Cuộc vượt cạn ngoạn mục của người mẹ ung thư di căn mang song thai
Hai tuần trước khi trải qua cuộc vượt cạn, chị T. nằm điều trị tại Bệnh viện K trong tình trạng đau đớn vì căn bệnh ung thư đã di căn. May mắn, hai bé song sinh nặng 1,8kg đã chào đời khỏe mạnh.
Sau nhiều năm kết hôn, chị N.T.T (38 tuổi, trú tại Phú Lương, Thái Nguyên) vẫn chưa được làm mẹ dù đã nhiều lần thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Ba năm trước, chị lại bất ngờ phát hiện bản thân mình mắc căn bệnh ung thư vú.
Dù mang trọng bệnh, người chồng sức khỏe cũng bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, chị T. vẫn khát khao thực hiện ước mơ làm mẹ nên quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm một lần nữa.
Khi điều trị bệnh ổn định, tháng 5/2023, chị đặt phôi và may mắn có được song thai. Tuy nhiên, đến những tuần giữa của thai kỳ, bệnh ung thư của chị có dấu hiệu tái phát di căn.
Các bác sĩ phẫu thuật cho chị T. Ảnh: BVCC.
Đứng trước hai sự lựa chọn giữ thai và điều trị bệnh, chị T. vẫn quyết định sinh con dù biết tính mạng của mình gặp nguy hiểm. Từ giữa tháng 11/2023, chị được theo dõi tại Bệnh viện K với hy vọng "thai nhi trong bụng mẹ thêm ngày nào tốt ngày đó".
Khi thai nhi bước sang tuần 34, diễn tiến bệnh của chị T. phức tạp, các bác sĩ buộc phải cân nhắc ngừng thai kỳ. Ngày 5/12, ê-kíp bác sĩ Bệnh viện K và Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã quyết định mổ bắt con cho thai phụ. Hai em bé gái song sinh nặng 1,8kg chào đời.
PGS.TS.BS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K, cho biết bệnh nhân T. vào viện khi đang mang song thai 32 tuần và ung thư vú trái tái phát di căn hạch thượng đòn trái xâm lấn da. Khó khăn đặt ra với ê-kíp bác sĩ điều trị đó là vừa kiểm soát sự tiến triển của khối u, vừa đảm bảo an toàn cho song thai phát triển.
Khối u hạch chèn ép gây đau đớn cho người bệnh. Bác sĩ phải chỉ định chống đông xử lý huyết khối của khối u tránh nguy cơ tắc nghẽn phổi. Suốt 2 tuần qua, các bác sĩ Bệnh viện K phải đưa ra các phương án điều trị, chăm sóc đặc biệt dành cho sản phụ này...
Các bác sĩ nhận định khối u phát triển rất nhanh nếu không phẫu thuật sẽ gây xâm lấn, vỡ tắc mạch, chèn ép, khó thở. Cuộc mổ được cân nhắc, tính toán kỹ để đảm bảo an toàn cho sản phụ và thai nhi. Ca mổ diễn ra trong vòng 1 giờ vào trưa 5/12. Sau mổ, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, tiếp tục được theo dõi và điều trị.
Qua trường hợp này, các bác sĩ Bệnh viện K khuyến cáo phụ nữ đã bị ung thư, sau điều trị nên theo dõi sức khỏe, tái khám đúng hẹn. Đặc biệt, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về nguyện vọng sinh con để được tư vấn, kiểm tra sát sao nhất, hạn chế tối đa rủi ro tới sức khỏe của người mẹ và thai nhi.
Bạn đang xem: Cuộc vượt cạn ngoạn mục của người mẹ ung thư di căn mang song thai
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- 4 bộ phận trên cơ thể chuyển màu đen sạm cảnh báo tế bào ung thư
- Phụ nữ trước tuổi 40 có 3 dấu hiệu này thì cẩn trọng ung thư vú đang phát triển, tuyệt đối không chủ quan
- Nam hay nữ có 6 bất thường này đều cần tầm soát ung thư vú gấp
- Coco Lee bị ung thư vú trong 6 tháng cuối đời, 1 mình đến bệnh viện giữa lúc chồng đi du lịch
- Uống thuốc tránh thai thường xuyên có mắc ung thư vú?
- Chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo: 6 thói quen ăn uống làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú gấp nhiều lần