lít?
- Giá xăng giảm mạnh đến 3.600 đồng/lít, về lại mức giá trước 5 tháng trước
- Xăng sắp về 26.000 - 28.000 đồng/lít?
- Giá xăng tiếp tục giảm mạnh từ ngày 21/7?
- Dầu thô lao dốc, giá xăng sẽ giảm thêm 3.000 đồng/lít?