Chung cư giá cao ngất, môi giới hỏi rồi một đi không trở lại
Mỗi ngày hàng chục môi giới gọi điện hỏi mua căn hộ với giá từ 60 – 80 triệu đồng/m2, nhưng khi chủ nhà đồng ý bán thì cả tháng không thấy ai đến xem nhà.
Đó là chia sẻ của nhiều nhà đầu tư, người có nhu cầu bán chung cư, nhất là thời điểm Tết đang đến gần.
Chiêu trò của các môi giới
Do không có nhu cầu ở, anh Nguyễn Văn Mừng đã cho thuê căn hộ chung cư Phương Đông Green Park (Hoàng Mai, Hà Nội) rộng hơn 70m2, 2 phòng ngủ, 2 WC, lắp đặt nội thất đầy đủ với giá 14 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, giữa tháng 10 vừa qua, người thuê đã trả nhà. Vì muốn cho thuê nhà để tránh xuống cấp, đồng thời có thêm khoản thu nhập thụ động, anh Mừng đã đăng tải thông tin cho thuê lên facebook, zalo và các hội nhóm của cư dân và trên mạng xã hội.
“Kể từ giữa tháng 10 đến nay ngày nào tôi cũng nhận được hàng chục cuộc điện thoại gọi hỏi có bán hay cho thuê căn hộ không. Khi tôi không đồng ý bán thì họ nói “giá căn hộ của anh đang tốt, đầy đủ nội thật, giá từ 56 – 60 triệu/m2. Nếu anh có yêu cầu về mức giá thì trao đổi để em tìm khách phù hợp”.
Khi không có nhu cầu bán thì ngày nào cũng có một số cuộc điện thoại gọi đến gây phiền hà, mất thời gian. Thế nhưng, khi đồng ý bán với giá môi giới đưa ra, hơn tháng nay không một môi giới nào dẫn người đến xem nhà, mà người thuê nhà cũng chẳng thấy đâu”, anh Mừng than thở.
Giá chung cư tăng nóng bởi có bàn tay tác động của môi giới. (Ảnh minh hoạ).
Năm 2016, vợ chồng anh Trần Đức Huy mua căn hộ diện tích 90m2, 3 phòng ngủ của dự án Eco Green (ngõ 300, Tân Triều, Thanh Trì) với giá 25 triệu đồng/m2. Số tiền gia đình phải chi trả thời điểm ấy là 2 tỷ 250 triệu, lắp đặt nội thất hết 120 triệu, tổng số tiền đầu tư là 2 tỷ 370 triệu. Hơn 2 năm qua, giá chung cư liên tục tăng, cả hai vợ chồng anh Huy đều thường xuyên nhận được các cuộc gọi của môi giới hỏi bán nhà nhưng gia đình từ chối.
Bốn tháng gần đây, anh thường xuyên phải nghe nhiều cuộc gọi nhiều hơn từ môi giới. Giá căn hộ mà các môi giới đưa ra cũng tăng dần đều, cuộc gọi sau đưa ra mức giá cao hơn cuộc gọi trước.
“Tôi còn nhớ hồi tháng 8, môi giới nói giá khu nhà tôi khoảng 50 triệu đồng/m2 thì đến tháng 10, giá đã lên đến khoảng 60 triệu đồng/m2 và đến giữa tháng 12 này, môi giới tiếp tục điện thoại trả căn hộ của tôi lên đến 65 triệu đồng/m2. Môi giới nói rằng nếu tôi đồng ý bán, họ sẽ dẫn khách đến xem nhà, đặt cọc ngay. Với mức giá mà môi gới đưa ra, sau hơn 7 năm sử dụng, nhẩm tính nếu bán căn hộ cũng nhỉnh 6 tỷ, tăng gần gấp 2,5 lần so với thời điểm mua năm 2016”, anh Huy kể.
Thấy căn hộ được giá, lại liên tục nhận được cuộc gọi của môi giới nên gia đình anh Huy quyết định bán căn hộ đang ở, rồi tìm mua căn hộ nhỏ hơn, phần tiền còn dư sẽ đầu tư đất nền tại Hà Nam, nơi đang có nhiều dự án bất động sản của các nhà đầu tư lớn.
