Bác sĩ nói về điểm chung của các ca Covid-19 nặng, nguy kịch ở Hà Nội
Theo các bác sĩ, điểm chung của các F0 chuyển nặng, nguy kịch là người tuổi cao, có bệnh nền và chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Trao đổi với PV VietNamNet, BS Kim Anh, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, đến ngày 14/12, bệnh viện đang điều trị 178 F0. Trong đó, số F0 nặng tại tầng 3 của bệnh viện là 20 trường hợp, 158 F0 còn lại đang điều trị tại tầng 2. “Điểm chung của các F0 chuyển nặng, nguy kịch là người tuổi cao, có bệnh nền và chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19”, BS Kim Anh thông tin.
Trong 20 bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch này, chỉ có 8 người tiêm 1 mũi vắc xin, còn lại đều chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19. Theo BS Kim Anh, trong số các trường hợp chưa tiêm có người vì yếu tố bệnh lý không thể tiêm tại phường, xã, có đối tượng bị liệt, đột quỵ nên chưa thể đi tiêm. Cũng theo BS Kim Anh, trong số 20 ca nặng, nguy kịch đang điều trị tại viện có 2 ca phải thở máy, nguy cơ tử vong cao, các trường hợp còn lại phải thở oxy dòng cao (HFNC).
F0 được điều trị tại một bệnh viện ở Hà Nội
“Các bệnh nhân có bệnh nền, tuổi cao, không tiêm vắc xin tiên lượng tử vong cao”, BS Kim Anh thông tin. Bệnh viện này đã ghi nhận 4 ca tử vong vào ngày 13/12.
UBND TP.Hà Nội và Sở Y tế giao cho Bệnh viện Đa khoa Hà Đông 200 giường điều trị bệnh nhân Covid-19, trong đó 100 giường tầng 2 và 100 giường tầng 3. Hiện, bệnh viện đang chia ca kip để điều trị. Cụ thể, mỗi ekip gồm 6 bác sĩ, trong đó có 2 bác sĩ hồi sức và 4 bác sĩ truyền nhiễm và nội khoa.
Công việc chăm sóc, điều trị F0, đặc biệt là F0 nặng khá khó khăn. Tình trạng F0 tăng đang gây quá tải cho nhân viên y tế ở bệnh viện. Cũng theo BS Kim Anh, khó khăn nhất của bệnh viện là thiếu nhân lực, đặc biệt nhân lực hồi sức tích cực để đảm nhiệm công việc điều trị F0 nặng, nguy kịch.
Về thuốc điều trị, bệnh viện được đảm bảo nhưng thiếu về trang thiết bị. Bệnh viện có máy thở nhưng thiếu nhiều thiết bị liên quan đến máy thở. Hiện tại, bệnh viện chỉ có 1 buồng cấp cứu ICU có thể điều trị 2 bệnh nhân. Các bệnh nhân F0 nặng còn lại phải điều trị trong phòng bệnh thông thường.
Cũng theo BS Kim Anh, một khó khăn nữa của họ là một số bệnh nhân vẫn thiếu thái độ hợp tác. Thậm chí, có trường hợp bệnh nhân gọi nhân viên ship đồ ăn vào bệnh viện. Sau đó, người này trốn đi lấy đồ ăn. Tuy nhiên do bệnh viện có camera nên sau khi phát hiện, các bác sĩ đã báo cho bảo vệ can thiệp để tránh tình trạng F0 tự ý di chuyển, gây nguy cơ lây nhiễm.
BS Kim Anh thông tin thêm, công việc của các y bác sĩ căng thẳng và mệt mỏi. “Sau 4 tuần, chúng tôi có 1 tuần được về nhà. Tuy nhiên đây chỉ là thay đổi về chỗ ở bởi dù về nhà, chúng tôi vẫn phải thường xuyên họp giao ban qua zoom liên tục mỗi ngày để đảm bảo công việc”, BS Kim Anh chia sẻ.
Điều trị bệnh nhân ở Bệnh viện Thanh Nhàn
Thời gian gần đây, Bệnh viện Thanh Nhàn cũng thường tiếp nhận hơn 100 F0 điều trị ở tầng 2, tầng 3. Các nhân viên y tế của bệnh viện đang làm việc với cường độ cao để đáp ứng với tình trạng F0 nhập viện gia tăng nhanh, giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng.
BS Nguyễn Hoa, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn thông tin, trường hợp bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị tại đây là hơn 20 ca (điều trị tại buồng cấp cứu ICU). “Bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch đa phần tuổi cao, chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 và có bệnh nền như đái tháo đường”, BS Hoa chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ, những trường hợp F0 khác dù nặng nhưng đã được tiêm đủ liều vắc xin nên sau khi điều trị, tình trạng đều khá ổn. “Có bệnh nhân tổn thương phổi điều trị 1-2 tuần cũng từ nặng chuyển nhẹ. Ví dụ có trường hợp cụ 90 tuổi, là F0 nặng nhưng được tiêm vắc xin vẫn vượt qua được. Các F0 nặng không qua khỏi đều là do bệnh nền đái tháo đường và không tiêm vắc xin”, BS Hoa nói.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, trao đổi với VietNamNet, ngày 10/12, TS.BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện cho hay, cơ sở y tế này đang điều trị cho 158 F0, có 21 bệnh nhân nặng (trong đó 7 trường hợp phải thở máy, lọc máu). Tỷ lệ tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19 với F0 nặng khoảng 70%. Đa số F0 nặng, nguy kịch là những người trên 90 tuổi, có người 100 tuổi.
Kể từ khi tiếp nhận ca dương tính đầu tiên vào ngày 8/5, đến nay, bệnh viện đã điều trị khỏi cho hơn 1.200 bệnh nhân. Có 14 trường hợp F0 tử vong.
Bạn đang xem: Bác sĩ nói về điểm chung của các ca Covid-19 nặng, nguy kịch ở Hà Nội
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Ngày 17/12, Hà Nội có số ca mắc Covid-19 cao chưa từng thấy, 1.440 ca với 557 ca cộng đồng
- Ở nơi trẻ nhỏ “chiến đấu” với Covid-19
- Thêm một nước Đông Nam Á phát hiện biến thể Omicron: Người nhiễm chưa từng ra nước ngoài
- Công bố mới về di chứng ở người khỏi Covid-19
- Omicron đang 'đánh lừa' cả thế giới? Chuyên gia cảnh báo hậu quả khó lường
- WHO tin tưởng đại dịch COVID-19 có thể kết thúc trong năm sau