80 giờ chạy đua với tử thần để cứu sống người phụ nữ uống 56 viên thuốc
Bệnh nhân bất tỉnh sau khi uống cùng lúc 56 viên thuốc, gồm thuốc hạ huyết áp và thuốc trầm cảm. Các bác sĩ đã cấp cứu, hồi sức tích cực bằng nhiều biện pháp như lọc máu, sử dụng vận mạch, bù dịch...
Ngày 16-2, bác sĩ Võ Tấn Được, Khoa Nội tim mạch - Lão học, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP HCM), cho hay các bác sĩ tại bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhân nữ (57 tuổi) nguy kịch do uống 56 viên thuốc cùng lúc.
Sau 80 giờ được điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy
kịch, sức khỏe dần ổn định. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tụt huyết áp nặng, SpO2 giảm 92%, tiếp xúc chậm. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Đơn vị hồi sức Tim mạch, Khoa Nội tim mạch - Lão học, chẩn đoán xác định tụt huyết áp do ngộ độc thuốc và tổn thương thận cấp.
Khai thác bệnh sử, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, trầm cảm, được bác sĩ kê đơn dùng thuốc hạ huyết áp thường xuyên. Trước khi nhập viện, bệnh nhân đã cùng lúc uống 28 viên thuốc hạ huyết áp mạnh; 28 viên thuốc điều trị chống loạn thần.
Các bác sĩ đã hồi sức tích cực bằng nhiều biện pháp như sử dụng vận mạch, bù dịch, truyền insulin nồng độ cao, truyền đường, lọc máu hấp phụ kết hợp lọc máu liên tục ngoài cơ thể. Sau 80 giờ chạy đua với tử thần, các bác sĩ đã giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Hiện sức khỏe và tinh thần của bệnh nhân đã dần ổn định.
Theo bác sĩ Được, đây không phải trường hợp đầu tiên được cứu sống do ngộ độc thuốc hạ huyết áp. Khoảng 10 tháng trước, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng tiếp nhận ca bệnh là một người đàn ông 30 tuổi, tự tử bằng 30 viên thuốc hạ huyết áp. Bệnh nhân được cấp cứu và xử trí kịp thời nên qua cơn nguy kịch.
Bác sĩ Lê Hồng Tuấn, Trưởng khoa Nội tim mạch - Lão khoa, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết amlodipin là thuốc hạ huyết áp phổ biến, thường được kê toa với liều dùng từ 1-2 viên/ngày. Sử dụng liều cao amlodipin có thể gây ngộ độc với triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi, choáng váng. Trường hợp nhiễm độc nặng có thể dẫn đến trạng thái tinh thần thay đổi, hôn mê, sốc, tử vong.
"Khoảng 30% bệnh nhân tim mạch có biểu hiện trầm cảm, đặc biệt sau nhồi máu cơ tim, stress nặng. Vì vậy, gia đình cần hết sức quan tâm, nếu người bệnh có dấu hiệu buồn bã, chán nản, thờ ơ, lười tiếp xúc, cần thông báo với bác sĩ điều trị hoặc thăm khám tâm lý để tránh hậu quả đáng tiếc" - bác sĩ Tuấn lưu ý thêm.
Bạn đang xem: 80 giờ chạy đua với tử thần để cứu sống người phụ nữ uống 56 viên thuốc
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe