Giá hàng hóa dịch vụ 'phi mã' theo giá xăng, người dân trở tay không kịp

Giá hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là giá thực phẩm tăng cao đang ảnh hưởng rất lớn đến người dân.

Giá hàng hóa dịch vụ phi mã theo giá xăng, người dân trở tay không kịp-1

Đời sống người dân đang khó khăn trước tình trạng giá hàng hóa liên tiếp tăng theo giá xăng dầu. Ảnh: Vũ Long

Cái gì cũng “phi mã” theo giá xăng

Trồng được vài hecta bơ 034 theo tiêu chí an toàn, anh Chu Vĩnh (37 Hùng Vương, Khu 2, Bảo Thắng, Bảo Lộc, Lâm Đồng) phấn khởi vì năm nay bơ cho trái to, chắc nịch, chắc chắn sẽ "được mùa, được giá". Sau khi đăng tải ảnh vườn bơ lên trang Facebook và báo giá 37.000 đồng/kg chuyển “tận chân cầu thang” khu vực Hà Nội, bạn bè của anh Vĩnh tới tấp đặt hàng.

Thế nhưng, chưa kịp vui vì nhiều đơn hàng, anh Chu Vĩnh đã "điếng người" khi ra đến bưu điện, anh được thông tin giá cước lên tới 14.000 đồng/kg, chuyển 15kg bơ mà phí chuyển đã lên tới 221.670 đồng.

“Đơn hàng 15kg bơ bán với giá 550.00 đồng mà chi phí vận chuyển đã “ăn” mất khoảng 40%. Chuyến hàng đó coi như lỗ nặng. Biết là lỗ, nhưng là người kinh doanh, không “nói hai lời”, tôi vẫn không tăng giá đối với các lô hàng đã báo giá trước. Tuy nhiên, từ các lô sau, khách ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc và miền Trung phải bán với giá 43.000 đồng/kg và đơn hàng từ 10kg trở lên tôi mới có lãi chút đỉnh” – anh Chu Vĩnh chia sẻ.

Là người kinh doanh hàng online, chị Hồ Thị Nguyệt Na (80 Đại Từ - Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đang “đau đầu” vì cước vận chuyển liên tiếp tăng ảnh hưởng đến giá hàng hóa.  

Giá hàng hóa dịch vụ phi mã theo giá xăng, người dân trở tay không kịp-2

Ông Chu Vĩnh “méo mặt” khi bán 15kg bơ với giá 550.000 đồng nhưng giá cước đã chiếm gần 1 nửa. Ảnh: VL

“Bình thường, ship 2km giá 18.000 đồng/đơn mà giờ họ thu lên 25.000 đồng. Đó là Grab, còn chi phí nhập hàng về cũng tăng tới 30-40%. Hàng gửi từ Quảng Trị ra, trước một thùng hàng giá 70.000 đồng, nay họ thu lên 100.000 đồng, thùng nhỏ giá 50.000 đồng thì nay tăng lên 80.000 đồng. Họ nói xăng tăng giá nên cước dịch vụ tàu thuyền cũng tăng theo” - chị Hồ Thị Nguyệt Na cho biết.

Chị Hoàng Linh (Pháo Đài Láng, Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết: Vì giá Grab cao, chi phí vận chuyển tăng thêm ít nhất từ 7.000-12.000 đồng/đơn mà người chuyển hàng cũng không mấy mặn mà, bởi giá xăng "đắt như vàng", không thạo đường thì tài xế Grab cũng bị lỗ.

Cả người bán và người mua đều “méo mặt”

Theo chị Hoàng Linh, trước chi phí vận chuyển tăng cao, để hỗ trợ khách, nhiều đơn hàng khu vực Đống Đa chị tự chuyển đồ cho khách mà không thuê Grab. Tuy nhiên, cũng vì sự hỗ trợ này mà nhiều đơn hàng tính ra chị không có lãi, thậm chí lỗ. 

"Khu vực Đống Đa rất hay tắc đường, nhiều đơn hàng tiền lãi tính ra được 10.000-20.000 đồng trong khi tiền xăng đã hơn 30.000 đồng/lít, tính ra lỗ nặng".

Giá hàng hóa dịch vụ phi mã theo giá xăng, người dân trở tay không kịp-3

Dầu ăn cũng là mặt hàng tăng giá “sốc“. Ảnh: Vũ Long

Chi phí dịch vụ vận chuyển tăng cao thường được người bán tính vào giá thành để khách hàng chịu. Chính điều này cũng "tác động ngược" khiến người bán bị giảm lượng hàng bán ra hàng ngày.

Chị Nguyễn Lăng Hoa (Khu Tập thể Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội) cho hay, trước đây mỗi ngày chị bán được khoảng 30-40 cốc sinh tố, nước giải khát, thì nay chỉ bán được khoảng 2/3, thậm chí lượng hàng bán ra giảm chỉ còn một nửa.

Ông Nguyễn Văn Đê, kinh doanh thịt lợn tại ngõ 26 Doãn Kế Thiện (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho hay, trước đây, mỗi ngày 2 sạp hàng của gia đình ông bán hết 2 con lợn, thì nay chỉ bán 1 con mà nhiều hôm không hết.

“Người tiêu dùng đang chi li hơn khi mua hàng do đời sống khó khăn hơn bởi giá hàng hóa ngày càng đắt đỏ” – ông Nguyễn Văn Đê nói.

Đó là về phía người kinh doanh, dịch vụ, còn người tiêu dùng còn khốn khổ hơn rất nhiều khi thu nhập không tăng mà chi phí liên tiếp tăng.

“Cách đây 2 tuần tôi đặt mua 2 con vịt với giá 130.000 đồng/con. Thế mà hôm nay cũng đặt ở mối cũ, trọng lượng không đổi, thậm chí đợt hàng này vịt còn nhỏ hơn nhưng giá đã tăng thêm 10.000 đồng/con. Mua 2 con vịt bị đội giá thêm 20.000 đồng” - chị Nguyễn Diệu Linh (163 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội), chia sẻ.

Khảo sát của PV tại các chợ dân sinh cũng cho thấy, giá các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng đã tăng cao với lý do “xăng dầu tăng giá”. Trong đó, giá thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm tăng thêm khoảng 10.000 đồng/kg, giá các loại thủy, hải sản cũng tăng tương tự. Cụ thể, hiện tại giá gà ta chưa thịt đã lên tới 160.000 đồng/kg, thịt lợn: 100.000-140.000 đồng/kg, thịt bò từ 250.000-300.000 đồng/kg, cá trắm cỏ cỡ to (cắt khúc): 100.000 đồng/kg…

“Trước đây, mỗi ngày đi chợ cho 5 người ăn gia đình tôi chi hết 200.000 đồng, nay 300.000 đồng/ngày mà vẫn không đủ” - bà Nguyễn Phương (15 Trịnh Hoài Đức, Vinh, Nghệ An), cho biết.

Hơn bao giờ hết, người tiêu dùng, đặc biệt là những người làm công ăn lương, công nhân nghèo, lao động tự do đang rất khó khăn khi giá hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm thiết yếu tăng cao theo giá xăng dầu. Người dân mong mỏi Bộ Tài chính và Công Thương có biện pháp thích hợp để kìm giá xăng, nhằm bình ổn giá hàng hóa hàng tiêu dùng để giảm bớt khó khăn cho người dân, nhất là người lao động nghèo.

 

Bạn đang xem: Giá hàng hóa dịch vụ 'phi mã' theo giá xăng, người dân trở tay không kịp

Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm

Chia sẻ bài viết