Dâng sao giải hạn, sao giải được nhân quả?
Các chuyên gia khẳng định, nếu cúng sao giải hạn mà giải được hạn, thì tức là giải được nhân quả, đây không phải là tư tưởng của Phật giáo, đi ngược tư tưởng Phật giáo.
Đầu năm là thời điểm người dân thực hiện cúng sao giải hạn
mong một năm mới bình an cho gia đình và người thân. Tuy nhiên, các
chuyên gia khẳng định, dâng sao giải hạn chỉ là một "giải pháp" tâm
lý, chứ không thể giải được hạn.
Dâng sao giải hạn mong cầu bình an
Dâng sao giải hạn là một nghi lễ có nguồn gốc
từ Lão giáo của Trung Quốc. Theo quan niệm, có 9 vì sao chia nhau
cai quản con người và 8 niên hạn. 9 vì sao gồm La Hầu, Thổ Tú, Thủy
Diệu, Thái Bạch, Thái Âm, Thái Dương, Kế Đô, Mộc Đức, Vân Hớn. 8
niên hạn gồm: Huỳnh Tuyền, Tam Kheo, Ngũ Mộ, Thiên Tinh, Toán Tận,
Thiên La, Đại Võng, Diêm Vương. Mỗi năm, sẽ có một vì sao cai quản
con người, có sao tốt có sao xấu. Theo sự vận chuyển của ngũ hành,
mỗi năm có một vì sao chiếu mạng vào một tuổi của mỗi người, cai
quản vận mệnh. Khi gặp sao xấu, người ta thường thực hiện lễ dâng
sao giải hạn để giảm nhẹ vận hạn.
![]() |
Người dân dâng sao giải hạn mong một năm bình an cho bản thân và gia đình. Ảnh: Phật giáo. |
Dần dần, quan niệm này ăn sâu, trở thành một tập tục lâu đời
của người Việt. Theo thời gian, nó được xem như một tập tục của
Phật giáo, và việc cúng sao giải hạn được tiến hành ở nhiều
chùa.
Đầu năm là thời điểm người dân thực hiện cúng sao giải hạn
mong một năm mới bình an cho gia đình và người thân.
Chị Nguyễn Thu Trà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, năm nào chị
cũng làm lễ dâng sao giải hạn cho cả nhà. Năm nay, chồng chị phạm
phải sao Thái Bạch. “Thái Bạch quét sạch cửa nhà”, theo quan niệm
bị hao tài tốn của, làm ăn khó khăn, dễ gặp biến cố lớn về tài
chính. Trong khi đó, anh lại làm kinh doanh, nên chị lại càng phải
chú trọng.
“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, thôi cứ làm cho an tâm.
Quan trọng nhất vẫn là sự bình an của cả nhà”, chị Trà chia
sẻ.
Tại Hà Nội, một số chùa nhận dâng sao giải hạn với mức phí từ
400-500.000 đồng. Nếu chỉ riêng cầu an, mức phí bằng một nửa,
khoảng 200.000 đồng. Với tâm lý mong cầu bình an, nhiều người sẵn
sàng chi tiền để nhờ nhà chùa làm lễ dâng sao giải hạn.
Dâng sao giải hạn không giải được hạn
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, các chuyên gia cho
biết, dâng sao giải hạn là một phong tục phản ánh nhu cầu tìm kiếm
sự bình an của con người. Tuy nhiên, thay vì dựa vào các nghi lễ
không có cơ sở khoa học, chúng ta nên tập trung vào việc tu dưỡng
bản thân, sống thiện và tích cực, bởi chính hành động và thái độ
sống của chúng ta mới quyết định vận mệnh của mình.
TS Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo
Chính phủ khẳng định, dâng sao giải hạn không phải là tư tưởng của
Phật giáo. Tư tưởng nổi bật của Phật giáo là nhân quả. Theo đó, ở
hiền thì gặp lành, xấu thì gặp xấu, gieo gió thì gặp bão, không gặp
lúc này thì gặp lúc khác, không gặp đời này thì gặp đời khác.
“Nếu cúng sao giải được hạn thì có nghĩa là giải được nhân
quả. Do đó, đây không phải là tư tưởng của Phật giáo. Giả sử, cứ
làm việc xấu, việc bất thiện rồi đến nhà chùa nhờ giải hạn cho, thế
thì xã hội này loạn, còn đâu luật đời, luật trời. Cái đó là phi
nhân tính, phi đạo đức đặc biệt là phi nhân quả”, TS Bùi Hữu Dược
phân tích.
Theo TS Bùi Hữu Dược, nhân quả không phải chỉ là của
nhà Phật mà là “quy luật sắt” của vũ trụ, không thể tránh được.
Dâng sao giải hạn là việc “đánh lừa” con người trong thời khắc nhất
định, giống như người đi vay, không trả lúc này thì phải trả lúc
khác, việc “giải hạn” chỉ là xin hoãn, chứ không tránh được. Thay
vì dâng sao giải hạn, thì hãy biết tin vào nhân quả. Nếu giáo dục
cho con người ta tin vào nhân quả, người ta sẽ làm việc thiện,
tốt.
Đồng quan điểm, TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc
Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng UIA cho hay, theo tư
duy khoa học, tên của các “vì sao” chính là các “biến số” được gán
theo ý nghĩa tượng trưng, hoàn toàn không mang ý nghĩa công năng
huyền bí như người xưa vẫn nghĩ.
Dâng sao giải hạn không thuộc tôn giáo, không thuộc đạo Phật.
Đức Phật chỉ rõ vai trò tự chịu nhân quả của mỗi chúng sinh trong
cõi thế gian. Đức Phật đã dạy cho mọi người hãy phát nguyện, tự dựa
vào sức mạnh của chính mình, không dựa vào việc cầu xin tha lực của
các vì sao huyền bí xa xôi trong vũ trụ. Đạo Phật coi tập tục cúng
sao vào nhóm mê tín, tà kiến.
Sự phát kiến của khoa học vũ trụ cũng đã chỉ ra rằng không nên
thần thánh hóa quyền lực của các “sao” vô tri vô giác trong hằng hà
vũ trụ mà quên đi hiệu ứng của quy luật nhân duyên do chính bản
thân đã tự gieo trong quá khứ, được lưu giữ trong tàng thức.
Mỗi cá thể sinh học chính là chủ nhân của nghiệp lực, là chủ
thể của các “vì sao” được cài sẵn trong tàng thức. Khi gặp duyên
thì đồng hồ sinh học sẽ “báo thức” nảy mầm và thành quả báo.
“Vì thế, thay vì dâng sao giải hạn, hãy xoay lại với chủ nhân
của nghiệp lực, đó chính là chúng ta, sống thiện, sống có đức”, TS
Vũ Thế Khanh nói.
Trong công điện gửi các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm
Minh Chính yêu cầu không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan,
dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái
chủ,… tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.
Từ năm 2019, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch kiến nghị Giáo hội
Phật giáo Việt Nam lên tiếng cảnh tỉnh người dân, nghiêm cấm các cơ
sở thờ tự tổ chức dâng sao giải hạn. Hòa thượng Thích Gia Quang,
Phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt
Nam, cũng nhiều lần khẳng định giáo lý Phật giáo chỉ có lễ cầu an
chứ không có dâng sao giải hạn. Giáo hội không khuyến khích tổ chức
dâng sao, giải hạn trong các cơ sở thờ tự.
Mai Nguyễn
Bạn đang xem: Dâng sao giải hạn, sao giải được nhân quả?
Chuyên mục: Phong thủy
Chia sẻ bài viết