F0 diễn biến nặng tăng cao, nhiều người chưa tiêm vaccine
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số lượng bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng và nguy kịch đang tăng cao hơn giai đoạn trước.
Theo báo cáo hàng ngày của Bộ Y tế, bên cạnh các tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam, một số địa phương thuộc miền Bắc cũng cho thấy số ca nhiễm nCoV tăng nhanh. Điển hình là Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng...
Khi số ca mắc Covid-19 tăng lên, lượng bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch cũng cao hơn. Tình trạng này đang đặt lên áp lực rất lớn đối với các cơ sở y tế, đặc biệt với những bệnh viện tuyến đầu tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng từ nhiều địa phương chuyển đến.
Số lượng F0 diễn biến nặng
tăng ca
Trao đổi với báo chí sáng 7/12, bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó trưởng
khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết hàng
ngày, khoa Cấp cứu tiếp nhận trung bình khoảng 10 bệnh nhân diễn
biến nặng, phải hỗ trợ hô hấp với oxy liều cao.
Bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh
Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được Bộ Y tế giao nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng của Hà Nội cùng các tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Bắc.
Theo bác sĩ Bắc, khoa Cấp cứu hiện có gần 80 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ nặng, phải hỗ trợ từ thở oxy đến thở máy, lọc máu... Nhiều trường hợp đang điều trị tại đây mắc các bệnh lý nền như suy thận mạn, tiểu đường, huyết áp, HIV, xơ gan hay phụ nữ có thai.
Phó trưởng khoa Cấp cứu cũng cho hay lứa tuổi trung bình của nhóm bệnh nhân diễn biến nặng đang có xu hướng tăng lên. Trường hợp cao tuổi nhất tại bệnh viện hiện nay là 101 tuổi. Nhóm trên 80 tuổi cũng đang chiếm khoảng 30-40%, số người từ 60 đến 80 tuổi chiếm 60%. Hầu hết trường hợp diễn biến nặng đều chưa hoặc mới tiêm một mũi vaccine.
“Các bệnh nhân nặng nhất rơi vào nhóm lớn tuổi. Khoa Cấp cứu đang điều trị cho một trường hợp 95 tuổi, lú lẫn, gần như nằm liệt giường. Những bệnh nhân này thường có tiên lượng rất khó”, bác sĩ Bắc nói.
Theo ông, những bệnh nhân này đòi hỏi khối lượng chăm sóc ở ngưỡng gần như tối đa. Các y bác sĩ luôn trong tình trạng căng thẳng.
Áp lực
“So với giai đoạn trước, số lượng bệnh nhân vào viện nhiều hơn,
tình trạng sức khỏe từ nặng đến nguy kịch cao hơn, nhóm phải can
thiệp tích cực cũng lớn hơn. Điều này dẫn đến khối lượng công việc
của chúng tôi rất lớn. Không chỉ số lượng bệnh nhân, áp lực còn đến
từ khối lượng chăm sóc cho mỗi trường hợp. Các nhân viên y tế cũng
xác định tình hình dịch đang căng thẳng, khối lượng công việc có
thể còn tăng hơn nữa trong thời gian tới”, bác sĩ Trần Văn Bắc chia
sẻ.
Ông cho biết khoa Hồi sức Tích cực hiện có 30 giường thở máy và luôn trong tình trạng kín bệnh nhân. Hàng ngày, khi có bệnh nhân rời khoa, những trường hợp khác mới được chuyển vào.
Trong khi đó, khoa Cấp cứu cũng đang phải thực hiện tất cả công việc như vận hành thở máy, chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) cho bệnh nhân diễn biến nặng. Thời gian tới, bệnh viện sẽ thành lập thêm các đơn nguyên điều trị bệnh nhân nặng để giảm tải cho khoa Cấp cứu.
Một bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng được điều trị tại Bệnh
viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo.
“Khoảng 4 tuần trở lại đây, số lượng F0 trong cộng đồng bắt đầu
tăng vọt. Sau đó 2 tuần, khối lượng công việc của chúng tôi cũng
tăng gần gấp đôi so với thời điểm 4 tuần trước. Ở thời điểm này,
tần suất làm việc chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí ngày càng tăng”,
bác sĩ Bắc cho hay.
Nhiều bệnh nhân tại khoa Cấp cứu còn tỉnh táo nhưng không thể hoạt động, sinh hoạt, vận động khó khăn và hầu như không thể rời oxy. Do đó, mọi việc như ăn uống, thay bỉm, vệ sinh... đều đòi hỏi sự hỗ trợ từ các điều dưỡng, nhân viên y tế.
Theo chỉ đạo từ Bộ Y tế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang nỗ lực cải tạo tầng và bổ sung trang thiết bị, sắp xếp nhân lực để sẵn sàng cho phương án triển khai 500 giường hồi sức. Tuy nhiên, yếu tố con người vẫn là vấn đề đáng lo ngại nhất.
Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh viện đã yêu cầu y bác sĩ của tất cả khoa, phòng đều phải luân vòng qua khoa Cấp cứu và Hồi sức Tích cực. Trong tương lai, những bác sĩ này phải vận hành thở máy và điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch cùng các bác sĩ, điều dưỡng hồi sức.
Mặt khác, bệnh viện cũng đã triệu tập nhiều đoàn y bác sĩ từ các địa phương về để đào tạo. Nhóm này sẽ cùng làm việc với các bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thông qua đó rút kinh nghiệm trong quá trình điều trị.
Bạn đang xem: F0 diễn biến nặng tăng cao, nhiều người chưa tiêm vaccine
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Thêm 13.835 người mắc Covid-19, Hà Nội có 737 ca
- Điều đáng sợ của Covid-19: Đã khỏi nhưng vẫn có triệu chứng 'lạ lùng' mãi không dứt
- Ngày 6/12, thêm 1.130 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh, hơn 127 triệu liều vắc xin đã được tiêm
- Lần đầu tiên Hà Nội phát hiện 'kỷ lục' 774 ca mắc Covid-19, trong đó có 280 ca cộng đồng
- Biến thể Omicron có thể tự hủy diệt, báo hiệu COVID-19 kết thúc?
- Cao Bằng ghi nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19