Cảnh HIEUTHUHAI lột đồ không chỉ đơn giản là trò vui

Việc tính dục hóa phụ nữ từ lâu đã bị lên án, nhưng hình ảnh nam giới trần trụi lại được hoan nghênh. Sự việc gần nhất là trường hợp của HIEUTHUHAI ở chương trình 2 ngày 1 đêm.

Cảnh HIEUTHUHAI lột đồ không chỉ đơn giản là trò vui-1

Trong chương trình 2 ngày 1 đêm, HIEUTHUHAI phải cởi đồ khi tham gia một thử thách cùng các đồng đội. Cảnh nam rapper gần như lột hết quần áo, đứng trong thùng carton khiến ekip chương trình cùng những người chơi khác thích thú, trêu đùa. HIEUTHUHAI cũng tỏ ra khá thoải mái, vui vẻ với điều đó.

Hình ảnh này có gì đó tương tự với cách diễn viên Nick Kroll bật cười với dòng tweet về người hâm mộ muốn liếm ngón chân của anh, hay phản ứng hào hứng của khán giả lúc MC Phil McGraw yêu cầu mọi người đừng gọi ông là "daddy".

Trong khi nhận xét thô thiển đối với các sao nữ bị chỉ trích ngay lập tức, tưởng tượng tình dục liên quan đến người nổi tiếng nam lại thường được thảo luận công khai và thậm chí trở thành đề tài vui vẻ.

Tiêu chuẩn kép được cho bắt nguồn từ quan niệm rằng những trò đùa nhục dục về đàn ông không gây ra các vấn đề mang tính hệ thống giống như đối với phụ nữ. Tuy nhiên, số đông phản ứng tích cực không có nghĩa tính dục hóa nam giới là điều bình thường, có thể được chấp nhận.

Tính dục hóa nam giới

Theo từ điển Oxford, tính dục hóa (sexualization) là làm cho ai đó hay vật gì đó hấp dẫn về mặt tính dục. Trong lý thuyết, nghiên cứu về nữ quyền, tính dục hóa thường đi đôi với khái niệm vật hóa (objectification).

Trong triết học xã hội, vật hóa là hành động đối xử với người như một đồ vật, từ đó tước đoạt sự toàn vẹn và tính chủ thể của cá nhân, xem người này như công cụ được sử dụng bởi người khác.

Mặc dù việc đàn ông bị tính dục hóa có thể ít phổ biến hơn, nhưng thực tế, điều đó cũng gây khó chịu không kém gì ở phụ nữ.

Diễn viên Jacob Elordi từng thừa nhận anh đã bực bội và lo lắng như thế nào sau khi đóng loạt phim Kissing Booth, nơi tràn ngập những phân cảnh cởi trần, khoe thân.

"Vào thời điểm đó, tôi còn rất trẻ và bị ném vào một thế giới mà mọi người đều muốn nói về cơ thể của tôi. Điều đó thực sự khiến tôi mệt mỏi", nam diễn viên chia sẻ.

Cảnh HIEUTHUHAI lột đồ không chỉ đơn giản là trò vui-2

Kit Harington không muốn được đánh giá chỉ qua vẻ bề ngoài. Ảnh: The Guardian.

Kit Harington cũng bị tính dục hóa theo cách tương tự sau khi vụt sáng thành ngôi nhờ vai diễn Jon Snow trong Game of Thrones. Giống như Elordi, anh thấy bản thân bị hạ thấp khi mọi người chỉ chú ý đến cơ thể của mình.

"Điều đó cũng giống như đối với phụ nữ. Khi một diễn viên được xem chỉ vì vẻ đẹp hình thể, điều đó rất phản cảm", Harington nói.

Dữ liệu do USC Annenberg, thuộc Đại học Nam California thu thập chứng minh rằng tình trạng "hyper-sexualisation" (tạm dịch: tính dục hóa quá mức) đối với nam giới trong phim ảnh đã tăng lên đáng kể trong vòng chưa đầy một thập kỷ.

