Xử trí thế nào với trẻ thích tranh giành
Tùy từng giai đoạn để trẻ hiểu được sự chia sẻ là gì. Ảnh minh
họa.
Cha mẹ nên làm mẫu
Nhiều trẻ không thích chia sẻ đồ chơi, thậm chí cắn hay đánh
nếu có trẻ khác đụng vào đồ chơi của mình khiến một số cha mẹ lo
lắng trẻ lớn lên dễ ích kỷ.
Chị Lê Phương Nhung (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, con gái dù mới
ở tuổi mẫu giáo lúc nào cũng giành đồ và bất cứ thứ gì cũng nhận là
“của con”. Những từ này thường đi cùng với hành động kéo, giật,
cầm, nắm, ôm đồ vào người nhất định không chịu nhường ai.
Đặc biệt là khi đến nhà ai chơi, con cũng lao vào giành đồ với
bạn nếu đó là thứ mà con mong muốn bấy lâu. Nhiều lúc chị Nhung lo
lắng con không thay đổi sẽ trở thành người ích kỷ.
Theo chuyên gia, chuyện trẻ tranh giành đồ chơi hay phần thắng
không phải do con hư mà hoàn toàn xuất phát từ tâm lý bình thường
của trẻ. Đây là cách hành xử phản ánh quan điểm của trẻ 0 - 3 tuổi
với thế giới xung quanh.
Theo đó, con đã bắt đầu hiểu hơn về quyền sở hữu, muốn bảo vệ
tài sản riêng và cho rằng không ai được động vào bất cứ đồ vật gì
của mình. Vì thế ngoài tranh giành đồ chơi, không chia sẻ với anh
chị, bạn bè, cha mẹ sẽ thấy trẻ thường nói các từ sở hữu như “của
con”, “của chị”, “của em” hay nói “không”.
Cô giáo Nguyễn Thị Trường (THCS Bình Ba, Phú Thọ) cho rằng,
chỉ cần kiên trì, người lớn sẽ thay đổi được tính cách này của con.
Theo đó, việc đầu tiên là làm mẫu. Nếu muốn con biết chia sẻ thì
bản thân cha mẹ cần là người cho con thấy chia sẻ là như thế
nào.
“Nếu bạn đang ăn gì đó, bạn có thể để con ăn cùng mình. Con có
thích tô màu với những cây bút dạ không? Bạn có thể để con dùng
chúng vẽ tranh. Ngoài ra, cũng đừng quên san sẻ việc nhà với người
thân của mình và để con thấy. Khi con thấy những gì cha mẹ làm thì
khả năng cao là con sẽ làm theo”, cô Trường nhận định.
Bên cạnh đó, cần tôn trọng mong muốn của con. Chỉ vì con còn
nhỏ và không tự mình mua những món đồ ấy thì không có nghĩa nó
không phải là đồ của con. Vậy nên, nếu cần mượn món đồ gì của con
thì đừng quên hỏi ý kiến của trẻ trước. Và một điều quan trọng
không kém là những món đồ khi bạn trả lại cần phải nguyên
vẹn.
Đối với một số trẻ, cha mẹ cần tìm hiểu tại sao con không muốn
chia sẻ một đồ vật nào đó. Đó là món quà đặc biệt ai đó tặng trẻ?
Đó là món đồ mới? Trước khi bạn phạt con vì không chia sẻ cho người
khác thì mình cần tìm hiểu vì sao con lại cư xử như vậy.
Đôi khi có những thứ con chưa sẵn sàng để từ bỏ. Điều đó hoàn
toàn bình thường và có thể hiểu được. Nếu bắt con phải nhường trong
khi con chưa sẵn sàng thì có thể sẽ phản tác dụng, khiến con bực
bội thay vì tỏ ra hào phóng.
Do vậy, trước khi các bạn nhỏ tụ tập, cha mẹ có thể bảo con
chọn ra những món đồ mà mình không muốn cho các bạn khác chơi cùng
và cất chúng ở một nơi nào đó. Và cũng hỏi con xem có đồ chơi nào
con có thể chơi cùng các bạn khác. Khi ấy, con sẽ sẵn sàng hơn,
thoải mái hơn với yêu cầu của bố mẹ và dần học được cách chia
sẻ.
