'Bốn nên, hai giảm, hai đủ' cho người mắc bệnh tim
Với người bệnh tim mạch, chế độ ăn quan trọng không kém so với việc uống thuốc. Trong khi đó, để thay đổi thói quen ăn mặn của bệnh nhân là điều không dễ dàng.
Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), mỗi tháng có khoảng 6.500 lượt khám bệnh tim mạch. Thời gian gần đây, việc thành lập phòng khám chuyên về suy tim đã giúp y bác sĩ chăm sóc người bệnh được toàn diện hơn.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Vui, Khoa Nội Tim mạch - Lão học, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho hay người bệnh suy tim sẽ được tư vấn hết sức cặn kẽ về chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt và vận động, dựa trên tình trạng bệnh lý. Mỗi người bệnh sẽ có bác sĩ cố định trong quá trình tái khám để đánh giá mức độ đáp ứng điều trị và diễn tiến suy tim.
Theo bác sĩ Vui, suy tim là tình trạng tim không đủ khả năng bơm để cung cấp máu đảm bảo cho các nhu cầu hoạt động của cơ thể, là hậu quả cuối cùng của các bệnh lý tim mạch. Bên cạnh dùng thuốc, chế độ điều trị không dùng thuốc (chế độ ăn và sinh hoạt) còn giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh.
Người bệnh đến khám các bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu
đường... tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Ảnh: GL.
Điều này được chị nhấn mạnh trong bất kỳ buổi tư vấn người bệnh hay sinh hoạt câu lạc bộ suy tim. Bác sĩ Vui cho biết nguyên tắc chung của chế độ ăn cho người bệnh tim mạch là: Bốn nên, hai giảm, hai đủ.
Bốn nên là nên chọn thực phẩm có lợi cho tim mạch như ăn nhiều rau và trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, chọn chất béo có lợi cho tim, hoạt động thể chất thường xuyên. Hai giảm là giảm muối và đường. Hai đủ là đủ nước và ăn đủ lượng
Cụ thể, người bệnh nên chọn những thực phẩm có lợi cho tim như rau củ, trái cây lượng 200-400g/ngày, hạn chế chất béo bão hòa có nhiều trong thịt đỏ. Thay vào đó, ăn tối thiểu 3 bữa cá/tuần giúp cung cấp chất béo không bão hòa.
"Chúng ta đều biết muối không tốt cho người bệnh tim mạch. Bệnh nhân suy tim được khuyến cáo lượng muối dưới 3g/ngày, tương đương một muỗng cà phê gạt muối nếu suy tim ít triệu chứng. Khi suy tim diễn tiến, chân phù, người thừa dịch, người bệnh dùng lượng muối dưới 2g/ngày hoặc không nêm thêm vào đồ ăn được đặt ra", bác sĩ Vui nói.
Để dễ giảm ăn muối, bệnh nhân nên ăn đồ nhà nấu hơn là các thực phẩm chế biến sẵn. Khi nêm nếm, nên chọn gia vị khác như tỏi, gừng, tiêu,… Đồng thời, không để muối và nước chấm trên bàn ăn.
Ngoài ra, rất nhiều bệnh nhân than thở về việc suy tim không được uống nước. Bác sĩ Vui cho biết điều này không chính xác.
Với người bệnh suy tim ổn định, tổng lượng dịch đưa vào cơ thể là 2 lít một ngày, bao gồm cả sữa, nước ép, canh và nước uống. Khi tình trạng phù chân, báng bụng xảy ra, lượng nước giảm xuống 500ml-1 lít/ ngày tùy vào đánh giá của bác sĩ. Lúc này, người bệnh nên giảm nước bằng cách chỉ uống khi khát, nhấp ngụm nước trong miệng rồi nhổ ra không nuốt. Ăn kẹo cao su, ăn một múi quýt hay ngậm miếng chanh cũng giúp giảm khát và hạn chế dịch đưa vào.
Vậy người suy tim ăn bao nhiêu là đủ? Khi ăn, phản xạ từ dạ dày đến não mất 15 phút, vì vậy người bệnh nên ăn no khoảng 70% thay vì ăn no 100%, giúp bao tử nhẹ nhàng và tiêu hóa thức ăn dễ dàng. Quan trọng hơn, chế độ ăn cần được cá thể hóa, dựa trên cân nặng, BMI, giai đoạn của bệnh suy tim và các thuốc đang dùng.
Bạn đang xem: 'Bốn nên, hai giảm, hai đủ' cho người mắc bệnh tim
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- 3 bất thường ai cũng tưởng vấn đề da liễu nhưng thực chất đang cố vạch trần bệnh tim
- Cảm giác lạnh ở 2 vùng trên cơ thể có thể là dấu hiệu của bệnh tim, theo chuyên gia
- Răng miệng ảnh hưởng đến tim mạch: 2 loại nước, 3 loại quả nên ăn để có răng và nướu khỏe mạnh
- Một bộ phận trên cơ thể nếu mềm thì sẽ sống lâu, 'cứng' có thể dẫn đến bệnh tim mạch, xuất huyết não
- 2 thói quen xấu vào mùa hè mà nhiều người mắc phải có thể hình thành cục máu đông, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, thậm chí gây đột tử
- 3 dấu hiệu ở lưỡi cảnh báo bệnh tim mạch đang âm thầm tìm đến bạn