Cô gái 19 tuổi nhập viện tâm thần vì chứng vui vẻ quá mức
Cô gái 19 tuổi phải điều trị tâm thần vì chứng vui vẻ quá mức, mua sắm vượt khả năng chi tiêu, ảo tưởng tài giỏi và quan hệ tình dục không kiểm soát.
Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Ngô Tuấn Khiêm, Phòng Rối loạn cảm xúc, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết cơ sở này vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân T.T.A (19 tuổi, trú tại Hà Nội) vào viện với chẩn đoán rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hưng cảm.
Theo mẹ của A., 2 năm trước, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng vui vẻ quá mức, rất nhiều năng lượng, làm việc không biết mệt mỏi, hay cười nói, bắt chuyện với mọi người, thích giúp đỡ người khác như quét rác trong trường. Bệnh nhân ngủ ít, tăng mua sắm vượt quá khả năng chi tiêu.
Một nữ bệnh nhân điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần. Ảnh: L.Phương.
Sau đó, A. lại rơi vào trang thái buồn bã, chán nản, bi quan, không còn thiết tha làm việc, mua sắm. Bệnh nhân không tập trung nghe giảng, ăn kém ngon, sụt cân, suy nghĩ nhiều, mất ngủ, lo lắng tương lai ảm đạm, nhiều lần nghĩ đến cái chết. Sau đó, các triệu chứng này mất dần.
Ba tuần trước khi vào viện, A. lại xuất hiện biểu hiện vui vẻ thái quá, thừa năng lượng, hay cười nói, bắt chuyện với mọi người. Bệnh nhân tăng ham muốn tình dục, sẵn sàng quan hệ không kiểm soát.
Các triệu chứng của A. ngày càng nặng nên gia đình đưa cô vào Viện Sức khỏe tâm thần khám.
Tại đây, bác sĩ cho nữ bệnh nhân dùng các thuốc chỉnh khí sắc, an thần kinh, trị liệu tâm lý. Sau 15 ngày, tình trạng của bệnh nhân thuyên giảm.
Tại hội thảo Cung cấp thông tin về bệnh lý rối loạn lưỡng cực giai đoạn hưng cảm do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức ngày 21/10, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Ái Vân, Viện Sức khỏe Tâm thần, cho biết rối loạn cảm xúc lưỡng cực có thể do gene di truyền, biến đổi hình ảnh học của não bộ và các yếu tố tâm lý xã hội.
Bệnh nhân có thể gặp căng thẳng trong cuộc sống. Đây là yếu tố kích hoạt giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm ở người có nguy cơ cao như mất người thân, ly hôn, mất việc.
Các thay đổi trong nhịp sinh học như thiếu ngủ hoặc làm việc theo ca có thể dẫn đến mất cân bằng hóa học trong não, làm tăng nguy cơ các giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm. Người bệnh có thể trở nặng nếu thiếu sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè.
Bác sĩ Vân lưu ý những dấu hiệu nhận biết bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực:
- Khí sắc tăng: biểu hiện phấn khích và vui sướng quá mức.
- Vui vẻ quá đà: người bệnh có thái độ vui vẻ, hân hoan với bất kỳ sự vật, hiện tượng nào xảy ra xung quanh. Họ thường ca hát, đọc thơ, diễn kịch một cách say sưa mà không cần biết người xung quanh có muốn thưởng thức hay không. Nếu bị phản đối, họ có thể chuyển thái độ nhanh chóng từ vui vẻ sang nổi cáu và gây sự với người khác.
- Giảm nhu cầu ngủ: thức dậy sớm hơn bình thường vài giờ nhưng không thấy mệt mỏi, có thể thức vài ngày.
- Nói nhiều, nói nhanh: người bệnh nói to, nhanh và không ngừng về mọi chủ đề với ngôn ngữ đùa cợt, chơi chữ để mua vui.
- Ngoài ra, người bệnh còn các dấu hiệu như tư duy phi tán, mất khả năng tập trung chú ý, can thiệp vào mọi việc xung quanh, gây ồn ào, di chuyển đồ đạc trong phòng. Tăng nhu cầu mua sắm vượt quá khả năng chi trả; có tính tự cao, xây dựng ý tưởng kinh doanh phi thực tế, thậm chí hoang tưởng gây ra tổn thất tài chính.
Người bệnh rối loạn lượng cực còn tăng ham muốn tình dục. Vì vậy, họ có thể dễ dàng nhận lời quan hệ với những người không quen biết.
Bác sĩ Vân cho biết, rối loạn lưỡng cực để lại hậu quả xấu cho bệnh nhân và gia đình, bạn bè và các mối quan hệ xã hội của họ nên cần có chiến lược điều trị hiệu quả. Việc can thiệp sớm có khả năng thay đổi tiến trình của bệnh. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo nếu có các dấu hiệu trên, người bệnh cần được khám sức khỏe tâm thần sớm.
Bạn đang xem: Cô gái 19 tuổi nhập viện tâm thần vì chứng vui vẻ quá mức
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Nữ sinh bị rối loạn nhân cách, nhiều lần rạch tay hủy hoại bản thân
- Ám ảnh 'cửa đã khoá hay chưa', có thể trẻ đang rối loạn lo âu
- Nam doanh nhân rối loạn tâm thần vì căn bệnh khó nói của cánh mày râu
- Cảnh báo rối loạn nhân cách ở trẻ
- Học sinh rối loạn tâm lý sau uống nước ngọt miễn phí: Do đồ uống có caffein
- Một số biện pháp phòng tránh rối loạn tiêu hóa dịp Tết