Giá vàng lao dốc, tiền có chuyển về bất động sản, chứng khoán?
Giá vàng miếng SJC lao dốc, mất cả chục triệu đồng/lượng trong vòng một tuần khi cơ quan chức năng có những biện pháp bình ổn thị trường. Giá căn hộ và nhà đất ở nhiều tỉnh thành đã bớt những đợt tăng mạnh. Dòng tiền liệu có trở lại kênh chứng khoán?
Thị trường chứng khoán chứng kiến tuần 27-31/5 giằng co, ảm đạm với thanh khoản thấp, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài chưa ngừng bán ra cho dù đã bán ròng gần 60.000 tỷ đồng (khoảng 2,4 tỷ USD) kể từ đầu năm 2023. Trong khoảng 1 năm qua, mức rút ròng khoảng 2 tỷ USD.
Câu chuyện bán ròng cổ phiếu Việt của khối ngoại khiến nhiều người lo lắng về triển vọng của thị trường chứng khoán.
Tốc độ rút gần đây càng ngày càng mạnh. Nếu như hồi giữa năm 2023 mức độ rút chỉ khoảng 20-30 triệu USD/tháng thì trong tháng 5/2024 các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 600 triệu USD.
Các nhà đầu tư trong nước mua ròng cổ phiếu khá nhiều và là đối trọng giúp chỉ số VN-Index không giảm nhiều trong thời gian qua.
Trong thời gian tới, thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ tích cực hơn. Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố đan xen nhau tác động tới giá cổ phiếu. Đó là biến động giá vàng, sự khó đoán định của thị trường bất động sản cũng như tỷ giá USD/VND, lãi suất huy động tăng nhưng chưa biết có kéo dài hay không…
Bên cạnh đó, sự bất định trên các thị trường tài chính quốc tế cũng khiến cho các dự báo trở nên khó chính xác.
Trong tuần 27-31/5, thị trường chứng khoán ghi nhận sự giằng co với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm điểm. Thanh khoản có lúc sụt xuống chỉ còn 17 nghìn tỷ đồng, xa dần ngưỡng tỷ USD thường thấy trước đây.
Một điều đáng lưu ý là nhóm cổ phiếu ngân hàng bị cả các nhà đầu tư ngoại lẫn nội bán khá mạnh. Nhiều mã như Vietinbank (CTG), Vietcombank (VCB), BIDV (BID), HDBank (HDB)… cũng bị bán ra.
Nhiều người lo ngại dòng vốn tín dụng vẫn khá tắc nghẽn sau khi 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm và chỉ tăng trưởng dương trở lại trong tháng 3. Tính tới cuối tháng 3/2024 đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023.
Các ngân hàng thương mại còn chịu sức ép tăng lãi suất huy động để góp phần vào việc ổn định tỷ giá USD/VND - vốn tăng khoảng 4,2% trong 5 tháng đầu năm.
Áp lực nợ xấu và khả năng lợi nhuận suy giảm cũng là những yếu tố có thể ảnh hưởng tới giá “cổ phiếu vua”.
Ở chiều tích cực, Chính phủ phấn đấu tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm khoảng 5%, cả năm khoảng 15%. Đây là động lực cho nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Thị trường chứng khoán trong tuần 27-31/5 được đỡ bởi một số cổ phiếu công nghệ và bán lẻ tiêu dùng. Cổ phiếu FPT tăng gần 3,2% khi nhà đầu tư kỳ vọng vào triển vọng của cổ phiếu ngành bán dẫn.
Tuần qua, chứng khoán biến động khó lường, thị trường ảm đạm. Ảnh: TĐ
Chứng khoán tuần mới được dự báo ra sao?
Cổ phiếu Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài và Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tích cực kéo điểm cho VN-Index khi nhà đầu tư kỳ vọng vào đà phục hồi của ngành bán lẻ (với tổng mức bán lẻ trong tháng 5 tăng 9,5% so với cùng kỳ). Việc gia hạn giảm 2% thuế VAT đến cuối năm giúp hỗ trợ tiêu dùng.
Tính trong cả tuần, VN-Index gần như đi ngang ở mốc 1.261,7 điểm. HNX-Index tăng 0,6% lên 243,1 điểm và UPCOM tăng 1,2% lên 95,9 điểm. Trong tuần, Vietcombank (VCB) giảm 3,3%, BIDV giảm 4,3%. Cổ phiếu Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm 3,1%.
Ở chiều ngược lại, Vietnam Airlines (HVN) tăng 14,9%. LPBank (LPB) tăng 9,8%.
Thanh khoản tuần này giảm hơn 24% xuống 20.971 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp đà bán ròng 7.783 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần, trong đó bán ròng 6.085 tỷ đồng trên HOSE, mua ròng 33 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 1.732 tỷ đồng trên UPCOM.
Trong tuần mới 3-7/6, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Chứng khoán VnDirect cho rằng, rủi ro trên thị trường tài chính hạ nhiệt và đây có thể là cơ hội giải ngân. Áp lực tỷ giá được cho là sẽ suy giảm.
Theo ông Hinh, trên thế giới, đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ điều chỉnh giảm, điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực đối với tỷ giá tiền đồng. Theo đó, trong tuần qua, cả chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ trong tháng 4 đều cho thấy hướng đi tích cực hơn của lạm phát tại Mỹ.
Thị trường tài chính hàng hóa trong nước cũng diễn biến tích cực hơn như giá vàng giảm mạnh. Vàng trong nước hạ nhiệt sau thông tin 4 ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh sẽ bán vàng bình ổn giá kể từ ngày 3/6 và sau đó thêm cả SJC cũng tham gia bán vàng mua từ NHNN.
Còn với thị trường tiền tệ, theo chuyên gia của VNDirect, sau khi tăng nóng thời gian gần đây, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã có xu hướng hạ nhiệt sau động thái hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước. Lợi suất trái phiếu chính phủ cũng quay đầu giảm.
Chỉ số VN-Index cũng đã tiến gần tới vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm và khó lùi sâu dưới ngưỡng này.
Còn theo Chứng khoán CSI, trái ngược với quan điểm “Sell in May”, chứng trường Việt có tháng tăng điểm khá ấn tượng trong tháng 5 với mức tăng 4,32%. Dù vậy, xét trong ngắn hạn với 3 phiên giảm điểm liên tiếp vừa qua thì khả năng cao VN-Index chưa thể bứt phá mạnh trong tuần mới. Xu hướng đi ngang có xác suất cao sẽ tiếp diễn với ngưỡng hỗ trợ quanh mốc 1.240 điểm.
Theo CSI, xét dài hơi hơn, công ty này kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp diễn xu hướng tăng điểm của tháng 5 và hướng tới mốc kháng cự 1.300-1.317 điểm trong tháng 6.
Bạn đang xem: Giá vàng lao dốc, tiền có chuyển về bất động sản, chứng khoán?
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Lý do chứng khoán toàn cầu lao dốc
- Mới chơi chứng khoán, nên chi bao nhiêu tiền?
- Giá vàng hôm nay 6/6/2024: Thế giới tăng nhưng SJC giảm 1 triệu chiều mua
- Giá vàng dự báo còn giảm nữa, có nên bán cắt lỗ?
- Giá vàng thế giới giảm sâu bất thường dù 'cá mập' tăng mua, SJC có về 72 triệu?
- Giá vàng hôm nay 5/6/2024 lao dốc, vàng SJC giảm cả triệu đồng/lượng