Chiêu lừa đảo mạo danh Trấn Thành, Trường Giang

Dù nhà sản xuất đã cảnh báo, nhiều đối tượng vẫn bất chấp, lập ra hàng loạt fanpage, mạo danh chương trình Nhanh như chớp nhí, nghệ sĩ nổi tiếng để lừa đảo.

“Khi tham gia ghi hình Nhanh như chớp nhí, các bé đều được nhận giải thưởng và cấp giấy chứng nhận của Đài truyền hình do trực tiếp giám đốc Đài truyền hình ký. Đối với các bé dễ thương, hoạt ngôn, có năng khiếu về diễn xuất sẽ có cơ hội nhận gói học bổng từ đài truyền hình cũng như tham gia tất cả chương trình truyền hình thực tế mà Vie Channel tổ chức”…

Đoạn quảng cáo trên xuất hiện đồng loạt trên nhiều fanpage như “Chương trình Nhanh như chớp nhí”; “Chương trình trí tuệ - Nhanh như chớp nhí”; “Nhanh như chớp nhí mùa 5”…

Mỗi ngày trôi qua, hàng loạt fanpage giả mạo game show Nhanh như chớp nhí xuất hiện trên mạng xã hội. Với những thủ đoạn như chạy quảng cáo, để số điện thoại trên fanpage, đăng tải các hình ảnh liên quan đến game show cũng như nghệ sĩ nổi tiếng, nhóm đối tượng đã lừa gạt nhiều phụ huynh thời gian qua.

Trên thực tế, Vie Channel - nhà sản xuất của chương trình Nhanh như chớp nhí đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng nói trên. Đơn vị sản xuất cũng đưa ra thông báo đến thời điểm hiện tại, họ chưa tổ chức casting cho chương trình ở mùa 5.

Song vấn nạn mạo danh chương trình, lợi dụng tên tuổi của nghệ sĩ để lừa đảo phụ huynh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Hứa hẹn trả cát-xê 15 triệu đồng, được Trấn Thành, Trường Giang đào tạo

Không khó để tìm kiếm các fanpage mạo danh chương trình Nhanh như chớp nhí trên các nền tảng mạng xã hội. Chỉ cần gõ “Nhanh như chớp nhí”, hơn 20 fanpage giả mạo hiện lên trên Facebook, Instagram.

Sau vài thao tác đơn giản tìm kiếm ban đầu, PV Tri thức (Znews) truy cập vào fanpage có tên “Chương trình Nhanh như chớp nhí” với hơn 9.000 lượt follow và hiển thị số điện thoại liên hệ.

Khi gọi vào số điện thoại này, PV được một nhân viên nữ tư vấn, hỏi chuyện. Nhân viên nhanh chóng đề nghị cung cấp tên tuổi, số điện thoại của phụ huynh và thí sinh nhí để được “người của ban tổ chức” trực tiếp liên hệ, giải đáp.

Chiêu lừa đảo mạo danh Trấn Thành, Trường Giang-1

Chiêu lừa đảo mạo danh Trấn Thành, Trường Giang-2

Hàng loạt fanpage giả mạo game show dành cho trẻ em được lập ra trên mạng xã hội.

Chưa đầy một phút sau khi cúp máy, PV tiếp tục được một người lạ có tên X.T kết bạn trên mạng xã hội. Người này tự xưng là chuyên viên tư vấn, hỗ trợ lên ứng tuyến cho chương trình Nhanh như chớp nhí 2024 của Đài truyền hình Việt Nam kết hợp với công ty cổ phần Vie Channel tổ chức.

Sau khi hỏi năng khiếu của bé và địa chỉ gia đình, X.T phổ biến về chương trình cùng nhiều hứa hẹn “có cánh” cho thí sinh nhí sau khi tham gia game show.

Cụ thể, các quyền lợi được X.T đề cập bao gồm: Được đào tạo bài bản về kỹ năng diễn xuất; Học tập với các nghệ sĩ, diễn viên dày dặn kinh nghiệm như Trấn Thành, Trường Giang, Xuân Bắc, Hòa Minzy…; Nhận cát-xê 15 triệu đồng cùng hoa hồng từ lượt view, rating sau khi chương trình lên sóng; Được trở thành thành viên chính thức của công ty cổ phần Vie Channel; Tham gia các job, chương trình đều đặn do Vie Channel tổ chức; Các bé được tham gia vòng chung kết và siêu cúp sẽ được tài trợ một chuyến du lịch tại Hawaii 5 ngày 6 đêm cùng gia đình, đồng đội; Đối với các bé dễ thương, hoạt ngôn, có năng khiếu về diễn xuất sẽ có cơ hội nhận gói học bổng từ đài truyền hình về đào tạo diễn xuất và tham gia chương trình thực tế do Vie Channel tổ chức.

Trong quá trình trao đổi qua lại, X.T đề nghị PV phải thể hiện sự tương tác bằng cách thả like hoặc tim vào tin nhắn.

Tiếp đó, người này cung cấp nội dung, thể lệ tham gia chương trình. X.T yêu cầu PV đăng ký thông tin để tham gia vòng xét duyệt hồ sơ bằng cách điền vào đơn ứng tuyển. Đáng chú ý, trong đơn ứng tuyển, phụ huynh phải cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, bao gồm cả số tài khoản, tên ngân hàng, chủ tài khoản, email, địa chỉ nhà…

“Sau khi các bé được xét tuyển chính thức, bộ phận nhân sự sẽ trực tiếp liên hệ với phụ huynh, bố trí đội ngũ ê-kíp hỗ trợ cũng như sắp xếp studio gần nhất nơi mình sinh sống để thuận tiện cho việc đi lại, đào tạo. Giúp các bé làm quen với phim trường trước khi tập trung ghi hình chính thức. Ban tổ chức sẽ tài trợ toàn bộ chi phí đi lại, đào tạo, phụ kiện, ăn uống…", X.T cho biết.