Trong số 100 bộ phim có doanh thu cao nhất tại phòng vé Mỹ năm 2007, 4,6% nhân vật nam mặc "trang phục gợi dục" và 6,6% "có một số cảnh khỏa thân".

Trong năm 2014, những con số này đạt mức 8% và 9,1%. Năm 2013 đánh dấu đỉnh điểm của xu hướng này, với 9,7% nhân vật nam được quay trong trang phục gợi dục và 11,7% phải cởi một số hoặc toàn bộ trang phục trên phim.

Thị hiếu khán giả?

Tính dục hóa phụ nữ thường có hai hình thức. Hình thức đầu tiên là miêu tả khêu gợi về cơ thể phụ nữ như những "eye candy" (người hay vật mà chỉ đẹp bề ngoài nhưng không thông minh hoặc có ích gì) để thỏa mãn nam giới.

Những miêu tả như vậy khuyến khích thái độ bóc lột đối với phụ nữ. Bằng cách ngầm phủ nhận quyền tự quyết của nữ giới, hình thức tính dục hóa này cũng tìm cách hợp thức hóa hành vi quấy rối, cưỡng bức, bạo lực tình dục.

Trong hình thức thứ hai, quyền tự quyết của phụ nữ không bị bỏ qua, mà được tích cực khuyến khích nhằm phục vụ các mục đích áp bức. Thay vì công khai hạ thấp phụ nữ xuống vị thế "eye candy", tính dục hóa theo hình thức này ngầm thúc đẩy các chuẩn mực và khuôn mẫu về hành vi, hướng đến sự thỏa mãn của nam giới.

Phụ nữ được khuyến khích tham gia các vai trò được giao, đồng thuận và thậm chí nhiệt tình đón nhận sự đối xử tưởng như công bằng, nhưng thực tế vẫn là một dạng bóc lột. Tính dục hóa theo cách này tinh vi, khó nhận biết hơn việc cưỡng chế như hình thức đầu tiên.

Tính dục hóa đàn ông cũng có thể tồn tại ở hai hình thức như trên.

Cảnh HIEUTHUHAI lột đồ không chỉ đơn giản là trò vui-3

Love Island nói chỉ cung cấp bức chân dung "đầy khát vọng" về nam giới. Ảnh: ITV.

Nếu chỉ xét hình thức đầu tiên với khái niệm "eye candy", nhiều người có thể kết luận rằng việc tính dục hóa nam giới không phải là vấn đề lớn. Vì sự bất bình đẳng về quyền lực, thể chất, chính trị và kinh tế phổ biến trên thực tế khiến quyền tự quyết của nam giới ít bị ảnh hưởng hơn phụ nữ.

Do đó, việc tính dục hóa đàn ông được cho ít có khả năng dẫn đến bạo lực tình dục hơn.

Tuy nhiên, nếu xét cả hình thức thứ hai, nơi các chuẩn mực gây tổn hại được thúc đẩy, giống nữ giới, đàn ông cũng chịu tác động tiêu cực, nhất là khi các khuôn mẫu gây hại đang được bình thường hóa trên phương tiện truyền thông.

Việc tính dục hóa đàn ông trên các phương tiện truyền thông đôi khi được bảo vệ trên quan niệm rằng nó không xác lập ý thức hệ, mà chỉ phục vụ cho sở thích sẵn có của khán giả.

Ví dụ như khi miêu tả về những thí sinh nam cởi trần, thích khoe cơ thể, các nhà sản xuất show hẹn hò Love Island nói chương trình không giả vờ làm tấm gương phản chiếu cuộc sống, mà chỉ cung cấp bức chân dung "đầy khát vọng".

Tuy nhiên, theo Peter Lucas, giảng viên cao cấp về triết học tại Đại học Central Lancashire, các đại diện truyền thông không chỉ phục vụ thị hiếu khán giả.

"Các chương trình có thể chủ động định hình những gì chúng ta khao khát, những gì chúng ta sẵn sàng đồng ý và cách mọi người dành thời gian, tiền bạc để theo đuổi những gì bản thân (do đó) mong muốn. Quảng cáo, giải trí và truyền thông tin tức đóng vai trò quan trọng trong định hình ý thức hệ của chúng ta".

