9x Sài Gòn lương 15 triệu/tháng, chưa lập gia đình nhưng vẫn phải vay tiền trước khi đến kỳ lương chỉ vì 'tiêu hết vào ăn uống, mua sắm không tính toán'
Trà cho rằng việc chi tiêu không tính toán, đề cao cảm xúc vui vẻ nhất thời chính là lý do khiến tài khoản của cô luôn về âm khi còn chưa tới lúc nhận lương.
Thu nhập cao đồng nghĩa với việc bạn được quyền tận hưởng cuộc sống tốt hơn. Nhưng thực tế cho thấy, có rất nhiều người trẻ quá chiều chuộng bản thân, tự cho mình quyền chi tiêu hoang phí đến nỗi không có đủ tiền tiết kiệm nếu có bất trắc xảy ra rủi ro trong cuộc sống.
9x Sài Gòn tiết kiệm gần 8 triệu/năm tiền cà phê nhờ "tự pha ở nhà" và câu hỏi cực lớn với ai đang tìm cách cắt giảm chi tiêu "liệu có nên bớt la cà hàng quán?"
Thu Trà (28 tuổi, hiện đang sống tại Sài Gòn) cho biết bản thân cũng đang tìm cách khắc phục thói quen chi tiêu không có kế hoạch của mình.
Trà hiện đang làm công việc nhập liệu cho một công ty start-up về ngành điện tử thương mại. Làm văn phòng, không quá khó nhọc, thu nhập mỗi tháng đều đặn Trà nhận được là 15 triệu.
Dù mức thu nhập cao, ổn định nhưng cô bạn lại gặp phải rắc rối ở thói quen chi tiêu quá đà, chiều chuộng theo sở thích của bản thân nên thường phải vay tiền trước khi đến kỳ lĩnh lương.
Trà chia sẻ: "Bữa sáng mình thường ăn ở dưới chân công ty, có lúc là phở bún, có lúc là bánh mì, khoảng 30k/bữa. Sau đó mình mua thêm một cốc cà phê hoặc trà lạnh giá 20k rồi lên công ty làm việc. Đến trưa, mình tốn thêm 50 - 100k tiền đặt đồ ăn bên ngoài, chiều "vui miệng" gọi trà sữa với đồng nghiệp, khoảng 40k/cốc. Đôi lúc đi làm về lại mua gì đó ăn vặt, chưa kể mua sắm linh tinh. Có những ngày mình tiêu ít hơn, có ngày còn vượt cả con số này".
Không chỉ thoải mái trong việc ăn uống mà Trà còn thường cà phê cùng bạn bè, rất thích mua quần áo, đặc biệt là các mẫu đang hot tại các cửa hàng quen thuộc cô bạn theo dõi trên Instagram. Chính vì thế, cái cảnh cạn kiệt tiền tiêu khi còn chưa tới kỳ lĩnh lương diễn ra thường như cơm bữa. Đến chính những người bạn thân thiết cũng "nhẵn mặt" cô nàng về khoản vay tiền hàng tháng.
"Còn độc thân, bố mẹ ở nhà cũng có thu nhập nên không cần chu cấp, lại chưa có kế hoạch tài chính gì dài hạn nên tiền kiếm được bao nhiêu mình dành cả để dùng cho bản thân. Cũng bởi không có nhiều áp lực tiền bạc nên cứ thấy thích gì là sẽ mua luôn. Thiếu tiền thì vay tạm bạn rồi tháng sau trả là được. Bạn bè mình cũng toàn là người dễ tính, có thu nhập ổn định, khi vay thì không gặp khó khăn gì cả".
Dù mức thu nhập cao, ổn định nhưng cô bạn lại gặp phải rắc rối ở thói quen chi tiêu quá đà, chiều chuộng theo sở thích của bản thân nên thường phải vay tiền trước khi đến kỳ lĩnh lương.
Không có kế hoạch hay nguyên tắc chi tiêu cụ thể, Trà mua đồ phần lớn dựa theo cảm hứng dù sớm biết khoản chi này có thể không cần thiết. Cô nàng cho rằng vấn đề lớn nhất của bản thân là không biết kiềm chế, "kiếm đồng nào xào đồng ấy".
"Bản thân mình cũng nhận ra vòng luẩn quẩn vay nợ từ tháng này sang tháng khác là không ổn nhưng thói quen chi tiêu mãi cũng không sửa được. Mình thường vay tháng trước, tới kỳ lương tháng sau nhận được sẽ trả nợ rồi dùng số tiền còn lại tiêu tới giữa tháng tiếp theo".
Dù nhận định được cách chi tiêu của mình có vấn đề, nhưng phần lớn thời gian suy nghĩ, Trà vẫn chỉ loay hoay để nhắc nhở bản thân mà chưa tìm ra cách khắc phục thói quen này.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là làm thế nào để Trà thoát khỏi tình trạng đi "ngửa tay" vay tiền từ giữa tháng, làm sao để tiết kiệm được tiền?
