F0 không có triệu chứng có nguy cơ trở nặng không?
Nếu F0 không có triệu chứng chỉ là người lành mang trùng, không nên quá hoang mang mà vội uống thuốc, có thể nguy hiểm hơn.
Ảnh minh họa.
Theo BS Nguyễn Văn Thường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội, số ca mắc ở Hà Nội tăng nhưng tỷ lệ số người không có triệu chứng lên tới gần 90%, vì vậy, khi cách ly tại nhà thì F0 chỉ cần trang bị cho mình các kiến thức về bệnh Covid-19 để tiện theo dõi sức khỏe của mình.
Anh Nguyễn Văn H. (sinh năm 1980, Thanh Xuân, Hà Nội) phát hiện dương tính vào ngày 16/12, anh H và vợ con được cách ly tại nhà. Trái ngược với vợ và con bình tĩnh thì bản thân anh H. luôn sợ hãi. Anh sợ bị chuyển nặng. Vợ anh H. kể dù không có triệu chứng gì, anh H. là F1 ở cơ quan nên tự cách ly và mua test nhanh về test. Sau đó ra phường lấy test PCR được chẩn đoán dương tính và được hướng dẫn cách ly tại nhà.
Sợ trở nặng, ngay lập tức anh H. uống vài viên thuốc Paracetamol để đỡ sợ và có tâm lý mình đã uống thuốc. Ngày nào anh cũng lôi máy đo huyết áp, máy đo oxy ra để đo nồng độ oxy, đo nhịp tim. Chỉ cần nhịp tim thay đổi là anh lại hốt hoảng. Có lúc nhịp tim lên hơn 90/lần/phút, anh H. lại vội vàng gọi điện thoại cho bác sĩ nhờ tư vấn. Bản thân anh đã tiêm hai mũi vắc xin, không có bệnh nền đi kèm nào nhưng lúc nào cũng sợ mình trở nặng, luôn lo lắng thái quá.
Không riêng gì anh H., bác sĩ Phạm Văn Phúc – BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết anh gặp rất nhiều trường hợp là F0 hoang mang xin tư vấn không có triệu chứng gì có trở nặng được không, có bị bão Cytokine không.?
BS Phúc cho rằng, những F0 không có triệu chứng khả năng trở nặng rất ít. Hơn nữa, nếu ở người trẻ, đã được tiêm 2 mũi vắc xin, không có bệnh nền thì khả năng trở nặng, khó thở càng hiếm hơn. Khi test nhanh thấy mình dương tính với virus SARS-CoV-2 người bệnh không cần quá lo lắng mà nên tập trung cách ly tốt, tránh nguy cơ lây cho cộng đồng, người thân.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TP Hồ Chí Minh, ở thời điểm tỷ lệ tiêm vắc xin đã nhiều như hiện nay thì đa số các trường hợp F0 hiện nay đều không triệu chứng và cho dù có triệu chứng thì đa số cũng chỉ trải qua một cơn cảm nhẹ và sẽ lướt qua nhẹ nhàng.
Những người không có triệu chứng thì không được coi là bệnh nhân. Họ chỉ là người lành mang trùng nhưng có nguy cơ lây cho người khác nên cần cách ly. Vì vậy, với các F0 không có triệu chứng không nên lo lắng, bất an.
Khi không có triệu chứng thì trong 5 ngày đầu khá an tâm. Nếu có sốt thì hạ sốt. Nhưng thực tế nhiều chuyên gia y tế từng nói F0 không triệu chứng thì không phải là bệnh nhân và cho dù có triệu chứng thì đa số cũng chỉ trải qua một cơn cảm nhẹ.
Khi là F0 không triệu chứng hay triệu chứng thoáng qua, người mắc Covid-19 cần giữ sinh hoạt điều độ trong mọi việc như ăn, uống, ngủ, nghỉ... và thực hiện cách ly với những người không phải F0 (tự cách ly hay đến khu cách ly). Bên cạnh đó, F0 cần tìm cách giải trí lành mạnh trong thời gian cách ly.
Trao đổi về vấn đề F0 không có triệu chứng có thể trở nặng được không? PGS Đỗ Văn Dũng – Trường Đại học Y Dược TP.HCM khẳng định khả năng này vô cùng thấp nên người xét nghiệm dương tính không có triệu chứng gì không cần điều trị. Chỉ cần tránh căng thẳng, giữ tâm lý tốt, có thể uống thêm các thuốc bổ.
Ngay cả tại các bệnh viện dã chiến trước đó thì F0 không triệu chứng “không điều trị gì”. Các nghiên cứu hiện tại cũng cho thấy thời gian khỏi bệnh trung bình đối với F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ là 10 ngày.
Tài liệu Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà được áp dụng tại các cơ sở được giao nhiệm vụ quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà để hướng dẫn cho người nhiễm Covid-19 và người chăm sóc người nhiễm Covid-19 tự chăm sóc tại nhà.
Để hạn chế diễn biến nặng, nguy kịch người bệnh cần được theo dõi thường xuyên và thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Những trường hợp người bệnh nhiễm Covid-19 không có triệu chứng hoặc thể nhẹ điều trị tại nhà, việc thực hiện, tuân thủ chế độ dinh dưỡng thật sự cần thiết, dinh dưỡng giúp hỗ trợ và cải thiện "hàng rào" bảo vệ cơ thể như tế bào miễn dịch, các kháng thể, da, niêm mạc hô hấp, niêm mạc dạ dày làm tăng sức đề kháng.
Khi bị nhiễm, người bệnh thường có dấu hiệu đột ngột bị mất vị giác hoặc khứu giác, làm giảm khả năng ăn uống do vậy cần bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh thiếu hụt về dinh dưỡng dẫn tới suy dinh dưỡng.
Bạn đang xem: F0 không có triệu chứng có nguy cơ trở nặng không?
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Số lượng F0 diễn biến nặng, nguy kịch tại Hà Nội tăng
- Thêm 15.182 ca mắc Covid-19, Hà Nội cao nhất với 1.910 F0
- Hà Nội thêm 1.879 ca Covid-19 với 549 F0 trong cộng đồng
- Chỉ qua story ngắn, Hoa hậu Đỗ Thị Hà đã làm rõ tình hình sức khoẻ sau khi thông báo mắc Covid-19 tại Mỹ
- Triệu chứng COVID-19 đặc trưng dần biến mất trên biến thể Omicron