Đảo ngược "cái nhìn của đàn ông"?

Khi nói đến tính dục hóa phụ nữ trong các hình ảnh nghệ thuật thị giác, truyền thông, cái nhìn của nam giới (male gaze) là khái niệm thường xuyên được đề cập.

Cái nhìn của nam giới nói về cách đàn ông miêu tả, nhìn nhận phụ nữ. Điều này cũng ảnh hưởng đến nữ giới, khiến họ cũng soi chiếu chính mình trong ánh mắt tưởng tượng của phái nam.

Thuật ngữ được đặt ra vào năm 1973 bởi học giả, nhà phê bình nữ quyền Laura Mulvey, người đã viết: "Phụ nữ là hình ảnh, đàn ông là người mang đến vẻ ngoài".

Tương tự, nhà sử học nghệ thuật John Berger từng nói: "Phụ nữ trong tranh thường không nhìn ra khán giả. Họ không xem xét khán giả, mà xem xét cách mọi người nhìn nhận họ".

Cảnh HIEUTHUHAI lột đồ không chỉ đơn giản là trò vui-4

Cái nhìn của phụ nữ không phải khái niệm đảo ngược của cái nhìn nam giới. Ảnh minh họa: Andy Simmons.

Câu hỏi đặt ra là nếu phụ nữ luôn bị tính dục hóa vì cái nhìn của nam giới, thì tại sao đàn ông cũng bị nhìn nhận như vậy, mặc dù ít phổ biến hơn?

Nhiều người cho rằng mục đích của tính dục hóa nam giới trên phim ảnh chủ yếu là để thu hút bộ phận khán giả nữ và bắt đầu tạo ra khái niệm "cái nhìn của phụ nữ (female gaze).

Tuy nhiên, theo Janice Loreck, giảng dạy tại Trường Truyền thông, Điện ảnh và Báo chí, Đại học Monash, không có cái nhìn trực tiếp nào của phụ nữ tương đương với cái nhìn của nam giới.

"Nhãn quan của đàn ông tạo ra sự mất cân bằng quyền lực. Nó ủng hộ hiện trạng gia trưởng, duy trì tính dục hóa đối với phụ nữ ngoài đời thực. Với lý do này, cái nhìn của phụ nữ không thể 'giống' cái nhìn của nam giới".

Nhiều nhân vật, ngôi sao nam bị tính dục hóa không hoàn toàn dành cho khán giả nữ, mà thực tế vẫn phục vụ cho tưởng tượng của nam giới. Tạo hình cường tráng của Hugh Jackmans hay Henry Cavills phần lớn là do mong ước được thỏa mãn của khán giả nam.

Các nhà làm phim, sản xuất chương trình thường biện minh rằng việc cơ thể trần trụi của nam giới trở phổ biến và được chấp nhận như trò mua vui trên màn hình là biểu hiện của "sự bình đẳng", trong đó đàn ông bị phơi bày và vật hóa vì niềm vui của phụ nữ, cũng như nữ giới bị soi mói và tính dục hóa vì ham muốn của phái nam.

Tuy nhiên, đó chỉ là một lập luận ngụy biện theo kiểu "whataboutism", đáp lại một câu hỏi khó hay lời chỉ trích bằng cách hỏi lại một câu có nội dung tương tự nhưng không hề liên quan.

Việc đàn ông bị tính dục hóa giống như phụ nữ không có ý nghĩa gì trong câu chuyện bình đẳng giới. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi nhìn người khác, dù là nam hay nữ, như những con người thực sự, chứ không phải đối tượng tình dục.

Bất kể là nữ giới, đàn ông hay cả hai bị tính dục hóa trên màn ảnh, phẩm giá con người đều bị chà đạp.

Bạn đang xem: Cảnh HIEUTHUHAI lột đồ không chỉ đơn giản là trò vui

Chuyên mục: Giải trí

Chia sẻ bài viết