Ai chịu thiệt khi giá xăng tăng sốc?

Đối tượng chịu thiệt đầu tiên khi giá xăng tăng là người dân. Trong khi đó, doanh nghiệp sử dụng trực tiếp xăng dầu cho hoạt động sản xuất sẽ bị ảnh hưởng trước.

Ánh Tuyết (25 tuổi, huyện Đan Phượng, Hà Nội) thường chạy xe đến khi kim xăng chạm vạch đỏ chữ E (biểu thị sắp hết nhiên liệu) thì đổ 100.000 đồng đầy bình. Nhưng nhiều lần gần đây, dù kim còn cách một khoảng mới về mức cảnh báo, cô cũng phải đổ 100.000 đồng tiền xăng.

Tuyết đặt nghi vấn về độ còn chính xác của đồng hồ xăng và lo lắng khi đang đi trên đường, xe có thể gặp sự cố. Thực tế, kim xăng xe của Tuyết vẫn đúng, chỉ do giá xăng thời gian qua tăng quá nhanh và mạnh khiến Tuyết lầm tưởng.

Tác động sâu và rộng

Tròn 1 năm trước, xe Honda SH Mode với dung tích bình xăng 5,6 lít của Tuyết cần đổ 82.000 đồng thì đầy, thời điểm ấy giá xăng RON 95 là 14.701 đồng/lít. Đến nay khi giá xăng tăng vọt lên 24.996 đồng/lít, số tiền cần để đổ đầy bình cũng lên 140.000 đồng.

Ai chịu thiệt khi giá xăng tăng sốc?-1

Đáng chú ý, điều này chỉ từng xuất hiện một lần duy nhất vào tháng 7/2014.

Với ôtô, ví dụ chiếc Toyota Camry 2.5Q với dung tích 70 lít của anh Mạnh Thắng (37 tuổi, chủ một văn phòng môi giới bất động sản) cần đổ 1.750.000 đồng để đầy bình. So với năm ngoái, anh Thắng phải chi thêm 720.000 đồng. Thậm chí nếu so với thời điểm 15 ngày sau 28/4/2020, con số tăng thêm là 815.000 đồng (tương đương tăng 47%).

Trên các diễn đàn mạng xã hội, xuất hiện việc các chủ xe truyền tai nhau về “bí kíp” lái ôtô thế nào cho tiết kiệm. Theo đó, người lái không nên về số N khi chạy trớn hay xuống dốc; không nên nhấn ga tăng tốc đột ngột; cân nhắc khi dùng ga tự động; điều chỉnh áp suất lốp cao.

Giá xăng dầu tăng sốc đã và đang tác động đến hầu hết nhóm ngành sản xuất. Các doanh nghiệp vận tải với xăng dầu chiếm khoảng 35% cơ cấu chi phí bị ảnh hưởng trước, với áp lực tăng giá cước. Tuy nhiên, việc tăng giá vận chuyển không phải dễ dàng, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang cố gắng gượng dậy sau dịch.

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Bình Dương (hiện quản lý một trung tâm phân phối kho vận), từng khuyến nghị nhà xe cố gắng chạy những đơn hàng lớn, của khách hàng cũ để giữ mối. Đối với đơn nhỏ lẻ, không có nhiều hàng, các chủ xe nên cân nhắc từ chối bởi càng phục vụ thì càng thua lỗ, không đủ chi phí để vận hành và phục hồi sau dịch.

Tuy nhiên sau lần tăng giá xăng thứ 5 liên tiếp vào ngày 10/11, trước sức ép quá lớn, ông Hùng cho biết các nhà xe đã phải tăng giá vận chuyển 6-10% để chia sẻ cùng chủ hàng và thăm dò phản ứng của khách.

Theo đại diện Hiệp hội Vận tải tỉnh Bình Dương, hiện nay nếu không tăng giá thì doanh nghiệp không thể sống, xe bus cũng vậy. Khách đi không có, càng chạy càng lỗ nên nhiều hãng xe lựa cũng chọn phương án chưa hoạt động.

Giá nhiên liệu tăng “phi mã” cũng tác động sâu rộng đến giá sinh hoạt thường ngày. Đơn cử, bánh mỳ chả 20.000/chiếc nay tăng lên mức 30.000 đồng/chiếc; bún đậu mắm tôm tăng 10.000-15.000 đồng/suất; bánh xèo 60.000 đồng/suất 10 cái thì nay tăng lên 70.000 đồng; bún bò 35.000 đồng/suất nay cũng thông báo tăng giá 50.000 đồng/suất...

Liệu giá xăng còn tăng tiếp?

Trả lời Zing về câu hỏi liệu giá xăng trong nước còn tăng tiếp trong thời gian tới, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đưa ra 3 lý do để nhận định sẽ rất khó.

Thứ nhất, giá xăng trong nước phụ thuộc vào giá thế giới, mà khi kinh tế mới vừa bắt đầu phục hồi, dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại ở một số nước, gây ra giãn cách xã hội. Thứ hai, giá xăng thế giới đang ở mức rất cao, nếu tă

ng nữa sẽ tác động lớn vào giá thành sản xuất.

Cả hai yếu tố trên đều khiến nhu cầu về vận tải giảm mạnh. Và khi phục hồi kinh tế bị hạn chế và nguồn cầu nhiên liệu giảm, giá sẽ hạ.

Thứ ba, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cho rằng hiện tại mới chỉ là giai đoạn đầu của phục hồi kinh tế, chứ chưa chắc chắn. Ở mức giá xoay quanh hiện tại, các nước sản xuất dầu mỏ nắm nhiều lợi thế nhất.

Từ nay đến cuối năm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng giá xăng dầu trong nước sẽ có nhiều biến động, nhất là khi sản xuất, giao thông vận tải đang dần được mở cửa trở lại.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thẳng thắn nhìn nhận giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và ảnh hưởng tiêu cực tới năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi xuất sang các nước.

Để chặn đà tăng của giá xăng dầu, Thứ trưởng cho biết Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn để hạn chế mức tăng so với thế giới. Từ quý III, Bộ đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát giảm các loại, đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường, đối với mặt hàng này.

Theo quy định, điều hành xăng dầu là nhiệm vụ của Bộ Công Thương, nhưng chính sách giảm thuế phí lại do Bộ Tài chính tính toán. Trao đổi với báo chí, ông Đặng Công Khôi, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết để “ghìm” giá xăng dầu, cần phải theo dõi sát diễn biến giá thế giới và sẵn sàng phương án để thực hiện Nghị định 95, sửa đổi bổ sung Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể, từ 2/1/2022, kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ được giảm từ 15 ngày xuống còn 10 ngày để sát hơn với biến động giá thế giới, tức là mỗi tháng điều chỉnh ba lần. Thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng.

Hiện tại, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 trên thị trường ở mức 23.669 đồng/lít, với xăng RON 95 là 24.996 đồng/lít, cùng cao nhất trong vòng hơn 7 năm và chỉ còn kém đỉnh lịch sử 1.971 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 và kém 1.144 đồng đối với xăng RON 95 (thời điểm ngày 7/7/2014, xăng E5 RON 92 có giá 25.640 đồng/lít, xăng RON 95 giá 26.140 đồng/lít).

Trong vòng một năm qua, giá các mặt hàng xăng trong nước đã tăng tới 18 lần, giảm 3 lần và giữ nguyên 3 lần, với xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 9.784 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 10.295 đồng/lít (tương đương tăng 41%).

Bạn đang xem: Ai chịu thiệt khi giá xăng tăng sốc?

Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm

Chia sẻ bài viết