Gặp biến chứng vì cấy chỉ nâng mũi và tiêm filler 'tai Phật'
Sau khi cấy chỉ nâng mũi ở một spa tại TP. Lào Cai, người phụ nữ 27 tuổi (trú tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) bị đau tức, sưng nề, viêm vùng tháp mũi.
Một ca tai biến phải lấy chỉ từ mũi ra được thực hiện tại Bệnh
viện đa khoa tỉnh Lào Cai.
Qua thăm khám, siêu âm cho thấy phần mềm vị trí trán tháp mũi tổn thương, có ổ áp xe kích thước 38x10mm, bên trong có cấu trúc tăng âm dạng chỉ, phù nề và thâm nhiễm xung quanh.
Các bác sĩ đã can thiệp phẫu thuật rút 7 sợi chỉ trong mũi và hút dịch cho bệnh nhân. Nếu không được xử trí kịp thời, ổ áp xe có thể lan rộng, viêm tấy lan tỏa phần mềm, hoặc vỡ ra, để lại sẹo xấu, sẹo lõm. Bên cạnh đó, nhiễm trùng vùng mặt nếu không được xử lý đúng cách, vi khuẩn có thể theo đường máu vào các tĩnh mạch trong sọ hoặc gây nhiễm trùng máu.
Nâng mũi bằng chỉ là phương pháp nâng mũi không phẫu thuật có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Bác sĩ thực hiện sẽ tiến hành nâng mũi bằng cách sử dụng các loại chỉ chuyên dụng đưa vào sâu dưới da. Sau đó, đính chỉ này vào phần mô và cơ để kéo, cố định giúp mũi cao lên như ý. Biện pháp này chủ yếu dành cho những người có dáng mũi sẵn. Thời gian duy trì khoảng 1-2 năm tùy điều kiện cơ thể mỗi người.
Tuy nhiên, nguồn gốc của sợi chỉ sử dụng trong nâng mũi là một trong những nguy cơ đáng lo ngại nhất hiện nay, do trên thị trường phương pháp này được dùng tràn lan, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vì vậy có nhiều nguy cơ gây hại cho người sử dụng.
Một trường hợp khác, do nghe quảng cáo về tiêm filler tạo hình "tai Phật" để thay đổi vận mệnh nên đã tìm đến cơ sở spa làm đẹp để tiêm. Chỉ sau vài ngày, bệnh nhân đã phải tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai để khám vì phần tiêm filler bị đau, viêm nhiễm, tổn thương để lại khiến tai bệnh nhân có nhiều vùng da bị lồi, lõm ảnh hưởng rất nhiều tới thẩm mỹ. Bệnh nhân đang được điều trị và theo dõi ngoại trú.
Bác sĩ Vũ Quang Huy - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai khuyến cáo: Người dân khi có nhu cầu làm đẹp phải tìm hiểu kỹ phương pháp này cũng như lựa chọn cơ sở y tế uy tín, được cấp phép để tránh biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Cơ sở được cấp phép tiêm filler không phải là các spa, chăm sóc da hay các cơ sở cắt tóc gội đầu… mà phải là các phòng khám, bệnh viện da liễu hoặc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.
Không ít người chỉ vì nghe lời "dụ dỗ" của các cơ sở làm đẹp vốn chỉ có chức năng chăm sóc da đơn thuần nhưng vẫn vô tư nhận thực hiện kỹ thuật cấy chỉ, tiêm filler, nâng mũi, cắt mắt... đến khi biến chứng nặng thì mới tìm đến các cơ sở y tế để bác sĩ giải quyết hậu quả, người chịu thiệt vẫn là bệnh nhân.
Bạn đang xem: Gặp biến chứng vì cấy chỉ nâng mũi và tiêm filler 'tai Phật'
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- 7 lần sửa mũi, người phụ nữ ở Cà Mau chỉ thở được bằng miệng
- Liên tiếp xuất hiện thêm 2 trường hợp biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ
- Tử vong sau nâng mũi: Yêu cầu phòng khám Thailand Hospital tạm ngưng dịch vụ
- Nghiện tiêm filler, người phụ nữ bị mục nát và rụng một bên mũi
- Tiêm filler có an toàn?
- Phát hiện ổ giòi trong tai người phụ nữ ở TP.HCM