F0 khỏi bệnh: ‘Từ khi xuất viện, tôi thấy đêm cũng như ngày’
Do phải ở trong môi trường điều trị quá lâu cùng nhiều yếu tố tác động, bà T. đã mất ngủ nhiều đêm và phải nhờ sự hỗ trợ từ thuốc an thần.
Theo thống kê của Bộ Y tế đến nay, Việt Nam đã điều trị khỏi Covid-19 cho hơn 2 triệu người nhiễm SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước. Nhiều trường hợp thậm chí từng rơi vào tình trạng “thập tử nhất sinh” đã may mắn được cứu từ những nỗ lực ngày đêm của đội ngũ y bác sĩ.
Dẫu vậy, khó có thể phủ nhận dịch Covid-19 đã để lại không ít ảnh hưởng tới cuộc sống của người bệnh, bất kể ở thời điểm còn điều trị hay xuất viện. Việc trở lại cuộc sống hàng ngày với nhiều người vẫn gặp rất nhiều trắc trở.
Mất ngủ sau hơn một tháng sống trong bệnh viện
Tháng 10/2021, bà L.T.T. (45 tuổi, trú tại Hà Nội) cùng bố chồng được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Do trước nay xây dựng được thói quen tập luyện thể thao đều đặn, đã tiêm đủ mũi vaccine cùng sức khỏe tốt, bà T. may mắn chỉ xuất hiện những triệu chứng nhẹ và nhanh chóng khỏi bệnh sau một tuần.
Tuy nhiên, người bố chồng đã cao tuổi, lại mắc thêm nhiều bệnh nền phải chuyển tới điều trị tại khu vực hồi sức tích cực cùng diễn biến rất nặng. Bà T. theo bố vào khoa để tiện chăm sóc.
Không may, sau 38 ngày điều trị tích cực, bố chồng của bà T. qua đời. Dù đã nhận kết quả xét nghiệm khẳng định âm tính với nCoV, bà T. trở về nhà với sự mất mát lớn cùng sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bên trong khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19
diễn biến nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội).
Ảnh: Thạch Thảo.
“Hơn một tháng ở trong bệnh viện cũng là 24/24 giờ mỗi ngày tôi bên
cạnh bố. Bao trùm không gian khi đó là tiếng máy thở kêu ‘tít,
tít,...’, các y bác sĩ với quần áo bảo hộ ra vào liên tục và những
người bệnh đang hôn mê”, bà T. kể lại.
Sau khi trở về nhà, bà T. bắt đầu có những triệu chứng bất ổn liên quan thần kinh, đặc biệt là mất ngủ triền miên.
Bà chia sẻ: “Từ lúc ra viện đến khi về nhà đã một một thời gian, tôi hầu như không ngủ được, ban đêm cũng như ban ngày. Dù rất buồn ngủ, cứ nằm xuống, đầu óc tôi lại có cảm giác u mê, khó chịu. Tôi phải uống thuốc an thần dành cho người trầm cảm, mỗi tối chỉ khoảng một phần tư viên, để dễ ngủ hơn”.
Bên cạnh việc mất ngủ, bà T. cũng cho hay sau khi xuất viện, mỗi lần có vấn đề trong cuộc sống tác động, đầu óc lại quay cuồng nhiều hơn. Các sinh hoạt hàng ngày cũng không được như trước, cảm giác dễ mệt mỏi.
“Ngày trước, tôi tập luyện thể dục thể thao khá nhiều. Tôi tham gia chơi bóng, tập yoga,... Mỗi lần như vậy tôi đều rất hào hứng. Nhưng giờ đây việc tập luyện không còn hiệu quả, tôi tập chỉ như bị buộc phải đi vậy”, bà T. nói.
Không hiếm
Theo tiến sĩ, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những trường hợp có tâm lý như của bà T. xảy ra khá nhiều ở khu vực ông đang làm việc.
