Giá tăng dân siết chặt túi tiền: Buôn vàng, bán iPhone... bắt đầu suy giảm

Ngành bán lẻ gặp khó khăn khi lạm phát cao tác động đến chi tiêu người tiêu dùng. Các ông lớn ngành trang sức như PNJ của bà Cao Ngọc Dung, hay thiết bị điện tử như FRT của ông Trương Gia Bình chứng kiến giai đoạn vốn hoá bốc hơi hàng nghìn tỷ đồng.

Quay đầu suy giảm

Trái với tình trạng ngược dòng ấn tượng trong tháng 5 và đầu tháng 6, cổ phiếu CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) của bà Cao Thị Ngọc Dung gần đây suy giảm khá nhanh dù kết quả kinh doanh tiếp tục bứt phá.

Cổ phiếu PNJ giảm từ mức 130 nghìn đồng/cp hồi cuối tháng 6 xuống 113 nghìn đồng/cp như hiện tại, chưa kể còn có xu hướng giảm thêm khi có một số đánh giá không còn tích cực đối với ngành hàng bán lẻ nói chung, trong đó có bán lẻ vàng bạc đá quý trang sức của bà Cao Ngọc Dung.

Theo SSI Research, do lạm phát gia tăng sẽ tác động tiêu cực đến chi tiêu của người tiêu dùng, tăng trưởng của các doanh nghiệp bán lẻ có thể không cao như kỳ vọng trước đây. Tăng trưởng lợi nhuận của DigiWorld (DGW) và FPT Retail (FRT) đã đạt đỉnh vào quý IV năm 2021, trong khi PNJ có thể đạt đỉnh vào quý III năm 2022. 

Trong tháng 7, nhiều doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục ghi nhận giá cổ phiếu giảm và qua đó khiến vốn hóa thị trường giảm nhanh.

Tính tới cuối tuần qua (15/7), vốn hóa của doanh nghiệp sở hữu nhiều chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động (MWG) và ông lớn Masan (sở hữu chuỗi WinMart) xuống mức thấp nhất trong vòng gần một năm qua.

Giá tăng dân siết chặt túi tiền: Buôn vàng, bán iPhone... bắt đầu suy giảm-1
Ngành bán lẻ có triển vọng dài hạn tươi sáng. Ảnh: Nhật Sinh

Chỉ trong nửa tháng 7, vốn hóa của Thế Giới Di Động bốc hơi gần 15 nghìn tỷ, trong khi Masan cũng giảm ở mức tương tự. Mức giảm theo giá trị tương đối lên tới 10-14%. FPT Retail của đại gia Trương Gia Bình thậm chí còn giảm mạnh hơn với gần 20%.

Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) của bà Cao Thị Ngọc Dung cũng chứng kiến vốn hóa bốc hơi khoảng 3.600 tỷ đồng, tương ứng mất giá khoảng 12% chỉ trong 2 tuần.

PNJ giảm khá mạnh trong bối cảnh doanh nghiệp này vừa có báo cáo lợi nhuận tăng mạnh. Lợi nhuận sau thế đạt 141 tỷ đồng trong tháng 5, tăng 66% so với cùng kỳ. Doanh thu cũng tăng ấn tượng, thêm 68% so với hồi tháng 5 năm trước.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ đầu ngành trên sàn chứng khoán Việt tiếp tục ghi nhận sự bứt phá trong bối cảnh sức mua chung của ngành bán lẻ sụt giảm. Nó cũng phản án sức cầu hồi phục hậu Covid-19. Giá bán tăng (như vàng) và nỗ lực mở rộng mạng lưới bán lẻ cũng góp phần giúp các doanh nghiệp bán lẻ ghi nhận doanh thu lợi nhuận tăng lên.

Những diễn biến cổ phiếu bán lẻ giảm mạnh hơn nhiều so với TTCK chung gần đây cho thấy triển vọng không mấy tích cực về nhóm này. 