Cập nhật xong thông tin trên đơn ứng tuyển, X.T tiếp tục đề nghị PV tải ứng dụng Telegram Messenger để “ban tổ chức thông báo trực tiếp cho các phụ huynh về quá trình tham gia, sắp xếp thời gian, địa điểm thuận tiện và phù hợp cho bé”.

Chiêu lừa đảo mạo danh Trấn Thành, Trường Giang-3

Hứa hẹn trả cát-xê và được nghệ sĩ nổi tiếng đào tạo khi tham gia chương trình.

Sau đó, X.T hướng dẫn cụ thể cài ứng dụng Telegram trên điện thoại và dồn dập hỏi khi PV cho biết “chưa biết cách tải và sử dụng”.

Yêu cầu phụ huynh chuyển 606.000 đồng

Trên ứng dụng Telegram Messenger, PV tiếp tục được một nhân viên khác tên M.L giới thiệu là thành viên ban tổ chức chương trình Nhanh như chớp nhí mùa 5 tư vấn, hỗ trợ.

M.L hỏi qua loa về mã đăng ký của thí sinh nhí để tiến hành hoàn tất hồ sơ. Sau đó, người này gửi đường link để truy cập một group chung có tên “Nhanh như chớp nhí 2024” và yêu cầu phụ huynh tham gia.

Group này gồm hơn 50 phụ huynh, hoạt động dưới sự điều khiển của hai admin (trợ lý, điều phối viên). Khi mới gia nhập nhóm, các phụ huynh sẽ điền vào một bảng khảo sát do điều phối viên đưa ra.

Hoàn thành bước khảo sát, trợ lý trong nhóm sẽ thông báo danh sách các phụ huynh được nhận món quà tri ân từ ban tổ chức chương trình trị giá 50.000 đồng. Số tiền này được chuyển theo số tài khoản mà phụ huynh cung cấp trong đơn ứng tuyển.

Kết thúc vòng một, 50 phụ huynh lại tiếp tục trải qua hoạt động hai mang tên “Tỏa sáng ước mơ”. Tại đây, trợ lý yêu cầu phụ huynh chuyển khoản số tiền 606.000 đồng để mua một sản phẩm trang sức nhằm “gia tăng kích cầu và tích lượt mua bán cho sản phẩm của nhà tài trợ”.

“Phụ huynh sẽ hoàn thành thanh toán sản phẩm mà hệ thống cập nhật ngẫu nhiên các mặt hàng của nhà tài trợ. Sau khi quý phụ huynh thanh toán và gửi ảnh chụp màn ảnh của giao dịch lên nhóm. Hệ thống sẽ đối chiếu lấy mã giao dịch, tạo mã bill hóa đơn cho sản phẩm đó, để tạo lượt mua bán và lượt tương tác. Ở đây các phụ huynh không cần nhận sản phẩm sau khi thanh toán mà thay vào đó sẽ nhận hoa hồng, phần quà tri ân của nhà tài trợ”, trợ lý cho biết.

Những phụ huynh sau khi hoàn tất việc chuyển khoản này sẽ được loại khỏi group chung để nhường chỗ cho những người khác mới gia nhập nhóm.

Với những phụ huynh là thành viên của nhóm, nhưng không tham gia các hoạt động như yêu cầu ở trên sẽ bị mời ra khỏi nhóm, xóa tên khỏi danh sách ứng tuyển. Số lượng thành viên trong nhóm liên tục biến động, thay đổi trong thời gian ngắn.

Chiêu lừa đảo mạo danh Trấn Thành, Trường Giang-4

Phụ huynh sẽ tham gia vào một group chung và được yêu cầu chuyển tiền 606.000 đồng.

Đáng nói, nhà tài trợ mà người trợ lý nhắc đến ở tên là một thương hiệu trang sức lớn tại Việt Nam. Theo tìm hiểu của PV, thương hiệu này chưa từng tài trợ phát sóng cho Nhanh như chớp nhí trong 4 mùa vừa qua.

Ngoài fanpage “Chương trình Nhanh như chớp nhí”, PV tiếp tục liên lạc với admin của một số fanpage mạo danh khác. Sau quá trình trao đổi, PV nhận ra nhiều fanpage đều được lập ra từ chung một nhóm đối tượng. Cách thức tiếp cận, dụ dỗ và lừa đảo để thu phí từ phụ huynh đều giống nhau.

Không chỉ Nhanh như chớp nhí, các đối tượng lừa đảo còn lập ra các fanpage giả mạo của một số game show dành cho trẻ em khác như Biệt tài tí hon - Thắp sáng thế hệ tương lai (với hơn 4,2 nghìn lượt follow)… Để thu hút phụ huynh, nhóm này sử dụng nhiều hình ảnh từ chương trình gốc, chạy quảng cáo đều đặn và tiếp tục đăng tải thông tin casting mùa 5.

 Theo Tạp chí tri thức 

Bạn đang xem: Chiêu lừa đảo mạo danh Trấn Thành, Trường Giang

Chuyên mục: Giải trí

Chia sẻ bài viết