“Bên cạnh người nhà, bản thân bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng nhưng còn tỉnh táo, chưa phải can thiệp đặt ống nội khí quản, thở máy cũng như sử dụng an thần cũng rất hay có tâm lý lo lắng trong thời gian điều trị. Tâm lý chung của những người phải ở trong môi trường cấp cứu thường là rất hoang mang”, bác sĩ Hùng cho biết.
Nguyên nhân đầu tiên của tâm lý này là các bệnh nhân diễn biến nặng do Covid-19 có khả năng tử vong. Người dân hiểu điều này và việc lo lắng là điều bình thường.
Y bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng tại Hà
Nội. Ảnh: Việt Linh.
Thứ hai, trong môi trường cấp cứu, nhiều bệnh nhân khác nằm xung quanh cũng phải hỗ trợ thở oxy, thậm chí thở máy. Bệnh nhân hay người nhà khi nhìn những người nằm cạnh phải can thiệp như vậy sẽ lo lắng nhiều hơn.
Cuối cùng, trong môi trường đó, khó tránh khỏi việc người bệnh nhìn thấy các ca tử vong xung quanh mình, dù các bác sĩ luôn cố gắng sắp xếp bệnh nhân theo tình trạng sức khỏe.
“Tôi luôn quán triệt các bác sĩ trong khoa khi đi thăm khám cho bệnh nhân còn tỉnh táo phải luôn động viên tinh thần, để họ quyết tâm và tuân thủ tốt điều trị. Đáp ứng nhu cầu của họ nếu có thể, hứa sẽ chuyển sang khu khác khi mức hỗ trợ oxy thấp hơn, nói họ cố gắng để sớm về với gia đình,... là những điều chúng tôi có thể làm”, bác sĩ Hùng nói.
Theo ông, đôi khi bệnh nhân khi vừa mở mắt lại thấy có người tử vong bên cạnh, nhịp thở của họ bỗng nhanh hơn, từ đó ảnh hưởng kết quả điều trị. Nhiều trường hợp thậm chí buông xuôi, không đảm bảo dinh dưỡng.
Liên quan vấn đề chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19, nhiều cơ sở y tế đã có những động thái cụ thể để hỗ trợ người dân tới khám và điều trị. Mới đây, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 đã thành lập khoa Chống rối loạn Tâm lý Covid-19. Một số trường hợp đã được tư vấn và điều trị.
Tại TP.HCM, nhiều bệnh viện đã mở các phòng khám hậu Covid-19 để tư vấn, khám và đưa ra hướng dẫn điều trị phù hợp. Một số bệnh viện lớn cũng thành lập khoa điều trị hậu Covid-19 như Bệnh viện Nhi đồng 1, Viện Y Dược học Dân tộc, Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh.
Ngành y tế TP.HCM cũng lên kế hoạch xây dựng hướng dẫn điều trị hậu Covid-19 theo các phân tuyến điều trị (trong thời gian chờ ban hành chính thức từ Bộ Y tế).
Bạn đang xem: F0 khỏi bệnh: ‘Từ khi xuất viện, tôi thấy đêm cũng như ngày’
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Người bị ung thư dạ dày 'kề cận' thường có 4 đặc điểm, nếu làm được 2 việc sau bữa ăn, tránh 2 việc vào buổi tối thì bệnh sẽ tránh xa
- Muốn tăng cường sức khỏe não, bổ phổi, dưỡng dạ dày, những loại hạt này trong ngày Tết luôn là chân ái
- Người đàn ông qua đời sau khi ăn thức ăn thừa từ tủ lạnh, 5 món ăn tuyệt đối không nên ăn qua đêm dù là được bảo quản trong tủ lạnh
- Thêm 8.722 ca mắc Covid-19, Hà Nội có 2.716 F0
- Trà xanh cho thêm thứ này sẽ tạo thành đồ uống hủy diệt mỡ thừa, khỏi lo tăng cân vì thịt đông và bánh chưng
- Ngày Tết hãy ăn nhiều loại quả này vì làm sạch và trẻ hóa mạch máu, bất cứ ai cũng không lo tình trạng mỡ máu tăng vọt hại sức khỏe