Triển vọng không còn quá tích cực

Theo nhận định của một số chuyên gia, triển vọng ngành bán lẻ năm nay không quá tích cực. Với MWG và FRT, mặt hàng điện máy có dư địa tăng trưởng không nhiều. Sản phẩm laptop sẽ không còn được bán nhiều như thời gian đại dịch hoành hành.

Theo SSI Research, lạm phát gia tăng sẽ tác động tiêu cực đến chi tiêu của người tiêu dùng, tăng trưởng của các doanh nghiệp bán lẻ có thể không cao như kỳ vọng. Tăng trưởng lợi nhuận của DigiWorld (DGW) và FPT Retail (FRT) đã đạt đỉnh vào quý IV/2021, trong khi PNJ có thể đạt đỉnh vào quý III/2022.

Giá tăng dân siết chặt túi tiền: Buôn vàng, bán iPhone... bắt đầu suy giảm-2
Nhiều ông lớn tiếp tục bứt phá.

Cũng theo tổ chức này, dù lạm phát vẫn có thể tiếp tục gia tăng trong các quý tới, qua đó ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, trong đó có nhóm bán lẻ, nhưng các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu vẫn có thể đạt mức tăng trưởng dài hạn ổn định nhờ tăng thị phần.

Theo lý thuyết, lạm phát làm ảnh hưởng đến sức mua, buộc người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu đối với các mặt hàng không thiết yếu. Tình trạng này tại Việt Nam, theo SSI Research, xảy ra từ quý II/2022.

Với mảng công nghệ thông tin và điện tử gia dụng (ICT&CE), DigiWorld cho thấy tăng trưởng lợi nhuận ròng quý II chỉ đạt 20%, chậm hơn nhiều so với mức tăng trưởng 97% so với cùng kỳ quý I.

Còn với Thế Giới Di Động, tăng trưởng doanh thu từ mảng ICT & CE trong tháng 5 là 2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 20-22% từ tháng 1-4/2022. Dự báo, tăng trưởng từ mảng này nửa cuối năm 2022 có thể sẽ cao hơn 6 tháng đầu năm do nền cơ sở thấp trong nửa cuối năm 2021. 

Với mảng trang sức, mặc dù môi trường lạm phát đầy thách thức có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu dùng vàng trang sức trong 6 tháng cuối năm, nhưng tăng trưởng doanh thu của các công ty vẫn sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi sau Covid, vì mức nền so sánh thấp trong 6 tháng cuối năm 2021 do tình trạng giãn cách xã hội kéo dài.

Lạm phát và suy thoái sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mức chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu. Người thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, trong khi chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu của người thu nhập cao vẫn ổn định. Tuy nhiên, nếu tình trạng lạm phát và suy thoái kéo dài, chi tiêu của những người thu nhập cao cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, tăng vốn sẽ là yếu tố tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp bán lẻ, vì số tiền thu được sẽ được sử dụng để tài trợ cho việc mở rộng trong tương lai hoặc để giảm tỷ lệ nợ trên vốn chủ D/E xuống mức an toàn hơn trong môi trường lãi suất tăng.

Thời gian tới, các nhà bán lẻ có thể chịu ảnh hưởng từ các thay đổi chính sách có thể xảy ra. Nhu cầu điện thoại di động có thể tăng lên nếu Chính phủ triển khai 5G hoặc chấm dứt 2G. Việc này đã bị trì hoãn một thời gian và có thể vẫn cần thêm thời gian để xử lý do chưa có chính sách.

Việc thay đổi luật kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) có thể ảnh hưởng đến tốc độ mở mới của các cửa hàng bách hóa/cửa hàng tiện lợi nhỏ do các công ty nước ngoài điều hành (7-eleven, Family Mart, Circle K).

Bạn đang xem: Giá tăng dân siết chặt túi tiền: Buôn vàng, bán iPhone... bắt đầu suy giảm

Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm

Chia sẻ bài viết