Thu nhập cao nhờ nghề 'ăn cơm đứng'
Các hộ dân trên địa bàn huyện Đăk Hà, Kon Tum đang dần chuyển đổi sang mô hình trồng dâu nuôi tằm, thay thế cây trồng dài ngày. Mặc dù mới triển khai nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân.
Cải thiện sinh kế từ con tằm
Đầu năm 2022, ông Lê Văn Liễu (trú thôn 1, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) quyết định trồng thử 1ha cây dâu để phát triển nghề nuôi tằm. Chỉ trong 6 tháng, vườn dâu đã thu hoạch được lá, gia đình ông nhập về nuôi thử 6 hộp tằm giống. Cho ra thành phẩm gần 5 tạ kén tằm.
Ông Liễu chia sẻ, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Đăk Hà phù hợp với việc trồng dâu, tạo ra các sản phẩm kén tằm ổn định. Nơi cung cấp nguồn giống, họ cũng thu mua đến tận nơi. Về giá thành hiện tại, 1ha trồng dâu nuôi tằm mang về khoản lợi nhuận trên 100 triệu đồng mỗi đợt nuôi.
Nhiều hộ gia đình phấn khởi vì mô hình trồng dâu, nuôi tằm mang lại kinh tế cao.
Nhận thấy tiềm năng phát triển, UBND xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà) đã vận động các hộ dân thành lập Tổ hợp tác liên kết nuôi dâu tằm. Mục tiêu của tổ hợp tác nhằm cung cấp thông tin, hỗ trợ kỹ thuật canh tác để phát triển diện tích dâu nguyên liệu, chủ động trong việc đảm bảo nguồn cung ứng giống và thành phẩm cho người dân.
Bà Nông Thị Hòa - thành viên Tổ hợp tác liên kết trồng dâu nuôi tằm xã Đăk Hring - cho biết: “Nghề nuôi tằm đơn giản, không tốn sức, không cần phải thuốc thang nên rất yên tâm về sức khỏe cho gia đình. Các đơn vị cung cấp giống cùng cam kết mua lại khi ra sản phẩm kén. Tôi thấy nghề này phù hợp với mô hình kinh doanh hộ gia đình và mang lại nguồn thu nhập ổn định”.
Thay thế cây trồng dài ngày
Tại xã Đăk Pxi, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn trồng xen kẽ cây dâu tằm với các cây dài ngày như cà phê, cao su,... Đơn cử, hộ gia đình anh Võ Quốc Nhiều (trú thôn Kon Pao Kơ La, xã Đăk Pxi) đã quyết định đầu tư trồng thử nghiệm cây dâu xen kẽ 4 sào cà phê.
Tổ hợp tác liên kết nuôi dâu tằm tại huyện Đăk Hà.
Sau 5 tháng trồng, dâu đã vươn lên cao, ra lá xanh tốt, anh Nhiều mua 1 hộp tằm giống từ Lâm Đồng về nuôi thử nghiệm. Sau hơn 15 ngày chăm sóc, hộp tằm đầu tiên anh thu được hơn 50kg kén, bán với giá 160.000 đồng/kg. Trừ toàn bộ chi phí, anh lãi được 6 triệu đồng.
“Giai đoạn đầu, sản lượng kén thu được đợt đầu chưa cao. Tuy nhiên sau khi được sự trợ giúp, thăm quan các mô hình của người dân trong xã, tôi có thêm kinh nghiệm nên chất lượng, số lượng kén thu được tăng lên”, anh Nhiều phấn khởi.
Nhận thấy hiệu quả từ việc nuôi tằm, anh Nhiều quyết định chuyển đổi 1ha cà phê sang trồng dâu. Bình quân mỗi tháng, anh nhập 1-2 hộp tằm giống về nuôi. Mỗi kỳ thu hoạch vỏn vẹn 15 ngày, anh thu về khoảng 60-70kg kén/hộp giống. Với giá bán 160.000 - 200.000 đồng/kg kén, trừ chi phí, gia đình anh Nhiều thu về khoảng 10-12 triệu đồng/tháng.
Bà Tâm phấn khởi vì thu nhập cao từ mô hình trồng dâu nuôi tằm. |
Bà Huỳnh Thị Tâm (trú thôn Đăk Rơ Wang) được đánh giá là một trong những hộ tại xã Đăk Pxi thành công với mô hình này. Sau hơn một năm, mô hình nuôi tằm của bà Tâm đi vào ổn định, bình quân mỗi tháng thu hoạch 1 hộp tằm khoảng 70kg kén, bán với giá 200.000 đồng/kg. Trừ chi phí, gia đình bà còn lại được khoảng 12 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ kinh nghiệm, bà Tâm cho biết: “Công việc này không vất vả, nhưng đòi hỏi người chăm sóc phải cẩn thận, có kế hoạch cụ thể. Lá dâu cho tằm ăn phải luôn sạch sẽ, ăn phải đúng giờ: 6h sáng, 11h trưa, 17- 18h và 23h. Quy trình 4 bữa ăn đều đặn như vậy mới cho sản phẩm kén chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, khu vực nuôi phải quây kín để hạn chế các loại côn trùng xâm nhập gây bệnh cho tằm”.
Bà Tâm còn thay đổi phương pháp truyền thống trên nong tre sang nuôi trực tiếp dưới nền nhà. Điều này giúp tằm ít bệnh, tiết kiệm diện tích, đảm bảo độ thông thoáng, giảm chi phí nong, nia. Nhờ đó, chi phí kinh tế đem lại lại cao hơn và đỡ tốn công lao động như cách làm truyền thống trước đây.
Nông dân tại xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà) đang thu hoạch kén tằm. |
Ông Hà Đức Mỷ - Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi - cho biết, hiện xã có khoảng 6 hộ đầu tư trồng dâu nuôi tằm với diện tích 6,5ha. Đây là mô hình phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao, gấp 2-3 lần so với trồng các loại cây hoa màu truyền thống. Qua đó giúp cho nông dân trên địa bàn có cuộc sống khấm khá hơn.
“Tuy nhiên, xã cũng khuyến cáo người dân không nên trồng dâu ồ ạt, cần tìm hiểu kỹ mô hình trước khi nhân rộng. Thời gian tới, xã sẽ kết hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn thêm kỹ thuật trồng dâu và nuôi tằm để giúp bà con nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm. Vì Đây là hướng đi mới, nên xã tiến hành từng bước một cách thận trọng để giúp bà con làm quen, thích nghi dần,” ông Mỷ nhấn mạnh.
Bạn đang xem: Thu nhập cao nhờ nghề 'ăn cơm đứng'
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Theo chân thợ săn rắn bông súng thu tiền triệu mỗi đêm ở Cà Mau
- Nghề 'hot' sau bão ở Hạ Long, ngồi chơi cũng kiếm tiền triệu
- Quả lạ muốn hái phải dìm xuống nước, về Việt Nam giá tiền triệu/kg
- Đầu tư trồng măng tây, thu lãi tiền triệu mỗi ngày
- Từ sinh viên đến dân văn phòng đổ xô bán nước giải khát tối 30/4, lời một gấp đôi, kiếm tiền triệu mỗi tối