- Thay đổi ngay quan niệm về chi tiêu
Quan niệm tiêu dùng không tốt như chi tiêu không kế hoạch, tiêu vì thích chứ không vì tính thực dụng, đề cao tôn chỉ hưởng thụ cá nhân... của Trà là nguyên do khiến cô bạn gặp rắc rối về tài chính. Do vậy, trước hết, Trà phải thiết lập hoặc thay đổi quan niệm chi tiêu của chính mình và ép bản thân vào khuôn khổ ngay lập tức.
- Xây dựng thói quen ghi chép chi tiêu
Đây là 1 thói quen quản lý chi tiêu hiệu quả được các bà nội trợ của Nhật Bản áp dụng. Việc ghi chép các khoản chi tiêu này sẽ giúp Trà, một người thường không mấy quan tâm đến việc tiền của mình đi đâu về đâu biết cách nắm rõ nguồn tiền của mình.
Bằng cách ghi chép lại tất cả các khoản chi tiêu hàng ngày sẽ giúp Trà không chỉ hiểu tiền của mình đã được tiêu vào đâu mà còn có thể điều chỉnh, cân đối giữa các khoản sao cho hợp lý nhất.
Nếu không thể ghi chép được hết, Trà có thể tải các ứng dụng ghi chép chi tiêu trên điện thoại. Tự đặt ra cho mình một ngân sách hợp lý, kiểm soát mọi khoản thu chi trong phạm vi ngân sách này và tổng kết chúng vào cuối ngày/cuối tháng. Sau đó so sánh với ngày trước hoặc tháng trước. Nhờ vậy sẽ biết mình đang vung tay quá trán ở khoản nào.
- Giảm hoặc ngừng vay bạn bè
Đương nhiên là không đủ khả năng chi trả nên Trà đã vay bạn bè để tiêu dùng cho mục đích cá nhân dù tài chính không cho phép. Cách làm này khiến không chỉ bản thân Trà mà cả bạn bè cũng phải lao đao theo. Tốt nhất, Trà cần kiểm soát bản thân để mình không rơi vào khủng hoảng mất cân đối giữa chi tiêu và thu nhập. Hãy giảm bớt hoặc cố gắng không mua những thứ vượt quá khả năng.
- Phải học cách quản lý tiền bạc
Sau khi hiểu rõ mình đã tiêu tiền vào đâu, mình cần gì, mình không cần gì, Trà có thể lập kế hoạch quản lý chi tiêu. Với các khoản tiền bắt buộc phải tiêu mỗi tháng, Trà nên để riêng ngay khi nhận lương. Số tiền tiếp theo là tiền tiết kiệm vào quỹ khẩn cấp, tốt nhất là từ 10% đến 20% thu nhập, tức từ 2 - 3 triệu/tháng. Số còn lại là tiền được phép tiêu cho bản thân.
- Tiết kiệm nhiều hơn
Những khoản lớn nhất Trà cần bỏ ra mỗi tháng thường sẽ là tiền ăn, tiền ở và các khoản sinh hoạt phí khác. Vì vậy, muốn tiết kiệm nhiều hơn sẽ cần sắp xếp mọi thứ rõ ràng. Chẳng hạn là đổi từ phòng thuê lớn sang phòng nhỏ hơn, ở ghép chung với bạn bè, tự nấu thay vì ăn ngoài,...
Mỗi sự lựa chọn chính xác giúp Trà tiết kiệm được nhiều hơn. Khi tích lũy lâu dài qua 1 tháng, 1 năm, 2 năm sẽ trở thành một khoản lớn.
Trà cũng có thể chọn cho mình một phương pháp tiết kiệm thích hợp, chẳng hạn như ngay khi nhận lương tháng, trích ra một phần để dành. Dùng tiền đó bỏ ống heo, gửi bố mẹ hay nhanh gọn hơn là lựa chọn một nền tảng thứ 3 như ngân hàng.
Bài viết ghi theo lời kể của nhân vật
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- 8 sai lầm về chi tiêu sẽ 'giết chết' tài sản ròng của bạn, làm lụng cực khổ mấy cũng vẫn nghèo
- 6 thủ thuật bí mật của các nhà bán lẻ khiến mọi người chi tiêu nhiều hơn mà không hề hay biết
- Nếu còn giữ 9 thói quen chi tiêu này, sang năm mới bạn vẫn đừng mong tiết kiệm được đồng nào
- 4 năm làm công ăn lương, cô nàng công sở ở Hà Nội chắt bóp chi tiêu mới để dành được 100 triệu đồng đầu tiên
- 5 lời khuyên về chi tiêu chẳng ai muốn nghe, song bạn sẽ khó mà giàu được nếu bỏ qua nó
- 7 cái bẫy chi tiêu cực quen nhưng khiến người thông minh nhất cũng mắc phải