'Đừng quy kết y tế Nhật Bản quá tệ qua cái chết của Từ Hy Viên'
Đang làm việc tại Nhật Bản, bác sĩ Phạm Nguyên Quý đưa ra phân tích về tình trạng của Từ Hy Viên, bệnh cúm và y tế Nhật Bản.
Những ngày qua, truyền thông các nước châu Á hoang mang, tiếc nuối trước tin diễn viên nổi tiếng Từ Hy Viên qua đời khi đi du lịch tại Nhật Bản, sau khi nhiễm cúm, dẫn đến viêm phổi, nhiễm trùng máu.
Sau cái chết của nữ minh tinh, trên mạng xã hội đã có nhiều người đào sâu phân tích sự kiện theo hướng chê bai y tế Nhật Bản về việc có bệnh cúm mà "chữa cũng không xong", chẩn đoán không ra hay điều trị muộn…
Ngay sau đó, cộng đồng đã tỏ ra lo lắng, đặc biệt những người đang có kế hoạch du lịch Nhật Bản.
Là một trong số ít bác sĩ người Việt hành nghề y tại Nhật Bản, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Nguyên Quý, Trưởng khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, đã có những phân tích về vấn đề này.
Thứ nhất, không nên quy kết nền y tế Nhật Bản quá tệ vì không chữa được một ca bệnh cúm
Bệnh cúm thường tự khỏi hoặc khỏi nhanh hơn nhờ các thuốc kháng virus nhưng vẫn có thể chuyển nặng, thậm chí gây tử vong ở những người có bệnh nền, già yếu, suy dinh dưỡng…
Bệnh cúm kèm bội nhiễm viêm phổi tiến triển nhiễm trùng máu không được chữa kịp thời khả năng tử vong cao. Diễn viên Từ Hy Viên có bệnh nền là động kinh, bệnh tim mạn tính và thể trạng suy dinh dưỡng. Năm 2016 và 2017, cô cũng đã suýt chết đến 2 lần.
Vì vậy, chỉ dựa vào một ca bệnh nặng không cứu được đánh giá cả một nền y tế dở tệ thì có phần “hồ đồ”.
Nữ diễn viên Từ Hy Viên qua đời sau khi bị cúm khi du lịch Nhật Bản. Ảnh: Weibo
Thứ hai, chưa rõ bác sĩ có chẩn đoán sai hay không
Theo một số nguồn tin, hồ sơ từ khoa cấp cứu của bệnh viện địa phương (đang chờ các đơn vị y khoa của Nhật xác nhận) cho thấy ngày 31/1, Từ Hy Viên đến khám với ghi nhận âm thanh bất thường ở phổi và nồng độ oxy trong máu giảm thấp. Tuy nhiên, cô quyết định quay lại khách sạn thay vì nhập viện và chỉ tiêm thuốc hạ sốt, bỏ lỡ cơ hội điều trị đầu tiên.
Để khẳng định bác sĩ đã chẩn đoán sai hay bỏ sót viêm phổi, chúng ta cần xem xét hồ sơ bệnh án lúc đó. Tuy nhiên, ngay cả khi chẩn đoán đúng, vẫn có khả năng bác sĩ phải “chiều” theo lựa chọn của bệnh nhân muốn theo dõi tại khách sạn.
Hành nghề y gần 12 năm tại Nhật, tôi đã gặp những bệnh nhân dù chẩn đoán viêm phổi khá nặng nhưng nhất quyết không muốn nhập viện vì không có ai trông con chó ở nhà.
Khi đó, bác sĩ phải cân nhắc yếu tố xã hội mà lên phương án điều trị bằng thuốc kháng sinh đường uống, chờ bệnh nhân thu xếp người chăm thú nuôi dùm và tiếp tục theo dõi ngoại trú chờ họ đồng ý nhập viện. Điều trị y khoa ở Nhật không phải là bắt buộc mà là lựa chọn sau khi được giải thích. Bác sĩ Quý cho rằng cần làm rõ nội dung hội thoại giữa bệnh nhân và bác sĩ khám lúc đó để xem đề nghị nhập viện của bác sĩ có thật sự bị khước từ hay không.
Thứ ba, kết cục xấu có thể xảy ra do nhiều yếu tố
Cũng như một thảm họa máy bay xảy ra do nhiều yếu tố tích hợp, kết cục xấu trong y khoa cũng có thể xảy ra do kèm thêm vài sự kiện có thể ngăn ngừa.
Sự kiện đầu tiên là nữ diễn viên nhiễm cúm A vào mùa đông, trên nền thể trạng yếu nên bệnh đã chuyển nặng.
Sự kiện thứ 2 liên quan đến việc du lịch tới vùng khá hẻo lánh (Hakone) ở Nhật, nơi có lẽ không quen với việc điều trị cho bệnh nhân nước ngoài. Bác sĩ ở đó có thể đã chẩn đoán sai hoặc không thể thuyết phục cô nhập viện hay chuyển viện sớm. Việc này có thể xảy ra do rào cản ngôn ngữ hoặc nhận thức khác về bệnh tình.
Sự kiện thứ ba có thể liên quan tới những người đi cùng cô không đủ hiểu biết về y khoa. Nữ diễn viên đã được đề nghị chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Tokyo vào ngày 1/2, gia đình từ chối với lý do đã đặt vé máy bay khứ hồi. Người thân của cô vẫn đăng hình ảnh khiêu vũ tại khách sạn vào thời điểm đó, cho thấy gia đình có thể đánh giá thấp tình trạng nghiêm trọng của cô, bỏ lỡ cơ hội điều trị cuối cùng.
Thực tế, tôi cũng gặp nhiều người khi bị bệnh khi đang đi du lịch, tâm lý là ai cũng muốn cố thêm một chút để không làm phiền mọi người. Người bệnh thường muốn chờ về nước chữa chứ ở đất khách quê người nhiều điều bất tiện và bất an…
Để bù lấp khoảng trống này cần cải thiện kiến thức y khoa cho cộng đồng, không chỉ về bệnh tật mà còn cả kỹ năng giao tiếp, tìm kiếm sự giúp đỡ để đưa ra lựa chọn thông minh.
Theo Vietnamnet
Bạn đang xem: 'Đừng quy kết y tế Nhật Bản quá tệ qua cái chết của Từ Hy Viên'
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Từ Hy Viên đột ngột qua đời, bác sĩ tiết lộ về 'kẻ giết người thầm lặng'
- Chồng Từ Hy Viên nhờ tất cả phóng viên che chắn tro cốt của vợ, nghe lí do không kìm được nước mắt
- Chồng Từ Hy Viên chính thức 'tuyên chiến' với chồng cũ nữ diễn viên, nói 1 câu về khối tài sản khiến dân mạng dậy sóng!
- Châu Du Dân 2 lần đưa tang tình cũ: Trầm cảm vì mất Hứa Vỹ Luân, 18 năm sau bi kịch lặp lại với Từ Hy Viên
- Suy ngẫm về 14 câu nói 'rất đời' của Từ Hy Viên - “sao băng” tắt ở tuổi 48
- Nhìn lại cuộc đời ngắn ngủi của Từ Hy Viên