Bệnh nhân suy tim nhưng 3 ngày ăn hết một chai nước mắm
Chỉ cần ăn dư một chút muối, bệnh nhân suy tim có thể bị khó ngủ, khó thở và trằn trọc suốt đêm. Chế độ ăn uống, sinh hoạt bất hợp lý có thể đẩy người bệnh đến gần hơn với nguy cơ tử vong sau mỗi lần nhập viện.
Buổi gặp gỡ đặc biệt của bác sĩ và gia đình bệnh nhânNgồi trong căn phòng nhỏ hẹp thuộc khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), vợ chồng anh L.V.T (47 tuổi, Tiền Giang) liên tục đặt câu hỏi với bác sĩ Nguyễn Tất Đạt. Hôm nay là ngày anh T. được xuất viện.
Hai tuần trước, anh T. phải chuyển lên TP.HCM cấp cứu và điều trị vì suy tim. Từ chẩn đoán này, vợ chồng anh sẽ phải cẩn thận trong từng món ăn, từng loại thực phẩm cũng như phải tái khám đều đặn. Nếu chăm sóc không kỹ, anh T. có thể phải tái nhập viện, kéo theo nguy cơ tử vong tăng dần.
Đó là điều mà bác sĩ tim mạch rất lo ngại. Vì thế, bác sĩ Đạt luôn trả lời bất kỳ thắc mắc nào của các bệnh nhân suy tim trong căn phòng này.
“Ban đầu tôi chỉ mệt rồi khó thở đến không ngủ nổi, nhiều đêm phải ngủ ngồi. Lần đầu tiên mắc phải bệnh này nên lo lắm, những ngày qua đều ăn uống theo cơm bệnh viện cung cấp", anh T. nói.
Buổi trò chuyện của bác sĩ Nguyễn Tất Đạt và thân nhân, người bệnh suy tim. Ảnh: GL.
Một bệnh nhân suy tim khác là ông T.K.D (67 tuổi, Bình Phước), bị suy thận mạn nhiều năm qua. Mới đây, ông đột nhiên thấy khó thở và mệt, phải nhập viện huyện rồi chuyển lên TP.HCM. Người bệnh phải chạy thận cấp cứu trong 3 ngày tại Bệnh viện Chợ Rẫy rồi điều trị suy tim.
“Nhiều năm qua chồng tôi ăn nhạt do mắc bệnh thận nhưng thỉnh thoảng lại thích ăn mì tôm. Bác sĩ vừa tư vấn mì ăn liền không tốt cho người suy tim suy thận, từ giờ tôi phải kỹ hơn”, bà Nguyễn Thị Hảo, vợ ông D. nói.
Cùng nằm viện với 2 trường hợp trên là một bệnh nhân 70 tuổi, khá nổi tiếng ở khoa vì mức độ ăn mặn. Người này không chịu ăn theo suất ăn cung cấp cho bệnh nhân suy tim, chỉ ăn đồ bên ngoài mang vào.
"Ông cụ ăn mặn đến mức một chai nước mắm cỡ nhỏ chỉ 3 ngày là hết sạch, con cái ngăn cản là bị mắng. Chúng tôi chăm bệnh xung quanh mà choáng váng”, bà Hảo kể.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tất Đạt, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận, việc tuân thủ ăn uống là điều không dễ dàng với bệnh nhân. Chính anh cũng từng chứng kiến cảnh tương tự.
“Tôi xếp hàng đi mua bánh mì trước cổng bệnh viện và gặp một bệnh nhân suy thận mạn. Anh ấy liên tục nhờ người bán đổ thêm nước tương cho đậm đà. Trớ trêu là ngay hôm trước, tôi đã dặn anh này phải ăn nhạt, giảm muối. Bệnh nhân suy thận rất dễ chuyển thành suy tim, kéo sức khỏe ngày càng đi xuống”, bác sĩ Đạt nói.
Thống kê cho thấy, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, người bệnh suy tim chiếm khoảng 40% số lượng nội trú và 20% lượt khám ngoại trú của Khoa Nội tim mạch. Trước đây, việc tuân thủ điều trị của người bệnh là vấn đề lớn vì không có bác sĩ tư vấn kỹ càng.
Sau khi thành lập phòng khám suy tim, bác sĩ có nhiều thời gian hơn với người bệnh và người nhà, trung bình 10 phút/lượt khám. Riêng với bệnh nhân nội trú, trước khi xuất viện sẽ có buổi gặp riêng bác sĩ trong 15-20 phút để trao đổi, hướng dẫn chăm sóc và cung cấp sổ tay quản lý bệnh nhân suy tim.
Một bệnh nhân ngoại trú tại phòng khám suy tim. Ảnh: GL.
>Giảm gánh nặng bệnh tật từ thay đổi trong bữa ănTheo Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Lý Văn Chiêu, Phó trưởng khoa Nội tim mạch, Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, suy tim là hậu quả cuối cùng của các bệnh lý tim mạch chuyển hóa.
Với người bình thường, chế độ ăn nhiều muối có thể khiến bệnh nhân tăng nguy cơ bị tăng huyết áp, rối loạn chức năng thận. Vì thế, mỗi người nên tiêu thụ dưới 5g muối/ngày để bảo vệ sức khỏe. Trong khi đó, người đang bị tăng huyết áp chỉ được ăn tối đa 3g muối/ngày, người bị suy thận hay suy tim không ăn quá 2g muối/ngày.
“Điều trị bằng thuốc với bệnh suy tim chỉ giải quyết được 50%, còn lại là ăn uống và tập luyện, nghĩa là điều trị không thuốc. Nếu người bệnh lỡ ăn thêm một chút muối vào buổi chiều, tối hôm đó sẽ không ngủ được vì thấy ngợp. Lý do là muối gây ứ nước và khó thở”, bác sĩ Chiêu lý giải.
Vì thế, một trong các mục tiêu quan trọng của chương trình quản lý suy tim là giảm nguy cơ tái nhập viện. Theo bác sĩ Chiêu, mỗi lần bệnh nhân suy tim nhập viện, nguy cơ tử vong trong vòng 1 tháng đầu là 15%, một nửa trong số đó tử vong tại bệnh viện.
“Vấn đề là điều trị làm sao để bệnh nhân suy tim không tái nhập viện mà duy trì khám ngoại trú”, bác sĩ Chiêu trăn trở.
Thạc sĩ, bác sĩ Lý Văn Chiêu kiểm tra kết quả siêu âm của một người bệnh. Ảnh: GL.
Phó giáo sư Phạm Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết với các nước thu nhập cao, tỷ lệ tử vong do tim mạch giảm tới 60% trong 60 năm qua. Trong khi đó, ở các nước thu nhập thấp và trung bình (trong đó có Việt Nam), tỷ lệ này lại tăng tới 20% chỉ trong 20 năm.
Tại các nước thu nhập cao, có 5 triệu ca tử vong do tim mạch, bằng một nửa so với các nước thu nhập thấp - trung bình, PGS Hùng dẫn thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2010. Đến năm 2019, có 75% số tử vong do tim mạch xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình - thấp.
Theo Bộ Y tế, bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong nhóm bệnh không lây nhiễm, tạo gánh nặng cho hệ thống y tế và chi phí điều trị cho người dân. Số liệu điều tra cho thấy tỷ lệ hiện mắc tăng huyết áp ở người trưởng thành năm 2021 là 26,2%, tương đương với khoảng 17 triệu người; tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở người trưởng thành là 7,1%, tương đương với gần 5 triệu người.
Tuy nhiên, hầu hết bệnh tim mạch hiện có thể phòng ngừa một cách hiệu quả thông qua việc điều chỉnh lối sống như bỏ hút thuốc lá, chế độ ăn lành mạnh, giảm ăn muối, tăng cường tập luyện thể lực và không lạm dụng rượu bia. Bộ Y tế khẳng định ăn giảm muối là một trong những giải pháp thiết thực giúp tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật.
Bạn đang xem: Bệnh nhân suy tim nhưng 3 ngày ăn hết một chai nước mắm
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Italia sản xuất nước mắm đắt nhất thế giới, gần 4 triệu đồng/lít
- TPHCM: Người mẹ mất hơn 5 lít máu, suy tim, phù phổi và vỡ gan lúc sinh con
- Người đàn ông bị suy tim, phù phổi nguy kịch chỉ vì món ăn mùa đông nhiều người thích
- Lý do người bệnh ung thư dễ bị đột quỵ và suy tim hơn bình thường
- Dấu hiệu bạn đang bị suy tim
- Ca ghép ruột đầu tiên trên thế giới từ người hiến đã chết vì suy tim