Căn bệnh khiến thầy giáo viết bằng hai chân Nguyễn Ngọc Ký qua đời nguy hiểm như thế nào?
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, người thầy đầu tiên viết chữ bằng chân, vừa qua đời rạng sáng ngày 28/9 sau thời gian chiến đấu với bệnh suy thận.
Mặc dù không gây chết người nhanh như nhồi máu cơ tim, đột quỵ… nhưng bệnh thận nếu không phát hiện điều trị kịp thời và đúng cách, cơ hội sống của người bệnh sẽ không cao.
Đáng chú ý, hiện nay, tỷ lệ người mắc căn bệnh này ngày càng gia tăng mà nguy cơ suy thận không phân biệt lứa tuổi và giới tính.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy khoảng 10% dân số thế giới đang phải đối mặt với các bệnh lý về thận và mỗi năm với 5 - 10 triệu người trên toàn thế giới tử vong vì căn bệnh này.
Đáng lưu ý, tỷ lệ này ngày càng gia tăng, ước tính đến năm 2030, có đến 5,2 triệu người mắc bệnh thận và cần được chạy thận nhân tạo.
Để phòng tránh suy thận, người dân nên sử dụng nước sạch.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 5 triệu người đang bị suy thận, khoảng 26.000 người bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo và 8.000 ca mắc mới mỗi năm.
Tại các bệnh viện từ trung ương đến địa phương, số lượng bệnh nhân cần chạy thận liên tục gia tăng. Đơn cử như tại Bệnh viện Bãi Cháy, trung bình hàng ngày Khoa Thận lọc máu có khoảng trên 60 bệnh nhân lọc máu với 120 bệnh nhân ngoại trú bị suy thận mạn phải chạy thận nhân tạo chu kỳ để duy trì sự sống và điều trị nội trú cho gần 30 bệnh nhân mắc các bệnh lý về thận, tiết niệu.
Bác sĩ CKI Bạch Vân Đông, Trưởng khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: Nguy cơ bị bệnh thận có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào từ trẻ em, thanh thiếu niên, trung niên đến người lớn tuổi mà không phân biệt giới tính nam hay nữ.
Đặc biệt, bệnh thận thường diễn tiến âm thầm, rất khó phát hiện khiến phần lớn bệnh nhân đến bệnh viện đều đã ở giai đoạn nặng. Lúc này, cuộc sống của bệnh nhân phụ thuộc rất lớn vào máy lọc thận, với tần suất lọc thận 3 lần/tuần, và mất khoảng 4 tiếng/lần.
Những bệnh lý về thận thường gặp hiện nay bao gồm sỏi thận, viêm cầu thận, suy thận cấp - mạn tính, ung thư thận... Trong đó, suy thận cấp và mạn tính là hai tình trạng rất phổ biến, do biến chứng từ nhiều bệnh lý khác.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký
Nhấn mạnh thêm, ThS.BS Hoàng Thị Thúy, Bệnh viện Medlatec cho biết, biến chứng của suy thận rất nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Bởi đây là bệnh lý xảy ra khi thận bị suy giảm chức năng. Điều này dẫn đến chất thải trong máu không thể lọc ra ngoài và tích tụ lại.
Suy thận sẽ chia thành 2 loại, đó là:
Suy thận mạn tính: Quá trình suy giảm chức năng của thận sẽ diễn ra trong một thời gian dài và khó có thể điều trị dứt điểm được. Người bệnh cần phải biết được dấu hiệu suy thận giai đoạn đầu để kịp thời ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Suy thận cấp tính: Chức năng của thận bị suy giảm nghiêm trọng khá nhanh, chỉ trong vòng vài ngày. Cần phải điều trị gấp với các phương pháp tùy theo từng tình trạng bệnh, trong đó có chạy thận nhân tạo.
BS Thuý lưu ý, việc phát hiện ra bệnh sớm có ý nghĩa quan trọng đối với việc điều trị cũng như hồi phục. Theo đó có 8 dấu hiệu sau, người dân nên đi kiểm tra thận: Ngáy to và kéo dài; Suy nhược cơ thể; Da bị phát ban và ngứa ngáy; Đau lưng; Khó thở; Bị hôi miệng; Cơ thể bị phù nề; Tiểu tiện bất thường…
“Nếu như không được phát hiện và điều trị sớm, suy thận có thể gây ra những biến chứng như: người bệnh bị thiếu máu trầm trọng và cần phải bổ sung một lượng máu bên ngoài vào; Tăng nguy cơ mắc phải những bệnh lý như tim mạch và xương khớp; Gây ra hiện tượng phù chân tay do tích trữ nước; Ham muốn tình dục bị suy giảm; Cao huyết áp; Làm suy giảm hệ miễn dịch khiến người bệnh dễ gặp phải các tình trạng nhiễm trùng hơn….
Đặc biệt đối với những người đang mang thai, suy thận có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nguy hiểm đến mẹ và em bé”, Ths. BS Thuý nhấn mạnh.
Do đó, bác sĩ Đông, Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo: Người suy thận phải thăm khám định kỳ, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cần thiết, tuân thủ các chỉ định của bác sĩ điều trị, và cần hết sức chú trọng đến chế độ dinh dưỡng, duy trì lối sống lành mạnh.
Ngoài ra, để phòng bệnh hiệu quả, người dân nên đi khám bệnh định kỳ, khám sàng lọc các bệnh liên quan đến thận cho những người có nguy cơ cao và chẩn đoán, điều trị sớm để ngăn ngừa hoặc làm chậm sự phát triển của bệnh thận ở giai đoạn cuối.
Người dân cũng nên áp dụng lối sống lành mạnh, sử dụng nước sạch, tập thể dục thường xuyên, hạn chế các tác nhân độc hại cho thận như thuốc lá, rượu bia, các hóa chất độc hại.
Bạn đang xem: Căn bệnh khiến thầy giáo viết bằng hai chân Nguyễn Ngọc Ký qua đời nguy hiểm như thế nào?
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- 5 biểu hiện bất thường trên da cảnh báo suy thận
- Người trẻ suy thận, suy tim… sống cùng 'kẻ giết người' mà không biết
- Từ vụ 2 anh em suy thận cấp do dùng vitamin D sai cách: Đừng bổ sung vitamin D cho con theo cách này mà biến thuốc bổ thành thuốc độc
- Uống vitamin D dài ngày hai anh em 18 tháng và 3 tuổi ngộ độc, suy thận cấp
- Có dấu hiệu này người đàn ông đi khám phát hiện suy thận giai đoạn cuối
- Những thói quen sai lầm dẫn đến suy thận