Đi khám vì rụng tóc, không ngờ mắc bệnh giang mai
Hai tháng sau tình một đêm không sử dụng biện pháp an toàn, người đàn ông được chẩn đoán giang mai từ triệu chứng rụng tóc không kiểm soát.
Anh Tuấn Nam, 34 tuổi (Hải Dương) tìm đến bác sĩ trong tình trạng tóc rụng, các nốt màu hồng có vảy trên cơ thể, cánh tay và chân, phát ban không rõ ràng ở lòng bàn tay và lòng bàn chân.
Khoảng 2 tháng trước, anh quan hệ tình dục với người lạ nhưng không có biện pháp bảo vệ. Kết thúc tình một đêm anh không liên lạc với đối phương. Hai tuần sau quan hệ, anh Nam thấy có vết trợt ở vùng kín, vài tuần sau biến mất nên không để ý.
Gần đây, tóc rụng nhiều không kiểm soát được nên anh đi khám, được chỉ định làm các xét nghiệm. Kết quả, anh Nam mắc giang mai.
“Bệnh nhân không tin mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, mà nghĩ rụng tóc do nấm da đầu hay gặp vấn đề về nang tóc", BS.CKII Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội da liễu Việt Nam nói.
Anh Nam mắc giang mai ở thời kỳ thứ 2, với biểu hiện sẩn đỏ rải rác bàn tay, chân, rụng tóc kiểu "rừng thưa". Vì bệnh nhân đến thăm khám sớm, chưa có biến chứng nên tiên lượng bệnh nhân sẽ điều trị khỏi nhanh.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân.
Bác sĩ Tiến Thành cho biết, giang mai là bệnh nhiễm trùng do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây nên. Con đường lây lan bệnh này chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn.
Xoắn khuẩn thâm nhập qua da của bộ phận sinh dục ít nhiều bị xây xát khi quan hệ tình dục sẽ gây bệnh tại chỗ, đi vào máu và lan tràn khắp cơ thể.
Hình ảnh lâm sàng thực tế của bệnh giang mai rất đa dạng, phong phú tùy theo từng giai đoạn của bệnh:
- Giang mai thời kỳ thứ nhất: Các thương tổn thường xuất hiện sau khoảng 3-4 tuần bị lây, đặc trưng của thời kỳ này là săng.
- Giang mai thời kỳ thứ 2: Thời kỳ này bắt đầu khoảng 6-8 tuần từ khi có săng với các biểu hiện lâm sàng như dát đỏ hồng rải rác ở thân mình, viêm hạch lan tỏa, rụng tóc kiểu "rừng thưa".
- Giang mai thời kỳ thứ 3: Thời kỳ này bắt đầu vào năm thứ 3 của bệnh với các biểu hiện lâm sàng "gôm" giang mai ở da, cơ, xương, thương tổn tim mạch, thương tổn thần kinh gây bại liệt.
Bệnh nhân mắc giang mai không chỉ gây nên những tổn thương cho bản thân mà còn dễ lây truyền sang cho vợ/chồng/bạn tình. Giang mai gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, hạnh phúc gia đình, gây nên tình trạng sứt mẻ, vợ chồng nghi kỵ không tin tưởng nhau, dẫn đến đổ vỡ trong hôn nhân.
BS Thành khuyến cáo cần thực hiện xét nghiệm giang mai cho tất cả phụ nữ mang thai vào lần khám thai đầu tiên sử dụng test nhanh giang mai để phát hiện, điều trị sớm, ngăn ngừa lây truyền giang mai từ mẹ sang con.
Người dân cũng cần thực hiện lối sống lành mạnh, chung thủy một vợ, một chồng. Đồng thời thực hiện hành vi tình dục an toàn, tình dục có biện pháp bảo vệ (sử dụng bao cao su). Không sử dụng vật dụng cá nhân như khăn tắm, bàn chải đánh răng… tránh trường hợp dịch nhầy, máu, mủ có xoắn khuẩn giang mai của người bệnh lây cho người lành.
Bạn đang xem: Đi khám vì rụng tóc, không ngờ mắc bệnh giang mai
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Tóc rụng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh nguy hiểm
- Cô gái cùng lúc mắc sùi mào gà, giang mai dù 2 năm không làm “chuyện ấy”
- Bé trai 3 tháng tuổi mắc giang mai, cả nhà ngỡ ngàng vì cùng 'dính' bệnh
- Nữ sinh bị sùi mào gà và giang mai cùng lúc, chuyên gia đưa ra cảnh báo
- Đi khám vì tóc rụng, người đàn ông bất ngờ phát hiện mắc giang mai
- Dấu hiệu bệnh giang mai bẩm sinh ở trẻ