Giá xăng dầu cần theo thị trường, đảm bảo quyền lợi các bên
Doanh nghiệp đầu mối có thể được quyết định giá xăng dầu thay vì Nhà nước công bố giá tối đa. Tuy nhiên, quyền lợi của các khâu trong hệ thống phân phối xăng dầu vẫn còn chưa rõ ràng.
Chưa khác nhiều so với quy định hiện hành
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi các Nghị định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các thông số đầu vào do Bộ Công Thương công bố, công thức tính toán quy định tại Nghị định để tự tính toán và công bố giá bán xăng dầu của thương nhân.
Căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu madút là giá bán buôn) trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá bán xăng dầu tối đa theo quy định.
Giá bán xăng dầu tối đa được thực hiện như sau: Giá bán xăng dầu tối đa bằng (=) {Giá xăng dầu thế giới (x) tỷ giá ngoại tệ} cộng (+) thuế nhập khẩu cộng (+) thuế tiêu thụ đặc biệt cộng (+) thuế bảo vệ môi trường cộng (+) thuế giá trị gia tăng cộng (+) chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đầu mối được công bố giá xăng dầu. Ảnh: Nguyễn Huế
Chuyên gia pháp chế Nguyễn Minh Đức, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Doanh nghiệp được tự quyết giá xăng dầu nhưng lại dựa trên công thức tính giá nhà nước ban hành, các chi phí đầu vào đó Nhà nước cũng công bố, thì không khác gì nhiều so với quy định hiện này.
Nếu thực hiện theo cơ chế này, giá trần sẽ rất sát với giá thành toàn bộ của việc cung ứng xăng dầu. Vì thế đại đa số doanh nghiệp vẫn sẽ phải bán theo giá trần, chứ khó có khả năng bán với giá thấp hơn để cạnh tranh với doanh nghiệp khác.
Thực tế, đã có nghiên cứu trên thế giới về 3 phương thức điều hành giá xăng dầu. Thứ nhất là Nhà nước quyết định giá, doanh nghiệp không được bán cao hơn hay thấp hơn. Thứ hai là giá trần, tức là doanh nghiệp không được bán cao hơn giá trần. Thứ ba là Nhà nước không quy định giá.
“Trong 3 diện ấy, diện Nhà nước quy định giá trần lại có giá bán xăng dầu cao nhất. Còn diện Nhà nước không quy định giá thì giá bán xăng dầu lại thấp hơn”, ông Nguyễn Minh Đức chia sẻ.
Giải thích cho kết luận này, ông Đức chia sẻ: Tại vì khi quy định giá trần, người tiêu dùng luôn có tâm lý chấp nhận giá đó, cho nên doanh nghiệp bán luôn theo mức giá trần này. Họ không việc gì phải bán giá thấp hơn. Trên thực tế, thói quen của người tiêu dùng trong việc so sánh giá không tồn tại nhiều, dẫn đến người tiêu dùng không có động cơ so sánh giá.
“Cho nên, với phương án hiện tại như Bộ Công Thương trình, Nhà nước không công bố giá trần, nhưng công bố các thành phần hình thành giá và công thức tạo nên giá trần, thì không khác gì là Bộ công bố giá trần như trước đây”, chuyên gia này đánh giá.
Theo ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, dù có thay cách quản lý hiện hành từ việc Nhà nước công bố giá cơ sở làm căn cứ để doanh nghiệp định giá, sang cách Nhà nước không công bố giá mà công bố chi phí để doanh nghiệp định giá thì không thay đổi bản chất là Nhà nước can thiệp trực tiếp vào thị trường bằng giá trần, trong đó có những loại chi phí thị trường.
Thậm chí, theo ông Thoả, đề xuất mới "thụt lùi" hơn so với quy định hiện hành ở chỗ Bộ Công Thương chưa công bố các yếu tố hình thành giá thì doanh nghiệp chưa được quyết công bố giá. Doanh nghiệp chỉ có nhiệm vụ thực hiện phép tính cộng toàn bộ các chi phí hình thành giá đã được cơ quan chức năng quy định sẵn để hình thành mức giá của mình.
Tránh gây khó cho chuỗi cung ứng xăng dầu
Một doanh nghiệp xăng dầu cho rằng: Giá bán tối đa do đầu mối quyết định đồng nghĩa quyết định luôn chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp bán lẻ. Các quy định tại Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu vẫn tiếp tục tạo lợi thế cho các doanh nghiệp đầu mối lớn khi họ chiếm thị phần chi phối. Như vậy, rất khó có nhiều mức giá trên thị trường để người tiêu dùng được lựa chọn, thậm chí còn gây khó cho chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nhỏ như thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ.
Một số thương nhân cho rằng, nên có quy định cụ thể về biên độ lợi nhuận so với chi phí giá đầu vào được Bộ Công thương quy định.
Để khắc phục những bất cập trong kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Tiến Thoả góp ý đã đến lúc cần đổi mới một cách căn bản, thực sự việc giao quyền tự định giá, thỏa thuận về giá và cạnh tranh về giá cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc tính đúng tính đủ, chi phí hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận theo tín hiệu khách quan của thị trường. Bãi bỏ toàn bộ cơ chế Nhà nước công bố chi phí tạo nguồn, chi phí kinh doanh định mức…
Thẩm định dự thảo Nghị định, Bộ Tư pháp cũng cho rằng: Việc dự thảo Nghị định quy định mức giá tối đa trong kinh doanh xăng dầu về bản chất không có sự khác biệt so với quy định hiện hành, chưa thống nhất với nhận định “giảm thiểu sự can thiệp của cơ quan nhà nước vào việc quyết định giá bán của doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh về giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, giúp doanh nghiệp linh hoạt và tự chủ quyết định giá bán xăng dầu trên thị trường...”.
Vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, cân nhắc chỉnh lý quy định trên trong dự thảo Nghị định, giải trình rõ trong Tờ trình Chính phủ, đảm bảo phù hợp với pháp luật về giá và xin ý kiến Chính phủ về vấn đề này.
Bạn đang xem: Giá xăng dầu cần theo thị trường, đảm bảo quyền lợi các bên
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- 'Đại gia' xăng dầu giải thích lý do lãi khủng tăng vọt gấp đôi
- Giá xăng dầu đang ở mức rẻ nhất năm
- Giá xăng giảm lần thứ 2 liên tiếp, RON 95 về sát 21.000 đồng/lít
- Giá xăng dầu trong phiên điều hành ngày mai được điều chỉnh thế nào?
- Giá xăng giảm hơn 500 đồng/lít, về dưới 22.000 đồng
- Giá xăng trong nước ngày mai có thể giảm trở lại