Đại dịch mới đang 'ngủ đông' dưới lớp băng vĩnh cửu?
Giới khoa học lo ngại khi lớp băng vĩnh cửu ở Bắc cực không còn nguyên vẹn, loạt virus cổ xưa sẽ gây ra đại dịch khó kiểm soát.
Các nhà khoa học của NASA quan sát băng tan tại Bắc Cực. Ảnh:
NASA.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng nhân loại sẽ phải đối mặt với một mối đe dọa mới đang "ngủ đông" dưới lớp băng vĩnh cửu.
Cụ thể, họ cho rằng những loại virus cổ xưa đang nằm trong lớp băng này ở Bắc cực, một ngày nào đó có thể được giải phóng do khí hậu Trái Đất ngày càng ấm lên. Họ lo ngại những virus này sẽ gây ra đợt bùng phát dịch bệnh rất lớn, theo The Guardian.
Những mầm bệnh sống lâu hơn loài người
Hiện tại, mối quan tâm hàng đầu của các nhà khoa học là chủng vi khuẩn Methuselah, hay còn gọi là virus zombie. Thông qua nghiên cứu, các nhà khoa học lo sợ chủng vi khuẩn này sẽ gây ra tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Chủng này cũng không phải mới, mà đã có từ rất lâu về trước.
Virus Pithovirus sibericum được các nhà khoa học phân lập từ
mẫu băng vĩnh cửu 30.000 năm tuổi. Ảnh: Jean-Michel
Claverie.
Các nhà khoa học đã bắt đầu lên kế hoạch cho một mạng lưới giám sát ở Bắc cực nhằm xác định trường hợp mắc bệnh sớm do loài vi sinh vật cổ đại gây ra.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng sẽ cách ly và điều trị y tế cho những người mắc bệnh để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, đồng thời ngăn chặn người nhiễm bệnh rời khỏi khu vực.
Bàn về nguy cơ dịch bệnh bùng phát, nhà di truyền học Jean-Michel Claverie tại Đại học Aix-Marseille (Pháp), cho biết phân tích của giới khoa học hiện nay chủ yếu tập trung vào các bệnh có thể xuất hiện ở khu vực phía nam và sau đó lan rộng về phía bắc.
Tuy nhiên, mọi người lại ít chú ý một điều rằng đợt bùng phát có thể xuất hiện ở phía bắc rồi sau đó lan xuống phía nam. Nhà di truyền học tin rằng phía bắc có những loại virus có khả năng lây truyền sang người và gây ra đợt bùng dịch mới.
Quan điểm này của ông Claverie được nhà virus học Marion Koopmans ở Trung tâm Y tế Erasmus (Rotterdam, Hà Lan) ủng hộ.
"Chúng ta không biết loại virus nào đang ẩn náu dưới lớp băng vĩnh cửu, nhưng tôi nghĩ thực sự có một loại virus có khả năng gây bùng dịch, ví dụ loại virus gây bại liệt như thời xưa", ông Koopmans nói.
Năm 2014, ông Jean-Michel Claverie cùng các cộng sự đã phân lập được virus ở Siberia và nhận thấy chúng vẫn có thể lây nhiễm sang các sinh vật đơn bào, mặc dù chúng đã bị chôn vùi trong lớp băng vĩnh cửu hàng nghìn năm.
Năm 2023, nghiên cứu sâu hơn cho thấy một số chủng virus khác nhau tồn tại ở 7 địa điểm khác nhau ở Siberia và có thể lây nhiễm sang các tế bào nuôi cấy. Một mẫu virus trong số đó có "tuổi thọ" lên đến 48.500 năm.
"Các loại virus mà chúng tôi phân lập chỉ có khả năng lây nhiễm cho trùng amip và không gây nguy hiểm cho con người. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các loại virus khác - đang nằm lớp dưới lớp băng vĩnh cửu - không có khả năng lây cho ngời. Ví dụ, chúng tôi đã xác định được dấu vết bộ gen của poxvirus và herpesvirus - những mầm bệnh phổ biến ở người", ông Claverie nói với The Guardian.
