Giá KIT test giảm thê thảm, 'con buôn' chán nản vì lỡ ôm hàng đắt giờ muốn bán cắt lỗ cũng không đơn giản
Trong 2 ngày nay, giá kit test nhanh đã giảm đáng kể do mức độ tiêu thụ hạ nhiệt, nhiều công ty nhập hàng về bán.
Chia sẻ với chúng tôi, chị L.D giáo viên ở Ninh Bình cho biết, mới tuần trước, học sinh là F1 nếu quay trở lại trường thì phải test nhanh Covid-19 có kết quả âm tính, thì hiện nay không bắt buộc có kết quả test nhanh Covid-19 mà chỉ cần F1 không có triệu chứng là đến lớp bình thường.
Cũng tương tự, anh Hưng - một chủ doanh nghiệp đang sử dụng hơn 200 công nhân cũng cho biết, cách đây 2 tuần, dù đã phân loại các phân xưởng làm việc riêng biệt để phòng chống dịch Covid-19 nhưng vẫn phải duy trì test nhanh cho các công nhân mỗi tuần 2 lần, thì nay bỏ quy định này.
Hàng của Thái Lan hiện tại đang bán trên thị trường chỉ 50 nghìn đồng/ kit
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Hà Nội hiện nay nhiều đơn vị cũng không bắt buộc nhân viên, công nhân phải test có kết quả âm tính mới được đi làm. Chính vì điều này mà mức độ tiêu thụ kit test nhanh đã giảm đáng kể.
Anh Nguyễn Tính - ông chủ 3 cửa hàng kinh doanh dược phẩm trong chợ thuốc Hapulico cho biết, vấn đề khan hiếm kit xét nghiệm Covid-19 đã được cảnh báo ngay từ đầu, tuy nhiên nhiều người buôn nhỏ lẻ vẫn tranh thủ cơ hội gom hàng.
Theo anh Tính, cách đây 2 ngày thị trường đã bắt đầu giảm từ 65 nghìn xuống còn 52 nghìn đồng/ kit test nhanh Covid-19, hôm nay giá trung bình khoảng 50 nghìn đồng.
"Bản chất giá nhập ban đầu của các công ty không có gì thay đổi, tuy nhiên khi về đến Việt Nam bán lại cho các con buôn khá cao, nay có giảm xuống thì chỉ các con buôn trước đó gom vào, thì nay sẽ bị thua thiệt", anh Tính không tiết lộ giá nhập, nhưng anh này khẳng định chắc chắn nhiều người gom hàng vào cách đây 1 tuần sẽ ôm hận.
Giao dịch tại khu chợ thuốc
Còn anh N.T., quê ở Ninh Bình cho hay, chỉ trong vài ngày, nhóm của anh bị lỗ hàng chục triệu đồng: "Hôm thứ Hai đầu tuần bọn em đặt tiền cho công ty dược để nhập hàng Hàn Quốc về, hợp đồng giá 51 nghìn đồng/ que, với ý định bán lại 55 nghìn đồng/ que, thì hôm nay ở chợ thuốc bán dưới giá 50 nghìn đồng/ que. Như vậy, tính ra thì bọn em lỗ hàng chục triệu nên chán không muốn quảng cáo nữa. Đấy là còn may, ý định em nhập số lượng lớn nhưng cân nhắc lại thì thấy rủi ro nhiều hơn nên thôi", anh Trường cho hay.
Chị N.A., quê ở Thái Bình cho biết, cách đây 1 tuần, nhân viên của chị mua 65 nghìn đồng/ kit xét nghiệm nhanh Covid-19. Thấy vậy, chị Nhung Anh liên hệ với đơn vị phân phối ở Thái Lan nhập về số lượng lớn, không mong muốn buôn bán kiếm lời, nhưng chị Nhung Anh có ý "trợ duyên" nhằm giảm cơn sốt, hiện tại chị Nhung Anh đang rao bán kit test Covid-19 do Thái Lan sản xuất với giá 50 nghìn đồng/ kit, không giới hạn số lượng.
Hàng của Đức cách đây 1 tuần bán 67 nghìn đồng, hiện nay đã rẻ hơn
Chị V.A ở Hà Đông cũng chia sẻ: "Tôi lỡ đặt tiền cho đơn vị nhập hàng của Đức với giá 55 nghìn đồng/ que. Chỉ trong 3 ngày chờ hàng về, thì nay giá đã giảm xuống còn 50 nghìn đồng/ kit, như vậy tính ra sẽ lỗ nhiều".
