Giá xăng có thể lên 30.000 đồng, DN như 'ngồi trên lửa', dân chịu sao nổi
Sau phiên điều chỉnh hôm 1.3, giá xăng RON 95 có giá gần 27.000 đồng/lít, giá xăng E5 RON 92 là 26.077 đồng/lít... Giá xăng dầu tăng cao không chỉ khiến người dân, các doanh nghiệp chật vật mà ngay bản thân giới kinh doanh mặt hàng này cũng mệt mỏi vì… nguồn cung chật vật, càng bán càng lỗ.
Doanh nghiệp như "ngồi trên đống lửa" vì khan hàng, bán lỗ
Ông Đỗ Quang - một giám đốc doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Đông (Hà Nội) cho biết, mức chiết khấu bán lẻ xăng dầu từ các phân phối bắt đầu từ hôm nay (5.3) giảm xuống chỉ còn 70 - 100 đồng và sẽ giảm về 0 từ ngày 6.3. Nếu tính các chi phí như vận chuyển, nhân công, mặt bằng, mỗi lít xăng bán ra, doanh nghiệp lỗ từ 400 - 500 đồng.
Cũng theo vị này, hiện nay, một số mặt hàng như xăng E5 RON 92 hay RON 95 đều bị hạn chế nhập. "Chúng tôi vẫn đăng ký lấy hàng, nhưng mai có hàng hay không thì chưa biết. Có hàng thì chúng tôi sẽ tiếp tục bán, nhưng càng bán càng lỗ", ông Quang chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Cửa hàng bán lẻ xăng dầu La Khê (Công ty TNHH Xăng dầu Xuân Thắng) cho Lao Động biết, mặc dù thời điểm này, nguồn cung xăng dầu gặp nhiều khó khăn, nhưng công ty vẫn cố gắng bán đủ cho khách hàng.
Vị này nói, để đảm bảo đủ xăng dầu bán cho người dân, ông đã "lệnh" cho nhân viên bán hàng chỉ bán cho những phương tiện tham gia giao thông trực tiếp. Tuyệt đối không bán cho những trường hợp mua gom số lượng lớn bằng thùng, bằng can để tích trữ.
Giá xăng được dự báo tiếp tục tăng mạnh nếu không được giảm thuế phí. Ảnh: Hải Nguyên
Trong khi đó, ông Minh - một thương nhân phân phối xăng dầu ở Hà Nội cũng thông tin rằng, hiện nay, nguồn cung xăng dầu rất khó khăn, tại mỗi cửa hàng, doanh nghiệp chỉ có thể cung cấp một khoang để phục vụ khách hàng. Các đầu mối xăng dầu lớn hầu như hạn chế, không bán cho các thương nhân.
Theo tính toán của ông Minh, với giá thế giới hiện nay, kỳ điều chỉnh tới (11.3) có thể tăng mạnh. Việc giá trong nước còn khoảng cách khá xa so với giá thế giới hiện nay sẽ càng khiến việc kinh doanh mặt hàng này khó khăn.
"Dự báo giá cơ sở ngày 11.3, doanh nghiệp trong nước có thể lỗ gần 2.500 đồng/lít xăng và 3.000 đồng với dầu", ông Minh nhẩm tính.
Không đủ vốn quay vòng, giá xăng tiếp tục tăng
Với lượng xăng dầu nhập khẩu và dự trữ hiện tại, Bộ Công Thương "cam kết cơ bản đáp ứng đủ nguồn cung xăng dầu trong tháng 3". Khẳng định này được ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương nêu tại họp báo Chính phủ, chiều 3.3.
Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi: "Vậy sau tháng 3 thì nguồn cung ra sao, có đủ xăng dầu để phục vụ sản xuất, tiêu dùng và chương trình phục hồi kinh tế của đất nước?".
Một thương nhân đầu mối xăng dầu cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp đầu mối không đủ vốn quay vòng để nhập khẩu thêm xăng dầu khi ngân hàng quy định hạn mức vay.
Theo thương nhân này, doanh nghiệp họ được thông báo cấp hạn mức vay năm 2022 là 2.000 tỉ đồng. Với mức này, trước đây họ nhập được 4-5 chuyến hàng với giá dầu 40-50 USD/thùng, nhưng hiện nay chỉ nhập trọn vẹn được một chuyến 33.000 m3 khi giá lên gấp 2,5 lần.
"Khó khăn dồn dập, nguồn cung xăng dầu sắp tới sẽ còn khó khăn nếu giá thế giới liên tục tăng hàng ngày làm cho giá vốn bán lẻ hàng nhập về cao hơn giá bán lẻ hiện hành, mà giá bán hiện hành lại không được điều chỉnh", vị này nói.
Thực tế giá dầu Brent chiều 3.3 đã có thời điểm tăng 6,1%, chạm 119,84 USD một thùng - lên mức cao nhất kể từ tháng 5.2012. Dầu WTI cũng tăng hơn 5%, có thời điểm lên 116,57 USD - cao nhất kể từ tháng 9.2008.
Một thương nhân đầu mối cho biết, giá dầu thế giới từ 1.3 tới nay liên tiếp tăng, có ngày tăng 5-10%, mọi chi phí kéo theo đều tăng. Như vậy, những ngày qua, ngưỡng biến động đã vượt 10%, là ngưỡng bất thường, đột biến, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Theo Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, nếu các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 7%, thì liên Bộ Công Thương - Tài chính phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.
Do đó, theo thương nhân này, Liên Bộ Tài chính - Công Thương cần báo cáo phương án với Thủ tướng, nếu được giảm thuế thì cũng cần làm ngay. "Còn chần chừ gì nữa. Giá xăng sắp lên 30.000 đồng một lít, dân chịu sao nổi", vị này nói và tính toán, giá thế giới tăng 10%, thì giá về đến Việt Nam (khi cộng các loại phí, thuế) sẽ thành 15%; tương đương mức tăng khoảng 3.000 đồng một lít xăng.
Lúc đó, giá xăng vùng 1 chạm ngưỡng 30.000 đồng/lít, còn vùng 2 đã vượt hơn 2%.
"Thuế môi trường phải giảm ít nhất 2.000 đồng/lít, cùng với xả Quỹ bình ổn, thì mới giữ được mặt bằng giá như hiện nay", vị thương nhân này nêu quan điểm.
Bạn đang xem: Giá xăng có thể lên 30.000 đồng, DN như 'ngồi trên lửa', dân chịu sao nổi
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Mớ rau muống 25 nghìn: Giá đắt khét, đi chợ thành nỗi ám ảnh
- Giá xăng kỳ điều hành tới sẽ giảm?
- Chuyên gia dự báo giá xăng có thể còn tăng nữa
- Giá xăng tăng sốc, lên sát 30.000 đồng/lít
- Dân tình vẫn kéo đi đổ xăng trước giờ G
- Giá xăng tăng lần thứ 5 chỉ sau 2 tháng đầu năm mới, ra chợ đã thấy nhiều mặt hàng rau củ quả, đồ tươi sống cũng 'leo thang' theo