Đu đỉnh, 'lướt sóng' vàng: Người lãi đậm, người không kịp thoát hàng

Giá vàng biến động dữ dội những ngày gần đây theo hướng liên tục tăng khiến nhiều người tích cực mua "lướt sóng", tuy vậy không phải ai cũng may mắn hưởng lời.

Anh Trần Văn Nhân (Thanh Xuân, Hà Nội) - một nhà đầu tư vàng cho biết, nhận định giá vàng thế giới sẽ tiếp tục tăng cao do căng thẳng chính trị và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngừng tăng lãi suất, anh đã quyết định xuống tiền để mua vàng, giữa lúc giá đang cao ngất.

Anh Nhân kể, sáng 19/12, khi giá vàng leo lên mức 74,5 triệu đồng/lương, anh Nhân đã quyết định xuống tiền mua 30 lượng.

"Dù biết lúc giá đỉnh mua vào là rất mạo hiểm, nhưng tôi tin vào nhận định của mình là giá vàng đang vào đà tăng mạnh nên vẫn bỏ hơn 2 tỷ đồng để mua một số lượng lớn", anh Nhân chia sẻ.

Những ngày sau đó, đúng như anh Nhân dự đoán, giá vàng liên tiếp lập những kỷ lục mới. 

Đến sáng 22/12, khi giá vàng chạm mốc 76,3 - 77,3 (mua - bán), anh Nhân đã bán 30 lượng vàng vừa mua mấy hôm trước.

"Giá lúc tôi mua là 74,5 triệu đồng/lượng và giá khi tôi bán là 76,3 triệu đồng/lượng. Tôi lời 1,8 triệu đồng/lượng, tức là khoảng hơn 50 triệu đồng chỉ trong vòng 3 ngày", anh Nhân chia sẻ.

Đu đỉnh, lướt sóng vàng: Người lãi đậm, người không kịp thoát hàng-1

Lướt sóng vàng khi lên đỉnh: Kẻ cười người khóc. (Ảnh minh hoạ: Minh Đức).

Cũng theo anh Nhân, anh đầu tư vàng gần 20 năm nay, nên anh cũng phần nào nhìn nhận được sự biến động của các đợt sóng. Hơn nữa, tiền đầu tư của anh là tiền vốn tự có, cũng không phải số tiền quá lớn trong cơ cấu tài sản của mình, nên anh mới dám liều lao vào giữa cơn sóng vàng.

Cũng nuôi ý định "lướt sóng" để kiếm lời với vàng nhưng chị Trịnh Nguyệt Tú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại kém may mắn hơn khi chọn nhầm điểm rơi của vàng.

Theo đó, chị Tú mua 50 lượng vàng từ cuối ngày 19/12, khi đó giá vàng bán ra là 74,9 triệu đồng/lượng. Sau đó, giá liên tục tăng mạnh, có thời điểm đạt ngưỡng 76,4 - 77,4 triệu đồng/lượng (mua - bán).

Cho rằng giá vẫn tiếp tục tăng cao nữa nên chị Tú chần chừ không bán. Tuy nhiên, sau phiên leo đỉnh sáng 22/12, ngay buổi chiều giá vàng đã lao dốc, bốc hơi hơn nửa triệu đồng/lượng khiến chị Tú không kịp trở tay để thoát hàng.

"Giá vàng giảm quá nhanh khiến tôi không kịp bán. Tuy vậy, lo sợ giá sẽ giảm thêm nên tôi đành quyết định bán ở ngưỡng 75,8 - 76,8 triệu đồng/lượng (mua - bán). Dù sao tôi vẫn lời 900.000 đồng/lượng chỉ trong 3 ngày", chị Tú nói.

Cũng theo chị Tú, bạn bè của chị có người sáng qua mới mua vào thì đến chiều lỗ nặng.

"Lướt sóng vàng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên không phải nhà đầu tư nào cũng có thể trúng đậm, thắng lớn. Nếu ai may mắn mua sắm và vào đúng sóng tăng thì lãi đậm. Ngược lại nếu sóng đứt gãy thì nhà đầu tư lại thua lỗ", chị Tú chia sẻ.

Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư vàng, các chuyên gia đều cho rằng, các nhà đầu tư không nên lướt sóng vàng vì giá vàng biến động thất thường, trong khi khoảng cách mua - bán vàng khá lớn, rủi ro sẽ đẩy về người mua.

Đu đỉnh, lướt sóng vàng: Người lãi đậm, người không kịp thoát hàng-2

Theo các chuyên gia, nhà đầu tư không nên vào khi giá vàng biến động.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, có những thời điểm giá mua- bán của vàng trong nước được điều chỉnh lên tới hơn 1 triệu đồng/lượng, đây là mức chênh rất lớn, thể hiện rằng nhà kinh doanh mua vào giá thấp nhưng lại bán ra với giá rất cao.

Chênh lệch quá lớn cũng thể hiện rằng bản thân các nhà kinh doanh đang cảm nhận được rủi ro lớn hơn và đẩy rủi ro đó sang người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây là thị trường tự do, các doanh nghiệp được tự quyết giá bán, Ngân hàng Nhà nước không áp giá trần, giá sàn.

“Chênh lệch giữa giá mua và bán cao như vậy, nhà kinh doanh mua vào giá thấp, bán ra với giá cao nên người mua đối diện nhiều rủi ro, chịu ảnh hưởng nếu thị trường biến động. Chênh lệch càng lớn, rủi ro càng nhiều.

Theo tôi, giá mua vào và bán ra chênh khoảng 500.000 đồng/lượng trở xuống là chấp nhận được. Chênh lệch từ trên 500.000 đồng là rất rủi ro”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, thị trường vàng luôn luôn bất ổn. Giá vàng tăng liên tục không có nghĩa là sẽ tăng đều từ nay đến cuối năm. 

“Điều quan trọng là không bao giờ được phép vay tiền của người khác để mua vàng để dành. Nếu giá vàng giảm trái với dự tính, thì người mua vàng sẽ gặp rắc rối lớn về tài chính. Nếu có khả năng tài chính muốn đầu tư vàng vào giai đoạn này thì chỉ nên đầu tư 1/3 số tiền tiết kiệm của mình chứ không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ", TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh tư vấn: “Người mua vàng nên cảnh giác khi giá vàng trong nước diễn biến tăng liên tục không hoàn toàn cùng nhịp với giá vàng thế giới. Về lâu dài, giá vàng trong nước cũng sẽ biến động tăng giảm theo giá thế giới, nên việc đảo chiều là hoàn toàn có thể xảy ra. Đặc biệt, người dân không nên mua vàng tại thời điểm giá vàng biến động thất thường và giá quá cao”.

Lúc 11h30 ngày 23/12, giá vàng tại Doji được niêm yết ở mức  75,7 - 77 triệu đồng/lượng (mua - bán). Trong khi đó, giá vàng nhẫn sáng nay neo cao nhất ở mức 62,1 - 63,1 triệu đồng/lượng (mua-bán), tăng 350.000 đồng/lượng so với hôm qua.

Bạn đang xem: Đu đỉnh, 'lướt sóng' vàng: Người lãi đậm, người không kịp thoát hàng

Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm

Chia sẻ bài viết