Bộ trưởng Công Thương nói gì khi giá xăng tiếp tục 'lập kỷ lục'?

Để giải quyết “cả trong lẫn ngoài” khi giá xăng tăng cao, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng nên dùng chính sách an sinh để hỗ trợ đối tượng yếu thế thay vì “ép giá thật thấp".

Chiều 1/6, giá xăng một lần nữa “lập đỉnh” mới sau khi liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh theo chu kỳ. Với đợt tăng thứ 5 liên tiếp, xăng E5 RON 92 tăng lên 30.230 đồng/lít, còn xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 920 đồng/lít, lên mốc 31.570 đồng/lít.

Tăng giá xăng cũng là vấn đề nóng được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trên nghị trường khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 1/6.

Ép giá đầu vào sẽ tạo nhiều nguy cơ

Trao đổi bên hành lang Quốc hội về động thái xăng tăng giá kỷ lục, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận so với thế giới, giá xăng của Việt Nam vẫn thấp hơn nên đang có tình trạng “chảy xăng dầu ra nước ngoài”.

Theo ông Diên, việc tăng giá xăng, dầu làm tăng giá đầu vào vật tư, làm tăng chi phí sản xuất, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội là không sai.

Nhưng người đứng đầu ngành công thương cũng lý giải nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất cao nên hàng hóa làm ra chủ yếu xuất khẩu, nếu ép giá đầu vào thì giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị, vô hình trung gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước.


Bộ trưởng Công Thương nói gì khi giá xăng tiếp tục lập kỷ lục?-1
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Quốc hội.

“Ta sản xuất ra bán cho người tiêu dùng cả thế giới, giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị, thì có phải là thiệt hại không?”, ông Diên nêu vấn đề.

Mặt khác, ông nhấn mạnh Việt Nam là đối tác thương mại của rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Nếu chúng ta ép giá đầu vào sẽ có nguy cơ bị kiện về chống bán phá giá, chống trợ cấp, thậm chí, các đối tác có thể kiện chúng ta thao túng tiền tệ.

Nhắc đến giải pháp, Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh phải cân nhắc và tính toán rất kỹ, không thể nói một chiều. Vì vậy, một mặt phải cố gắng dùng các công cụ, kể cả thuế, để kiểm soát thị trường để giảm giá.

Trong trường hợp giá xăng dầu tăng quá cao, chúng ta phải dùng chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế, như vậy mới được “cả trong lẫn ngoài”.

“Nếu ta chỉ nghiêng về hướng làm sao để ép cho giá thật thấp, để giúp giảm giá nguyên liệu đầu vào, sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và chuốc thêm hậu quả như bị kiện và có thể gây nên tình trạng buôn lậu”, ông Diên nhắc lại.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách), lưu ý phải kiểm soát được đà tăng của giá xăng dầu mới kiểm soát được lạm phát, chỉ số CPI, bởi xăng dầu là mặt hàng nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế.

“Mặt hàng xăng dầu, mặc dù điều hành theo cơ chế thị trường, không có nghĩa rằng, giá thế giới lên một thì giá trong nước cũng lên một. Bộ Công Thương phải cố gắng điều hành xăng dầu làm sao để giá có biên độ dao động nhỏ, đảm bảo ổn định cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và trong phạm vi kiểm soát lạm phát dưới 4%”, ông Lâm nói.

Song cũng theo ông Lâm, kiểm soát giá xăng dầu không có nghĩa giữ giá xăng dầu ở mức thấp. Vì nếu chênh lệch quá lớn giữa giá xăng dầu trong nước và giá xăng dầu thế giới sẽ tạo điều kiện cho buôn lậu xăng dầu.

Việc chênh lệch giá quá lớn giữa xăng dầu trong nước và xăng dầu thế giới cũng không đảm bảo yếu tố cạnh tranh của thị trường tự do. Hệ quả khiến chúng ta phải đối mặt với những vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp... Thị trường Việt Nam cũng sẽ vì thế bị đánh giá không vận hành theo đúng cơ chế thị trường.

Không thể để giá xăng dầu quá thấp

Để "hạ nhiệt" giá xăng, ông Lâm cho rằng Việt Nam có các công cụ, đó là Quỹ bình ổn xăng dầu, công cụ thuế, phí. Công cụ nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Công Thương giải quyết được, cần làm ngay. Còn nếu vượt quá thẩm quyền của Chính phủ, cần sớm tham mưu, kiến nghị các cấp có thẩm quyền cho ý kiến, quyết định.

Về dài hạn, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng, vượt quá mục tiêu kiểm soát lạm phát, ảnh hưởng đến nền kinh tế, đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh khi đó cần có các giải pháp cần thiết để kiểm soát giá xăng dầu, đảm bảo không vượt quá sức chống chịu của nền kinh tế, của người dân và doanh nghiệp.


Bộ trưởng Công Thương nói gì khi giá xăng tiếp tục lập kỷ lục?-2
Chiều 1/6, giá xăng một lần nữa “lập đỉnh” mới sau khi liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh theo chu kỳ. Ảnh: Việt Linh.

Ông gợi ý Việt Nam nên tăng nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia để đảm bảo an toàn, dù việc này không dễ bởi ngân sách còn hạn hẹp.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng giá xăng, dầu trong nước tăng chủ yếu do giá trên thế giới tăng rất mạnh. Khi tăng giá xăng dầu, người dân là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, và cả nền kinh tế đều phải chịu ảnh hưởng vì xăng dầu là mặt hàng đầu vào. Mục tiêu kiểm soát lạm pháp vì thế cũng sẽ rất khó khăn.

Đề cập giải pháp kiềm chế tăng giá mặt hàng này, ông Cường nhấn mạnh buộc phải rà soát, tiếp tục cắt giảm những phần thu thêm, như các loại thuế, phí. Ví dụ giảm các phần dự trữ, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu.

“Khi giá tiếp tục tăng, đó cũng chính là dư địa để tiếp tục giảm tiếp các loại thuế. Dù giảm thuế trong lúc này cùng với chính sách giãn, hoãn, miễn các loại đóng góp sẽ ảnh hưởng đến ngân sách, chúng ta phải chấp nhận để bình ổn giá”, ông Cường nêu quan điểm.

Nói thêm, vị đại biểu nhìn nhận với mặt hàng xăng dầu, nguồn cung là điều quan trọng nhất. Ông lưu ý có hai nguồn phải tính đến. Trước tiên, bản thân Việt Nam cũng là nước khai thác dầu khí, có các nhà máy lọc hoá dầu nên phải tăng cường khai thác, các nhà máy lọc hoá dầu cần hoạt động hết công suất.

“Phải chủ động được nguồn cung để không bị phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới. Qua đó biến động giá xăng dầu trong nước sẽ ít hơn”, theo lời đại biểu Hoàng Văn Cường.

Bên cạnh đó, theo ông, việc dự trữ xăng dầu sẽ góp phần bình ổn nguồn cung, cần phấn đấu dự trữ cao hơn nữa để phòng ngừa những rủi ro về giá.

Bạn đang xem: Bộ trưởng Công Thương nói gì khi giá xăng tiếp tục 'lập kỷ lục'?

Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm

Chia sẻ bài viết