Theo chị V.A, một số người bán hàng online đã đặt tiền qua chị để mua về bán, nhưng hôm nay đã đề nghị bỏ cọc, chị đang rao bán 58 nghìn đồng/ kit, thu về được đồng nào hay đồng đó.
Cũng là một trong những người chấp nhận làm "không công", chị Lê Thoan ở Tuyên Quang cho hay, sau khi gom số lượng mua hàng từ một số người bạn, chị Thoan liên hệ với đầu mối ở Hà Nội với giá 54 nghìn đồng/ kit, hàng Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi hàng về đến Hà Nội, thì hiện tại ở quê xuất hiện nhiều mặt hàng dao động cũng chỉ từ 50 đến 55 nghìn/ kit.
"Không được lãi bao nhiêu, mà tốn rất nhiều công sức và chi phí nên tôi đành chấp nhận lấy hàng về giao cho khách bằng giá nhập", chị Thoan nói.
Cảnh người dân xếp hàng mua thuốc
Về lý do thị trường kit test nhanh Covid-19 giảm nhiệt, anh Tính cho biết, như đã nói ở trên, do các công ty, trường học không còn bắt buộc phải test nhanh cho công nhân, học sinh. Cùng với đó là Bộ Y tế yêu cầu công bố công khai giá bán kit test nhanh và quản lý thị trường làm rất chặt chẽ đã khiến nhiều chủ cửa hàng và người gom hàng hạn chế.
Ngoài ra, theo anh Tính, trong những ngày vừa qua nhiều người dân đã mua tích trữ số lượng khá nhưng chưa dùng đến.
Ngày 3/3 Bộ Y tế gửi công điện đến UBND các tỉnh/ thành phố về việc đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, công điện nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 trên thị trường, đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm với giá thành hợp lý.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn chủ động hoạt động sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu sử dụng và đảm bảo bình ổn giá.
Các tỉnh, thành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Đồng thời, khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, kiểm tra và ngăn chặn các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán các trang thiết bị y tế phòng chống dịch bất hợp lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Các địa phương chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan phải đăng tải giá trúng thầu bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 tại địa phương; danh sách số lưu hành, giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế bị thu hồi trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố và các cơ quan truyền thông của tỉnh, thành phố.
Sở Y tế giao nhiệm vụ cho các bệnh viện, trạm y tế, nhà thuốc, đại lý bán lẻ thực hiện niêm yết giá bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 và đảm bảo chất lượng cung ứng sản phẩm này đến người dân.
Kít test nhanh Covid-19 hiện nay không còn khan hàng
Trước đó, hôm 18/2, Bộ Y tế đề nghị đưa bộ xét nghiệm và các mặt hàng y tế chống Covid-19 vào diện bình ổn giá. Một ngày sau, Bộ Y tế điều chỉnh giá dịch vụ xét nghiệm, với chi phí test nhanh không quá 78.000 đồng một mẫu, xét nghiệm PCR mẫu đơn không quá 501.800 đồng; đồng thời cảnh báo về thuốc Covid, kit xét nghiệm giả. Ngày 25/2, Phó thủ tướng Lê Minh Khải yêu cầu Bộ Y tế có giải pháp quản lý, bình ổn giá bộ xét nghiệm.
Thống kê của Bộ Y tế đến ngày 11/2, tổng cộng 169 sản phẩm xét nghiệm Covid-19 được cấp phép. Trong đó, 14 bộ xét nghiệm được sản xuất trong nước gồm 4 xét nghiệm PCR, 3 xét nghiệm LAMP (xét nghiệm huyết thanh học), 4 bộ xét nghiệm kháng thể, 3 xét nghiệm nhanh kháng nguyên. 155 xét nghiệm còn lại được nhập khẩu, gồm PCR 49, xét nghiệm nhanh kháng nguyên 69, xét nghiệm kháng thể 26, xét nghiệm chạy máy miễn dịch 11.
Bạn đang xem: Giá KIT test giảm thê thảm, 'con buôn' chán nản vì lỡ ôm hàng đắt giờ muốn bán cắt lỗ cũng không đơn giản
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm