Đất đấu giá: Thổi lên 133 triệu/m2 nhưng không có giao dịch

Lô đất đấu giá trúng cao nhất 133,3 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần khởi điểm tại xã Tiền Yên, Hoài Đức (Hà Nội) được khoe là đã sang tay một lần với mức chênh 200 triệu đồng, tuy nhiên môi giới nói không tin được và bày chiêu ép giá.

Thông tin thêm về lô đất này, Q., một môi giới bất động sản Hoài Đức cho biết, nếu khách hàng muốn mua, tức sang tay lần hai thì giá sẽ chênh thêm 100 triệu là 300 triệu. Tuy nhiên Q. lại cho rằng, đây chỉ là “bài” của chủ lô đất. 

“Khả năng cao đây là “bài” cho người của họ vào tiền cọc, còn thực sự cũng chưa rõ thế nào, khả năng cao vẫn chưa bán được. Đến thời điểm này tất cả các lô đất đấu giá vừa qua tại xã Tiền Yên vẫn còn nguyên bảng hàng chưa thấy có giao dịch, ngoài thông tin về lô đất có giá trúng cao nhất 133,3 triệu đồng/m2 đã sang tay một lần với giá chênh 200 triệu đồng”, Q. nói.

Với các lô còn lại, môi giới cho biết, giá chênh đã “mềm” hơn sau phiên đấu giá, hiện còn khoảng 300 triệu đồng/lô. Riêng hai lô có giá trúng 91 triệu đồng/m2 đang được báo giá chênh 600 triệu. Đây cũng là hai lô được Q. đánh giá, tiềm năng nhất trong bảng hàng 19 lô đấu giá vừa qua. 

Thậm chí môi giới này còn bày cách “mặc cả” ép giá chênh giảm xuống còn khoảng 300-400 triệu đồng vì “thị trường đang khá nhạy cảm”. 

Đất đấu giá: Thổi lên 133 triệu/m2 nhưng không có giao dịch-1

Các thửa đất được đấu giá thành công tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội) ngày 20/8. Ảnh: Hồng Khanh

“Hai lô trúng đấu giá 91 triệu đồng/m2 báo giá chênh cao vì đấu được giá rẻ nhất cả khu, trong khi vị trí cũng hai mặt tiền và diện tích như nhau. Với tình hình hiện nay, khách nên trả xuống 300-400 triệu là hợp lý. Như vậy, giá lô đất vào khoảng 95 triệu đồng/m2. Thời gian này, thị trường đang khá 'nhạy cảm' nên việc lướt chênh khó khăn. Tôi vẫn tư vấn khách nên tính toán khi xuống tiền thời điểm này”, Q. chia sẻ. 

Liên hệ với Y., một môi giới bất động sản khác, người đã có mặt tới 2 giờ sáng ngày 20/8 để chờ kết quả đấu giá, Y. lắc đầu báo không có hàng. 

Môi giới này cho biết, không phải “khan hàng” do đã có giao dịch hay các chủ đất "quay xe" không bán sau thông tin kiểm tra và cơ quan chức năng tạm dừng đấu giá, mà do giá quá cao nên không nhận bán. 

“Các lô đất trúng đấu giá chủ yếu từ 100 triệu đồng/m2 là quá cao nên khả năng “lướt chênh” sẽ rất thấp. Nếu khách vào tiền có thể bị đọng vốn”, Y. nói.

Mua chênh, ôm đất đấu giá dễ “tiền mất, tật mang”

Ông Phạm Đức Toản, CEO CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ Việt Nam (EZ Property), nhìn nhận, sau đấu giá, các lô đất được chào bán công khai với giá chênh lên đến hàng trăm triệu đồng thì đất đấu giá có nguy cơ biến thành một loại hàng hóa mới trên thị trường bất động sản và nghề “đấu giá bán chênh” với những đội đấu giá chuyên nghiệp cũng xuất hiện. Tại các phiên đấu giá, họ sẽ giành mua nhiều lô sau đó bán sang tay ngay.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản cho biết, thủ tục giao đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất được quy định rõ tại Điều 229 Luật Đất đai 2024. 

Theo đó, sau khi được công nhận kết quả đấu giá, người trúng đấu giá hoàn thành nộp tiền, cơ quan quản lý đất đai sẽ trình UBND cấp có thẩm quyền (trường hợp này là UBND huyện) ban hành quyết định giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ hồng), bàn giao đất và trao sổ hồng cho người trúng đấu giá.

“Như vậy, phải sau khi hoàn thành nộp 100% tiền trúng đấu giá, người dân mới được cấp sổ hồng và được phép chuyển nhượng cho người khác. Trường hợp vừa trúng đấu giá, chưa nộp tiền thì không được chuyển nhượng đất”, ông Đỉnh nói. 

Đất đấu giá: Thổi lên 133 triệu/m2 nhưng không có giao dịch-2

Các lô đất được chào bán công khai, giá chênh cả trăm triệu đồng ngay sau phiên đấu giá. Ảnh: Hồng Khanh

Theo chuyên gia, việc các lô đất vừa trúng đấu giá đã được rao bán chênh các bên thường thực hiện các thỏa thuận dân sự để bên mua chuyển tiền cho bên bán. Bên bán nộp tiền theo kết quả đấu giá, được cấp sổ hồng và chuyển nhượng đất cho bên mua theo thỏa thuận. 

“Quá trình này thường kéo dài và không được công chứng, chứng thực nên quyền lợi của bên mua không được bảo đảm. Nếu bên bán phá vỡ thỏa thuận và chuyển nhượng đất cho người khác sẽ dẫn đến tranh chấp giữa các bên. Do đó trường hợp này người dân cần thận trọng, tránh tham gia các giao dịch không bảo đảm an toàn pháp lý để rơi vào tình trạng tiền mất, tật mang”, vị chuyên gia khuyến cáo.

Bạn đang xem: Đất đấu giá: Thổi lên 133 triệu/m2 nhưng không có giao dịch

Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm

Chia sẻ bài viết