Băng tan, kèm theo hoạt động khai thác có thể khiến virus cổ
đại "thức dậy" sau hàng trăm nghìn năm ngủ đông. Ảnh:
Bloomberg.
Kịch bản nào có thể xảy ra?
Lớp băng vĩnh cửu bao phủ 1/5 bán cầu bắc, tạo thành từ phần đất được "trữ đông" ở nhiệt độ âm trong thời gian dài. Các nhà khoa học phát hiện một số lớp băng đã bị đóng băng trong hàng nghìn năm qua.
Ông Claverie nói với tờ Observer rằng điểm mấu chốt là lớp băng vĩnh cửu lạnh, tối và thiếu oxy. Đây là điều kiện hoàn hảo để bảo quản những vật liệu sinh học.
"Bạn đặt sữa chua vào trong lớp băng vĩnh cửu, 50.000 năm sau mang ra vẫn có thể ăn được", nhà di truyền học nói.
Tuy nhiên, băng vĩnh cửu tồn tại trên Trái Đất đang thay đổi. Băng ở Canada, Siberia, Alaska - những nơi được coi là trữ lượng băng chủ yếu của hành tinh - đang tan dần do biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu cũng đang tạo ra tác động mất cân bằng ở Bắc cực.
Theo các nhà khí tượng học, Bắc cực đang nóng lên nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ nóng lên toàn cầu.
Nhưng vấn đề là mối nguy hiểm lại đến từ một tác động khác, đó chính là sự biến mất của băng biển ở Bắc cực. Điều này cho phép hoạt động vận chuyển, phát triển giao thông và công nghiệp ở Siberia tăng lên.
Những hoạt động khai thác quy mô lớn đang được lên kế hoạch. Nhiều tổ chức dự định khoan những hố rất lớn trên lớp băng vĩnh cửu để khai thác dầu và quặng.
"Khai thác mỏ sẽ giải phóng một lượng lớn mầm bệnh. Thợ mỏ bước vào hầm có thể hít phải virus. Hậu quả để lại có thể rất tai hại", ông Claverie dự đoán.
Quan điểm này của ông Claverie được ông Koopmans củng cố. Nhà virus học này nói rằng nếu nhìn vào lịch sử bùng phát dịch bệnh, một trong những nguyên nhân chính là sự thay đổi trong việc sử dụng đất.
Ví dụ, virus Nipah bùng phát do dơi ăn quả bị con người đuổi khỏi môi trường sống tự nhiên. Hay bệnh đậu mùa khỉ cũng có liên quan đến quá trình đô thị hóa ở châu Phi.
Ông Koopmans nhấn mạnh rằng những ví dụ trên cho chúng ta thấy viễn cảnh sắp xảy ra ở Bắc cực. Việc sử dụng đất sai cách sẽ gây nguy hiểm và để lại hậu quả khó lường.
Các nhà khoa học tin rằng băng vĩnh cửu nằm ở lớp sâu nhất có thể chứa những loại virus có tuổi đời lên đến một triệu năm, thậm chí còn nhiều tuổi hơn loài người. Loài này được cho là từng "trồi lên" vào khoảng 300.000 năm trước.
Do virus già hơn cả người, các nhà khoa học lo ngại hệ thống miễn dịch của chúng ta chưa từng được tiếp xúc với những loại virus như vậy và điều đó có thể gây ra một mối lo ngại khác.
"Kịch bản về loài virus không xác định từng lây nhiễm cho người Neanderthal thực sự đã đến với chúng ta. Kịch bản này khó xảy ra nhưng nó vẫn là một nguy cơ thực sự", ông Claverie nhận định.
Bạn đang xem: Đại dịch mới đang 'ngủ đông' dưới lớp băng vĩnh cửu?
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe