Bệnh nhân nôn ra gần 700 ml máu đỏ tươi

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng nôn ra máu đỏ tươi, tiếp xúc chậm, da xanh tái, niêm mạc nhợt, thể trạng gầy.

Bệnh nhân nôn ra gần 700 ml máu đỏ tươi-1

Bệnh nhân đang được điều trị. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ tại Trung tâm cấp cứu 115, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ, cho biết bệnh nhân 76 tuổi đã nôn ra gần 700 ml máu đỏ tươi không đông.

Kết quả nội soi tiêu hoá của bệnh nhân có tình trạng xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản trên nền xơ gan, ung thư gan, nguy cơ đe dọa tính mạng.

Bệnh nhân nhanh chóng được tiến hành đặt ống nội khí quản kiểm soát đường thở, truyền máu tối khẩn cấp, nội soi tiêu hóa cầm máu.

Hiện tại, bệnh nhân được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Quang Trình, khoa C1-3, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết xuất huyết tiêu hóa là một trong những tình trạng cấp cứu y tế nghiêm trọng, cần được can thiệp kịp thời. Xuất huyết tiêu hóa xảy ra khi máu thoát ra khỏi lòng mạch và chảy vào trong ống tiêu hóa.

Tình trạng này có thể gặp ở bất cứ phân đoạn nào của đường tiêu hóa như thực quản, dạ dày, ruột hay hậu môn. Chảy máu tiêu hóa thường là hệ quả của các bệnh có liên quan đến hệ thống tiêu hóa không được kiểm soát.

Tùy thuộc vào mức độ tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, tình trạng xuất huyết xảy ra ở mức độ từ nhẹ đến nặng hay cũng có thể gây sốc.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngoan, Phó trưởng khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh, những dấu hiệu cảnh báo xuất huyết tiêu hóa như đau thượng vị dữ dội, nôn máu, đi ngoài phân đen hoặc đỏ, hoa mắt, chóng mặt... Xuất huyết tiêu hóa nặng gây sốc, lơ mơ, lạnh các đầu chi, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp tụt, suy tạng toàn thân, thậm chí tử vong.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân có tổn thương ở niêm mạc cơ quan tiêu hoá, giãn tĩnh mạch thực quản… cần tránh xa các đồ uống chứa cồn và chất kích thích như rượu bia, trà đặc, cà phê. Người bệnh cũng cần hạn chế tiêu thụ thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ hay gia vị, chế biến sẵn, đồ ăn quá lạnh hay quá nóng.

Người dân cũng cần tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ, rau củ quả tươi vào khẩu phần ăn hàng ngày. Hãy bổ sung đầy đủ lượng nước mà cơ thể cần, từ 2 đến 2,5 lít, để giúp hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn.

Cuối cùng, bạn nên ăn đúng giờ, đủ bữa. Thay vì ăn 3 bữa chính, bạn có thể chia nhỏ ra 5-6 bữa để giảm áp lực cho cơ quan tiêu hóa. Thức ăn cần chế biến chín hoàn toàn. Khi niêm mạc tiêu hóa đang tổn thương, người bệnh nên ưu tiên các món cháo, soup.

Bạn đang xem: Bệnh nhân nôn ra gần 700 ml máu đỏ tươi

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ bài viết