Chỉ bán hoa mỗi dịp Tết ở cổng chợ hoa Quảng Bá, người đàn ông thu hàng trăm triệu đồng/năm
Đến hẹn lại lên, Tết Nguyên đán cận kề, ông Đào Xuân Vụ (65 tuổi) lại bày biện các loại hoa ở cổng chợ Quảng Bá để phục vụ người Hà Nội chơi Tết.
Ông Đào Xuân Vụ (65 tuổi, đến từ Lục Nam, Bắc Giang) là một gương mặt quen thuộc tại khu vực chợ hoa Quảng Bá (quận Tây Hồ, TP Hà Nội).
Bởi năm nào cũng vậy, trước thềm năm mới khoảng 2 tháng, ông Vụ đã chuẩn bị đầy đủ các loại hoa để bày bán tại khu vực cổng chợ Quảng Bá, phục vụ người Hà Nội chơi Tết.
Ông Vụ cho biết, bản thân bắt đầu bén duyên với công việc bán hoa từ năm 1993 sau "thương vụ" nhập vài cây đào từ Lào Cai với giá 5.000 đồng, mang về Bắc Giang bán dịp Tết với giá 110.000 đồng.
Khu vực bày bán hoa Tết của ông Đào Xuân Vụ (65 tuổi, đến từ Lục Nam, Bắc Giang), tại cổng chợ hoa Quảng Bá (Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: Bảo Minh
Nhận thấy nguồn lợi từ việc bán hoa đủ để lo cho cuộc sống gia đình nên ông Vụ đã bắt đầu tìm hiểu về các loài hoa và gắn cuộc đời mình với việc buôn, bán hoa vào mỗi dịp Tết.
Ông khẳng định, nếu không có lợi nhuận ít nhất 100 - 200 triệu đồng/năm, ông sẽ không làm, bởi đây là nguồn thu để ông có thể lo được các khoản phải chi như chi phí nhập/vận chuyển hoa, mặt bằng, điện, nước… để lưu trữ, bán hoa.
Ông Vụ tiết lộ, trong số hoa đào, hoa mơ, hoa mận và hoa lê, chỉ có hoa lê là có thể chơi được sớm nhất và cũng chơi được lâu nhất.
Trước thềm Tết Nguyên đán khoảng 30 ngày, hoa lê, hoa mận cành rời đóng lùm được ông Vụ và các thương lái bán với giá từ 50.000 – 100.000 đồng/bó. Ảnh: Bảo Minh
"Người chơi hoa lê có thể chơi trước thời điểm Tết Nguyên đán khoảng hơn 1 tháng và chơi đến khoảng thời điểm ngày 8/3 – Ngày Quốc tế phụ nữ. Bởi vậy, năm nào, hoa lê cũng được người chơi săn đón sớm nhất và muộn nhất. Riêng hoa đào, nếu chơi trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng thì cận Tết Nguyên đán phải thay hoa mới", ông Vụ cho hay.
Bằng kinh nghiệm hơn 20 năm buôn bán hoa, ông Vụ cho rằng, hoa chơi Tết có nguồn gốc từ rừng núi cao có độ bền và lâu tàn hơn hoa được chăm sóc tại vườn.
Cũng vì độ bền không thể bằng hoa núi nên ông Vụ cho hay, cận kề Tết Nguyên đán khoảng gần 1 tháng, ông mới bắt đầu nhập hoa đào từ các vườn đào tại Hà Nội để bày bán Tết.
Cận cảnh những cành hoa lê, hoa mận được ông Vụ nhập từ Lào Cai, bày biện tại khu vực cổng chợ hoa Quảng Bá để phục vụ người chơi hoa. Ảnh: Bảo Minh
Ông Vụ cho biết, những người có tiền thường hướng đến các cây cảnh có thế đẹp, giá thành cũng đắt đỏ hơn. Ở vào những năm trước dịch COVID-19, một cây đào, cành mận thế đẹp có thể bán được với giá từ 6,5 – 7 triệu đồng nhưng vào 2 năm có dịch COVID-19, giá hạ xuống chỉ có thể bán được với giá từ 2,5 – 3 triệu đồng.
Là người có hơn 20 năm kinh nghiệm buôn bán hoa, ông Vụ cho rằng, những cây hoa xuất hiện tảo, rêu mốc hoặc các thực vật khác sinh tồn trên thân cây được khách ưu tiên lựa chọn hơn. Ảnh: Bảo Minh
"Hoa mận, hoa lê có nguồn gốc từ Lào Cai chơi được rất lâu. Với cành lê lên rêu mốc quanh thân cây là đẹp nhất và giá sẽ dao động từ 500.000 – 700.000 đồng/cành", ông Vụ cho hay.
Hiện nay, trước thềm Tết Nguyên đán khoảng 30 ngày, hoa lê, hoa mận cành rời đóng lùm được ông Vụ và các thương lái bán với giá từ 50.000 – 100.000 đồng/bó và 300.000 - 700.000 đồng/cành rời có thế.
Với tình hình kinh doanh, sản xuất khởi sắc sau dịch COVID-19, ông Vụ và các tiểu thương tại chợ hoa Quảng Bá mong muốn sức tiêu thụ hoa năm nay được khởi sắc so với những năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Qua đó, khách hàng cũng có thể đón một cái Tết ở trạng thái bình thường nhất và trong tâm thế an tâm nhất.
Bạn đang xem: Chỉ bán hoa mỗi dịp Tết ở cổng chợ hoa Quảng Bá, người đàn ông thu hàng trăm triệu đồng/năm
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Cảnh vắng lặng chưa từng có tại chợ hoa đêm lớn nhất Hà Nội dịp giáp Tết
- Sự thật quýt Úc tràn ngập chợ, giá siêu rẻ
- Người dân ùn ùn đổ về chợ hoa đêm lớn nhất Hà Nội
- Người Hà Nội chi bạc triệu cho thú chơi hoa lê sau Tết
- Chợ online Tết, hoa ly đội giá gấp 3-4 lần, cúc màu lạ đắt đỏ
- Chi hơn 100 triệu đồng mua một chậu lan chưng Tết sớm