Triển vọng đầu tư vàng đến Tết nguyên đán ra sao?
Giá vàng cuối giờ chiều qua ở thị trường trong nước đồng loạt tăng nhẹ ở cả hai chiều mua vào và bán ra, từ 200-300 nghìn đồng/lượng.
Lúc 15h30 hôm qua, giá vàng SJC và DOJI (tại Hà Nội và TPHCM) đều được niêm yết ở mức 83 triệu đồng/lượng mua vào - tăng 300 nghìn, 85,5 triệu/lượng bán ra - tăng 300 nghìn.
Trong khi đó, giá bán vàng PNJ tại TPHCM tăng 800 nghìn, ở mức 83,5 triệu/lượng; giá bán ra tăng 100 nghìn, ở mức 84,5 triệu/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu và SJC tại Công ty Vàng bạc Phú Quý cùng được giao dịch ở mức 83 triệu/lượng mua vào và 85,5 triệu/lượng bán ra, tăng 200 nghìn ở cả 2 chiều so với phiên giao dịch ngày hôm trước.
Chuyên gia dự báo giá vàng thời gian tới phụ
thuộc nhiều vào tình hình địa chính trị trên thế giới. Ảnh: Quốc
Hải
Diễn biến của giá vàng phiên hôm qua khiến các nhà đầu tư lo lắng. Theo giới phân tích, tình huống mới khiến giá vàng khó có thể tăng tốc là căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông đã hạ nhiệt khi Israel và Hezbollah chính thức ngừng bắn.
Thêm vào đó, một nhân tố khác cũng được cho là sẽ tác động lên giá vàng là việc Mỹ áp thuế hàng hóa nhập khẩu, sẽ khiến lạm phát gia tăng. Từ đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể chậm cắt giảm lãi suất và yếu tố này sẽ gây sức ép lên giá vàng.
Hiện tại, thị trường tiếp tục nhìn về quyết định lãi suất của Fed của tháng 12 tới. Mọi động thái của Fed sẽ ảnh hưởng khá lớn đến việc vàng tăng hay giảm giá.
Liên quan đến đầu tư vàng trong nước từ nay đến Tết nguyên đán, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - ĐH Kinh tế TPHCM - nhận định giai đoạn này khá rủi ro. Còn việc người dân nên hay không đầu tư vàng phụ thuộc vào chiến lược của mỗi người.
Theo ông Huân, vàng đã tăng giá gấp gần 3 lần, từ mức “đáy” hơn 30 triệu lên gần 90 triệu đồng, nên áp lực chốt lời rất lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới.
“Vàng phụ thuộc nhiều vào biến động của địa chính trị. Điều này có thể thấy rõ ngay khi Israel và Hezbollah thỏa thuận ngừng bắn, giá vàng đã giảm hơn 100 USD trong phiên ngày 25/11. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, để dự đoán sự biến động của tình hình địa chính trị trên toàn cầu là rất khó, vì còn phụ thuộc nhiều vào ý chí của các nhà lãnh đạo” - ông Huân chỉ rõ.
Một vấn đề mà chuyên gia này cũng lưu ý là khả năng trong thời gian tới, các quốc gia sẽ đa dạng hóa thị trường, thậm chí đa dạng hóa đồng tiền chứ không để phụ thuộc vào đồng USD như trước đây.
“Mới đây, nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) manh nha xây dựng một hệ thống tiền tệ mới cũng như đồng tiền chung mới. Đây gọi là nỗ lực 'phi đô la hóa' của các cường quốc mới nổi, và điều này về dài hạn sẽ tác động lên giá vàng. Bởi vì, các quốc gia này sẽ tăng mua dự trữ vàng để xây dựng hệ thống tiền tệ mới, lấy vàng hoặc bitcoin làm trung tâm…, từ đó sẽ ảnh hưởng ít nhiều về dài hạn đến mức giá” - ông Huân phân tích.
Theo chuyên gia, nếu xu hướng này tiếp tục duy trì thì bất kể biến động địa chính trị có thế nào, giá vàng vẫn sẽ tăng vì nhu cầu dự trữ của các quốc gia kể trên vẫn tăng.
Theo Vietnamnet
Bạn đang xem: Triển vọng đầu tư vàng đến Tết nguyên đán ra sao?
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Giá vàng hôm nay 30/11: Đồng loạt tăng
- Tối 28-11, giá vàng bất ngờ tăng vọt
- Giá vàng bất ngờ đảo chiều, nhiều người ‘đứng ngồi không yên
- Giá vàng giảm rất mạnh
- Giá vàng hôm nay 27/11/2024 bật tăng sau cú lao dốc, SJC và nhẫn trơn có hết ế?
- Vừa mở cửa, giá vàng miếng trong nước 'bốc hơi' gần 2 triệu đồng/lượng