Tác dụng phụ trẻ có thể gặp phải khi tiêm vaccine COVID-19
Trẻ em sau tiêm vaccine COVID-19 có thể gặp các tác dụng phụ thông thường như sốt, mệt mỏi, ớn lạnh.
Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị tiêm phòng cho trẻ 12-17 tuổi để tăng độ bao phủ vaccine COVID-19. Trước đó, nhiều nước trên thế giới đã quyết định tiêm vaccine cho trẻ.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), trẻ em 12-15 tuổi khi tiêm vaccine Pfizer có thể gặp phải những phản ứng phụ tương tự người từ 16 tuổi trở lên. CDC mới đưa khuyến cáo về vaccine Pfizer bởi đây là loại duy nhất FDA phê duyệt sử dụng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
Các tác dụng phụ này được đánh giá là thường gặp, không nguy hiểm và cho thấy vaccine đang kích hoạt hệ thống miễn dịch. Phản ứng sau tiêm được chia thành tác dụng tại vị trí tiêm (đau, đỏ, sưng tấy), toàn thân (mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, sốt, đau khớp, buồn nôn…).
Vaccine COVID-19giúp trẻ sớm quay lại trường học và tham gia các hoạt động xã hội bình thường. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh đó, theo New York Times, trong các thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19trên trẻ 12-15 tuổi, sau tiêm, trẻ bị sốt nhiều hơn người lớn. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho hay người trẻ tuổi có xu hướng phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn. Do đó, trẻ em cũng có thể gặp nhiều tác dụng phụ hoặc phản ứng mạnh hơn so với cha mẹ với cùng một loại vaccine COVID-19.
Những triệu chứng này sẽ kéo dài 1-3 ngày. Một số thanh thiếu niên cho biết tác dụng phụ có thể nhiều hơn sau hai mũi tiêm. Song, nhiều trẻ không gặp phản ứng phụ nói trên. Điều này không có nghĩa vaccine không tác dụng. Việc có gặp tác dụng phụ sau tiêm hay không phụ thuộc cơ địa của từng người.
Vaccine COVID-19cũng chống chỉ định với trẻ có tiền sử dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Phụ huynh cần trao đổi vấn đề này kỹ với bác sĩ trước khi quyết định cho con tiêm chủng.
Sau tiêm vaccine COVID-19, trẻ sẽ được theo dõi trong vòng 15-30 phút để kịp thời phát hiện các phản ứng bất thường như dị ứng, sốc phản vệ (nếu có).
CDC khuyến cáo phụ huynh không nên cho trẻ uống thuốc giảm đau trước khi tiêm vaccine. Chúng ta nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt, giảm đau sau khi con được tiêm chủng và có triệu chứng.
Điểm khác biệt ở trẻ em so với người lớn đó là các bé có thể được tiêm vaccine khác ngoài COVID-19mà không phải đợi 14 ngày.
Bên cạnh những phản ứng thông thường, giới chuyên gia lo ngại nguy cơ bị viêm cơ tim ở trẻ khi tiêm vaccine COVID-19. Theo Mayo Clinic, triệu chứng của viêm cơ tim sau tiêm là tức ngực, khó thở, cảm giác tim đập nhanh...
Ngày 6/10, nhóm tác giả từ Israel công bố nghiên cứu mới, cảnh báo về tỷ lệ viêm cơ tiêm gia tăng sau tiêm vaccine Pfizer. Israel cũng là quốc gia đầu tiên phát hiện mối liên hệ giữa vaccine COVID-19Pfizer/BioNTech, Moderna với viêm cơ tim cấp.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí New England cho thấy tỷ lệ bị viêm cơ tim sau tiêm vaccine ở Israel cao nhất trong nhóm nam giới 16-19 tuổi (13,6%). Khoảng 11/100.000 nam giới có dấu hiệu sau vài ngày được tiêm chủng.
Trong số 283 người có triệu chứng viêm cơ tim, 142 người xảy ra sau tiêm vaccine Pfizer. Trong số này, 129 bệnh nhân có biểu hiện nhẹ (chiếm 95%). Một trường hợp đã tử vong.
Với những số liệu trên, nhóm tác giả kết luận tỷ lệ mắc bệnh viêm cơ tim, mặc dù thấp, đã tăng lên sau khi tiêm vaccine Pfizer, nhất là ở liều thứ 2 và nam giới trẻ tuổi. Biểu hiện lâm sàng của viêm cơ tim sau khi tiêm chủng thường nhẹ.
Các chuyên gia cảnh báo vaccine mRNA có thể làm tăng nguy cơ viêm cơ tim ở bé trai sau liều thứ 2. Ảnh: CNBC. |
Một nghiên cứu khác cũng công bố trên tạp chí New England cho thấy bé trai 16-19 tuổi có tỷ lệ mắc viêm cơ tim cao nhất sau liều thứ 2. Tỷ lệ này cao gấp 9 lần so với bé trai cùng tuổi không tiêm chủng trong cùng thời gian.
Một nghiên cứu khác đăng trên medrxiv cho thấy tần suất sau tiêm mũi 2 ở bé trai 12-15 tuổi là 162,2/một triệu người, bé trai 16-17 tuổi là 94/một triệu người.
Theo nghiên cứu từ CDC, cứ mỗi 1 triệu bé trai 12-17 tuổi tại Mỹ, 70 trường hợp bị viêm cơ tim sau tiêm vaccine mRNA. Song, vaccine giúp ngăn ngừa 5.700 ca mắc mới, 215 ca nhập viện và hai trường hợp tử vong.
Tại Hong Kong, dữ liệu tính đến cuối tháng 8 của giới chức cho thấy 41 trường hợp liên quan viêm cơ tim được báo cáo ở những người tiêm vaccine Pfizer, chiếm tỷ lệ 0,0009%. Theo Reuters, trong số này, 16 ca là trẻ vị thành niên (12-15 tuổi), chiếm tỷ lệ 0,008%.
Quan chức y tế các nước nhấn mạnh họ đặc biệt lo lắng về việc ngày càng nhiều dữ liệu cho thấy thanh, thiếu niên khi tiêm vaccine mRNA (Pfizer, Moderna) có nguy cơ bị viêm cơ tim cao hơn. Nguy cơ vẫn này rất nhỏ, nhưng tăng lên đáng kể sau liều hai. Những con số đã thay đổi quan điểm của giới chuyên gia về việc khuyến cáo tiêm chủng ở trẻ em.
Dù vậy, giới chuyên gia cũng nhận định tình trạng này rất hiếm gặp và lợi ích từ tiêm vaccine vẫn cao hơn rủi ro. Theo TS Walid Gellad, chuyên gia về an toàn thuốc tại Đại học Pittsburgh, Mỹ, các tác dụng phụ nghiêm trọng chủ yếu được ghi nhận ở bé trai. Vì vậy, hãng dược cần tính liều lượng thuốc khác nhau với bé trai và bé gái.
Theo Thiên Nhan/Zingnews.vn
Bạn đang xem: Tác dụng phụ trẻ có thể gặp phải khi tiêm vaccine COVID-19
Chuyên mục: Mẹ & Bé