Các nước ồ ạt gom mua, ‘vàng đen’ của Việt Nam tăng giá sốc
Cung khan hiếm, các nước trên thế giới lại ồ ạt gom mua đẩy giá “vàng đen” của Việt Nam tăng sốc. Mặt hàng thế mạnh này của nước ta vào cơn sốt giá không khác gì đà tăng của giá cà phê thời gian qua.
Sáng 7/6, tại thị trường hạt tiêu trong nước, giá loại hạt được ví như “vàng đen” của Việt Nam (đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu) tiếp tục tăng sốc.
Đại lý ở các “thủ phủ” hồ tiêu như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu... tiếp tục tăng giá thu mua hạt tiêu thêm 6.000-13.000 đồng/kg. Đây là biên độ tăng giá lớn mà rất nhiều năm mới xảy ra.
Theo đó, giá tiêu đen đã vọt lên mức 152.000-157.000 đồng/kg, vượt qua tất cả dự báo trước đó. So với ngày 7/6 năm ngoái, giá hạt tiêu đã tăng 113,6%. Còn so với thời điểm cách đây 1 tháng, giá đã tăng 51%.
Nếu bán hạt tiêu ở thời điểm hiện tại, nông dân sẽ lãi 72.000-77.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá hạt tiêu của các quốc gia tăng nhẹ
hoặc giữ ổn định. Riêng mặt hàng “vàng đen” của Việt Nam lại tăng
dựng đứng. Giá tiêu đen xuất khẩu loại 500g/l và 550g/l hôm 7/6
cũng giao dịch ở mức 6.500 USD/tấn, so với ngày 4/6 giá tăng lần
lượt là 900 USD/tấn và 600 USD/tấn.
Tương tự, hạt tiêu trắng xuất khẩu của nước ta cũng vọt lên ngưỡng 9.500 USD/tấn, tăng mạnh 1.500 USD/tấn so với hôm 4/6.
Hiện giá tiêu đen xuất khẩu loại 500g/l và 550 g/l tăng lần lượt 85,7% và 80,5% so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái; giá tiêu trắng xuất khẩu tăng 90%.
Hạt tiêu của Việt Nam đang chiếm 40% sản lượng trên toàn cầu và chiếm 60% sản lượng xuất khẩu. Thế nhưng, nhiều dự báo cho thấy sản lượng mặt hàng “vàng đen” này của nước ta giảm mạnh do ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết và diện tích vùng trồng suy giảm.
Năm nay, ước tính sản lượng hạt tiêu của nước ta chỉ đạt 150.000-160.000 tấn, giảm 10-15% so với vụ trước.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 5 vừa qua, Việt Nam xuất khẩu 30.000 tấn hạt tiêu, giá trị đạt 135 triệu USD, chỉ tăng nhẹ 3,7% về lượng nhưng lại tăng mạnh 49,9% về giá trị so với tháng 5/2023.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu ước đạt 113.000 tấn, thu về 487 triệu USD. Lượng hạt tiêu xuất khẩu giảm 14,1% nhưng giá trị lại tăng 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái do mặt hàng này bước vào chu kỳ tăng giá mạnh.
Đáng chú ý, xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường truyền thống đều tăng mạnh, đặc biệt thị trường Đức, Hàn Quốc... ghi nhận mức tăng trưởng lên đến 3 con số.
Trong 4 tháng đầu năm nay, các nước mạnh tay chi tiền gom mua lượng lớn hạt tiêu của Việt Nam. Cụ thể, Mỹ đã chi hơn 100 triệu USD để mua 22.700 tấn “vàng đen” của Việt Nam, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 45,7% về lượng và tăng 60,1% về giá trị. Theo đó, Mỹ tiếp tục duy trì vị trí khách hàng lớn nhất của hạt tiêu Việt Nam.
Xuất khẩu sang Đức bùng nổ khi thị trường này gom mua hơn 5.500 tấn hạt tiêu của nước ta, giá trị đạt 26,24 triệu USD, tăng đột biến 108,8% về lượng và tăng 147,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, giá trị xuất khẩu hạt tiêu sang Hàn Quốc, Pakistan, Nga cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt là 176,1%, 108,7% và 121,9%.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, giá hạt tiêu sẽ tiếp tục tăng. Hiện nguồn cung hạt tiêu thiếu hụt trong khi nhu cầu hồi phục mạnh mẽ từ các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Sản lượng hạt tiêu năm nay của Việt Nam và nhiều nước sản xuất lớn được dự báo đều sụt giảm, do tác động của hiện tượng El Nino lẫn suy giảm diện tích canh tác.
Bạn đang xem: Các nước ồ ạt gom mua, ‘vàng đen’ của Việt Nam tăng giá sốc
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Đem cá tầm lên núi nuôi lấy trứng, giá 40 triệu đồng/kg
- Giá vàng SJC lao dốc, nhiều người may mắn vì không mua được vàng
- “Ớt khổng lồ” bổ ra là xoài, nghe tên tưởng cay mà ngọt lịm, giá rẻ chỉ 65.000đ/kg
- Người Hà Nội xếp hàng mua vàng từ 5h sáng
- Bất ngờ với giá rao bán chung cư không sổ hồng ở tăng mạnh, chủ nhà lãi tiền tỷ vẫn cho rằng: 'Tôi bán rẻ nhất trên thị trường'
- Giá vàng SJC tại 4 ngân hàng đứng im, cảnh báo người dân thận trọng khi mua vào