“Từ tháng 10 đến nay, hễ có môi giới nào gọi điện tôi đều bảo họ cứ dẫn khách qua xem, đồng thời tôi cũng đưa thỏa thuận, nếu bán được giá đó, ngoài 1% hoa hồng, tôi sẽ thưởng riêng cho nhân viên môi giới 50 triệu đồng. Thế nhưng đã hơn hai tháng qua, không thấy môi giới nào dẫn khách tới xem nhà hay đặt cọc”, anh Huy nói.
Thị trường nhiễu loạn bởi môi giới?
Không chỉ anh Huy, anh Mừng, mà thời gian qua, nhiều chủ căn hộ chung cư trên địa bàn Hà Nội liên tục nhận được các cuộc gọi gạ bán căn hộ của các môi giới, với tần suất mỗi ngày từ 5-10 cuộc. Nhưng khi đồng ý bán thì môi giới đều mất hút, còn khi nói cho thuê cũng chẳng thấy ai đến, dù các chủ căn hộ đều gửi thông tin, hình ảnh căn hộ cho môi giới.
Chị Nguyễn Hà Linh, một môi giới bất động sản khu vực Hà Đông, Thanh Xuân đã giải nghệ tiết lộ, việc môi giới bất động sản liên tục gọi cho chủ nhà hỏi mua nhà với giá cao không phải hiện tượng mới, nhất là trong những giai đoạn thị trường đang nóng.
“Đây là cách để tạo cảm giác nhu cầu lớn, khiến chủ nhà có suy nghĩ giá trị bất động sản của mình tăng mạnh. Tất nhiên, khi chủ nhà đồng ý bán, sẽ chẳng có môi giới nào đến đặt cọc. Nhưng những cuộc gọi đó có thể sẽ được môi giới ghi âm để có căn cứ khẳng định với người có nhu cầu mua giá chung cư tăng cao là có thật.
Và khi chủ nhà đồng loạt tăng giá theo con số mà môi giới đưa ra, thị trường sẽ càng thêm nóng, giá chào bán căn hộ ngày càng đẩy lên, tạo nên “cơn sốt”. Thấy mặt bằng giá chào bán căn hộ ngày càng cao, nhiều người mua sợ bỏ lỡ cơ hội, lo ngại giá tiếp tục leo thang nên sẽ nhanh chóng xuống tiền”, chị Hà Linh nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, thời gian gần đây hiện tượng giá nhà đất, chung cư tăng đột biến có dấu hiệu tác động để trục lợi bởi một nhóm lợi ích nào đó.
“Nhiều người cho rằng giá chung cư vẫn đang tiếp tục tăng. Nguyên nhân chính là bởi đội ngũ "cò" vẫn tiếp tục tác động gây nhiễu loạn thị trường, khiến người có nhu cầu mua để ở thật không tiếp cận được, còn người bán cũng không thể bán được. Đến thời điểm này, để bán nhanh căn hộ của mình, nhiều người đã phải hạ giá từ 300 - 400 triệu đồng so với giá mà môi giới đưa ra. Tuy nhiên thực tế, dù đến cuối năm những vẫn rất ít giao dịch thật. Giá tăng nhưng không có giao dịch thì đó chỉ là thị trường ảo", ông Đính nói.
Bạn đang xem: Chung cư giá cao ngất, môi giới hỏi rồi một đi không trở lại
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Giá chung cư Hà Nội năm 2024 tăng 50%, phân khúc bình dân lên 45 triệu đồng/m2
- Thị trường chung cư Hà Nội và TP HCM diễn biến trái chiều
- Giá chung cư Hà Nội tiếp tục lập đỉnh, đất biệt thự trên 200 triệu m2
- Giá chung cư cao, nhân viên môi giới than khó giao dịch
- Loạt chung cư cao cấp ở Hà Nội chưa được cấp sổ hồng, vì sao?
- Nhận tiền bồi thường 30m2 đất mặt đường, phải bù thêm 500 triệu đồng mới đủ mua căn chung cư 60m2