Ngoài ra, bố mẹ có thể chia sẻ cho con nghe một câu chuyện hay
một hoạt động nào đó. Khi người lớn thường xuyên dùng từ “chia sẻ”,
con sẽ dần quen hơn với từ này và hành động của con cũng dần tự
nhiên hơn. Dần dần, con sẽ sớm nhận ra rằng chia sẻ là một việc gì
đó thật vui và khi cùng bạn mình chơi món đồ yêu thích sẽ hay hơn
nhiều là chơi một mình.
Ảnh minh họa ITN.
Tùy thuộc vào tâm lý lứa tuổi
Ngoài ra, theo cô Trường, tuỳ từng giai đoạn để trẻ hiểu được
sự chia sẻ là gì. Trẻ đang thấy mình là trung tâm của vũ trụ, mọi
thứ xung quanh đều thuộc về trẻ. Do đó, khi thấy một đứa trẻ khác
có món đồ chơi gì đó, thay vì đợi đến lượt trẻ thường tìm mọi cách
để lấy hoặc sẽ ăn vạ nếu không có được. Do vậy, cha mẹ cần dạy con
theo từng độ tuổi khác nhau theo khả năng hiểu biết của trẻ.
Ví dụ, đối với trẻ mới biết đi còn chưa hiểu được sự chia sẻ
là gì nên thông thường, con có tâm lý mình là trung tâm của vũ trụ,
mọi thứ xung quanh đều thuộc về mình. Do đó, khi thấy một đứa trẻ
khác có món đồ chơi gì đó, thay vì đợi đến lượt, trẻ thường tìm mọi
cách để lấy hoặc sẽ ăn vạ nếu không có được.
Giai đoạn này nếu cha mẹ bắt con phải chia sẻ hay phải nhường
nhịn đều không có tác dụng. Thay vào đó, người lớn nên khuyến khích
trẻ biết chia sẻ và thực hành thường xuyên để tạo thói quen
tốt.
Khi trẻ lên ba, trẻ bắt đầu hiểu về sự chờ tới lượt, thay
phiên hay chia sẻ với những người khác. Nhưng cơ bản trẻ vẫn đang
trong quá trình học hỏi nên việc nắm bắt suy nghĩ và cảm xúc của
người khác còn rất khó khăn. Do đó, trẻ vẫn chưa thể chia sẻ một
cách dễ dàng cũng như chưa đủ kiên nhẫn để chờ tới lượt mình.
Cách dạy trẻ kỹ năng chia sẻ ở độ tuổi này là ba mẹ quan sát
hành động của con, khen ngợi khi trẻ biết chia sẻ hay chờ tới lượt.
Đồng thời đừng quên giải thích cho trẻ hiểu về sự công bằng và chia
sẻ. Chẳng hạn như hỏi trẻ cảm thấy thế nào khi bị bạn lấy đồ chơi
hay không cho con chơi khi tới lượt.
Còn đối với trẻ bắt đầu đi học, con đã hiểu được cảm giác của
người khác. Vì vậy trẻ sẵn lòng đợi tới lượt mình hay dễ chia sẻ
hơn. Hơn nữa, trẻ ở độ tuổi đi học cùng kiên nhẫn và bao dung hơn.
Trẻ sẽ muốn làm những việc đúng đắn và có thể xây dựng các mối quan
hệ phức tạp hơn. Ở độ tuổi này, trẻ cũng có nhiều cơ hội để thực
hành việc chia sẻ như cho bạn mượn đồ dùng học tập.
Dạy con biết cách chia sẻ, nhường nhịn cần sự kiên nhẫn, nhưng
cần được định hướng từ sớm để trẻ không trở thành người ích
kỷ.
Theo Tùng Bách/giaoducthoidai.vn
Bạn đang xem: Xử trí thế nào với trẻ thích tranh giành
Chuyên mục: Mẹ & Bé
Chia sẻ bài viết