Cận cảnh lồng bàn đắt nhất Việt Nam, giá 30 triệu đồng/chiếc
Chiếc lồng bàn được đan bằng sợi mây trắng muốt, nhỏ như chỉ, mỏng như tờ giấy, nặng 290 gam, trải qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ, tỉ mẩn.
Làng Phú Vinh (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) từ xưa đã nổi tiếng với
nghề mây tre đan truyền thống có lịch sử hơn 400 năm. Trong số rất
nhiều sản phẩm, đặc biệt nhất là chiếc lồng bàn “tuyn” của ông Trần
Bá Khá (75 tuổi) và vợ là bà Nguyễn Thị Tiến (72 tuổi) được làm từ
những sợi mây dài, mảnh, trắng muốt, mỏng như tờ giấy
poluya.
Những chiếc lồng bàn này được vợ chồng ông Khá bắt đầu làm từ
năm 2003, đầu tiên là đan từ 300 sợi mây dọc (công). Về sau sợi mây
được chuốt mỏng hơn nên lên tới 1.200 công. Chỉ tính riêng làm
chiếc núm lồng bàn đã mất 3 ngày, làm mâm mất 7 ngày và thêm 7 ngày
đan khung. Cho đến nay, hai vợ chồng ông Khá đã cho ra đời được hơn
400 chiếc lồng bàn, với mỗi chiếc là 30 triệu đồng.
Ông Khá cho biết phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau để tạo
ra một chiếc lồng bàn đạt tiêu chuẩn. Đầu tiên là phải chọn mây đều
và đẹp. Sau khi mua mây về bắt đầu ngồi lóc mây, lóc những cái mấu
cho nhẵn, sau đó bắt đầu chẻ. Ông thường mua khoảng 40kg mây, trải
qua nhiều công đoạn khi lọc ra chỉ được khoảng 5kg mây đạt tiêu
chuẩn, số còn lại thừa thì đem đi bán.
Trước khi chuốt mây, ông Khá phải quấn tay bằng những sợi vải
để tránh đứt, xước tay do dăm gỗ.
Ông Khá đang chuốt sợi mây cho mỏng, mịn như tờ poluya và nhỏ
như sợi chỉ để đan lồng bàn, từng động tác tỉ mỉ, cẩn thận chứng tỏ
ông rất lành nghề.
Những sợi mây mỏng như tơ đạt yêu cầu, được bà Tiến kiểm tra
cẩn thận.
Gắn bó đan lát từ năm 6 tuổi, với kinh nghiệm hơn 60 năm trong
nghề, đôi tay bà Tiến nhanh thoăn thoắt dù bà năm nay đã 72 tuổi.
“Hàng tối, tôi vẫn ngồi đan, mắt hướng vào TV, tay vẫn đan như một
thói quen, không lệch một mắt đan nào”, bà Tiến nói.
Mọi chi tiết trên chiếc lồng bàn đều tăm tắp, rất tinh
xảo.
Bà Tiến cho biết: “Tôi chọn lồng bàn là sản phẩm thủ công vì nó
gắn bó mật thiết với các gia đình miền Bắc, gia đình nào cũng cần
phải có một chiếc. Tuy nhiên, đa phần người mua các sản phẩm này là
người nước ngoài, bởi giá cả của chúng hơi đắt, không vừa với túi
tiền của nhiều người. Có những thời điểm khách muốn đặt làm phải
đợi 5-6 tháng mới đến lượt”.
Ông Khá giới thiệu về những kỉ niệm và những thành tựu đạt được
nhờ chiếc lồng bàn thủ công do hai vợ chồng sáng tạo làm
ra.
Hình ảnh chiếc lồng bàn đã giải nhất Hội thi sản phẩm thủ công
mỹ nghệ Việt Nam năm 2020.
“Nhờ nghề mây tre đan, gia đình đủ tiền nuôi các con ăn học, lo
nghề nghiệp, cưới xin. Giờ con cháu cuộc sống ổn định, sức khoẻ
cũng kém đi nên tôi cũng dám nhận nhiều như ngày xưa. Sợ nghề này
sẽ lụi tàn nên tôi cũng đã truyền dạy cho nhiều người, nhưng trong
nhà tôi các con không ai theo nghề, nhiều người trong làng cũng đến
học, dù có chỉ dạy tận tình, mà đến nay cũng không ai đan được lồng
bàn kiểu này", ông Khá nói.
Bạn đang xem: Cận cảnh lồng bàn đắt nhất Việt Nam, giá 30 triệu đồng/chiếc
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm