Cúng ông Công ông Táo năm 2025 thời điểm nào tốt nhất?
Cúng ông Công ông Táo năm 2025, ngoài ngày 23 tháng Chạp (22/1 dương lịch) còn có các ngày 19 tháng Chạp (18/1); 20 tháng Chạp (ngày 19/1) và 21 tháng Chạp (ngày 20/1).
Tết ông Công ông Táo năm 2025 sẽ diễn ra vào
ngày 23 tháng Chạp năm Giáp Thìn (tức là vào thứ Tư, ngày 22/1/2025
theo Dương lịch).
Lễ cúng ông Công ông Táo là lễ cúng quan trọng, mở đầu cho Tết
Cả - Tết Nguyên đán lớn nhất trong năm của người Việt, mang ý nghĩa
tiễn các vị thần bếp về trời báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc
lớn nhỏ xảy ra trong gia đình suốt năm qua.
Các vị thần bếp được xem là người bảo vệ gia đình, giữ lửa
hạnh phúc và mang lại may mắn. Lễ cúng ông Công ông Táo là cách để
gia chủ bày tỏ lòng biết ơn và mong cầu được chở che, bình an, may
mắn trong năm mới sắp đến. Vì là lễ cúng quan trọng nên tất cả mọi
thành viên trong gia đình nên sắp xếp công việc để trở về nhà quây
quần, sum họp cùng nhau trong dịp này.
Nên cúng vào thời điểm nào là tốt nhất?
Theo quan niệm phong thủy, giờ Ngọ (11h-13h) của ngày 23 tháng
Chạp được coi là thời điểm đẹp nhất để thực hiện lễ cúng tiễn Táo
quân. Tuy nhiên, do 23 tháng Chạp năm nay rơi vào thứ Tư, ngày
22/1/2025 - là ngày làm việc giữa tuần - nên nhiều gia đình khó thu
xếp để cúng được đúng ngày.
Gia chủ có thể làm lễ cúng ông Công ông Táo vào các ngày trước
đó, tham khảo các ngày tốt và khung giờ hoàng đạo để cúng ông Công
ông Táo ngoài chính ngày 23 tháng Chạp sau:
- Ngày 19 tháng Chạp (ngày 18/1, thứ Bảy): giờ Thìn (7h-9h),
Ngọ (11h-13h), Mùi (13h-15h), Tuất (19h-21h).
- Ngày 20 tháng Chạp (ngày 19/1, Chủ nhật): giờ Sửu (1h-3h),
Mão (5h-7h), Ngọ (11h-13h), Thân (15h-17h), Dậu (17h-19h).
- Ngày 21 tháng Chạp (ngày 20/1, thứ Hai): giờ Dần (3h-5h),
Mão (5h-7h), Tỵ (9h-11h), Thân (15h-17h), Tuất (19h-21h), Hợi
(21h-23h).
Cần lưu ý thời điểm cúng muộn nhất không được quá giờ Ngọ ngày
23 tháng Chạp.
Lễ vật cúng ông Công ông Táo
Gia chủ cần chuẩn bị các lễ vật cúng ông Công ông Táo
gồm:
- 3 bộ mã mũ áo và hài, trong đó, 2 bộ cho Táo ông (có cánh
chuồn) và 1 bộ cho Táo bà (không có cánh chuồn).
- Cá chép giấy hoặc cá chép sống thả vào chậu nước (1 hoặc 3
“ông” cá chép).
- Tiền, vàng mã.
- Trầu cau, trái cây, hoa tươi.
- Rượu trắng, trà, gạo-muối (mỗi thứ một đĩa nhỏ).
Lễ vật cúng ông Công ông Táo. (Ảnh: Vietnam+)
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo
Về mâm cúng, gia chủ có thể chọn lễ chay hoặc lễ mặn đều
được.
Cúng chay
Mâm cỗ cúng chay có thể gồm các món canh, xào, rán, kho… chế
biến hoàn toàn từ thực vật và nấm, chẳng hạn như canh nấm, rau củ
xào thập cẩm, nem rau, các món từ đậu phụ, nộm chay, giò-chả chay,
xôi, chè…
Cúng ông Công ông Táo là lòng thành, do đó, với các gia chủ
chưa có điều kiện chỉ cần làm mâm cúng đơn giản với 3 món là
được.
Còn theo trường phái Trí tuệ của Phật giáo, lễ vật cúng ông
Công ông Táo sẽ không dâng mũ áo, tiền vàng, cá chép giấy mà chỉ
dâng cúng 1 mâm ngũ quả, 3 bát chè, 1 đĩa xôi, hoa tươi, nước, nến
đỏ và 3 “ông” cá chép sống. Khi thắp hương xong, gia chủ sẽ mang cá
thả ra sông, hồ.
Cúng mặn
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo với các món mặn. (Ảnh:
Vietnam+)
Với các gia đình cúng lễ mặn, mâm cỗ truyền thống thường bao
gồm một đĩa gà luộc hoặc 1 khổ thịt vai gáy luộc, 1 bát canh, 1 đĩa
xào, 1 đĩa giò, 1 đĩa nem rán, 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm
trà sen, 3 chén rượu, quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa tươi, 1 tập giấy
tiền, vàng mã.
Các món trong mâm cỗ cúng chay hay cúng mặn tùy từng gia đình
có thể thay đổi, điều quan trọng nhất vẫn là lòng thành của gia
chủ.
Nghi thức cúng ông Công ông Táo
Về nghi thức cúng, sau khi chuẩn bị lễ vật và mâm cỗ, gia chủ
ăn mặc trang nghiêm, thành kính thắp hương, đọc bài khấn tiễn ông
Công ông Táo về trời.
Trong bài khấn, trước là cảm tạ các quan thần đã ban ân phúc
cho gia đình được mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc trong suốt một năm
qua. Sau là mong các quan thần xá tội cho những lỗi lầm đã phạm
phải, xin được tiếp tục ban phước lộc, phù hộ toàn gia sức khỏe dồi
dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Thả cá chép
Thả nhẹ nhàng để cá chép từ từ bơi vào dòng nước.(Ảnh: Minh
Quyết/TTXVN)
Lễ xong, gia chủ đợi đến khi tàn tuần hương thì lễ tạ rồi hóa
vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối – nơi cá có thể sống
khỏe mạnh.
Khi thả cá chép phải nhẹ nhàng để cá từ từ bơi ra
dòng nước, tuyệt đối không được không thả cá vẫn trong túi nylon
hay thả cá từ trên cao xuống; bỏ túi nylon đựng cá vào thùng rác
đúng quy định.
Giữ tâm trí thanh tịnh khi thả cá, không nên cầu gì mà chỉ
khấn thầm: “Xin thả phóng sinh 3 ông cá để việc về trời của 3 ngài
Táo quân được thuận buồm xuôi gió” và lưu lại chút thời gian quan
sát, đảm bảo cá đã bơi đi. Lúc này mới kết thúc lễ cúng ông Công
ông Táo./.
Theo PV/Vietnam+
Bạn đang xem: Cúng ông Công ông Táo năm 2025 thời điểm nào tốt nhất?
Chuyên mục: Phong thủy
Chia sẻ bài viết