Quỹ khẩn cấp là gì và lý do chuyên gia tài chính khuyên bạn phải có nó

Đây là những lý do mà chuyên gia tài chính đưa ra lý giải vì sao ai cũng cần có ít nhất 1 quỹ khẩn cấp.

Trong cuộc sống có thể ập đến rất nhiều rủi ro không thể lường trước được. Có thể là công việc của bạn gián đoạn hay nghỉ việc và mất thu nhập, chuyển chỗ ở mới, người thân bị ốm,... Những lúc xảy ra trường hợp bất ngờ như thế, nguồn tài chính ở đâu để bạn xoay xở?

Tự hỏi bản thân 3 điều đơn giản này, bạn sẽ biết có nên mở thẻ tín dụng hay không

Bằng cách xây dựng một quỹ khẩn cấp bạn có thể sẵn sàng chi trả cho những trường hợp khẩn cấp bất ngờ mà không phải chuyển sang nợ thẻ tín dụng, các khoản vay gia đình hoặc các lựa chọn vay khác gây căng thẳng không cần thiết.

Cùng nghe những chia sẻ bổ ích đến từ chị Kim Liên, founder của Amy Advise - Chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân với những thông tin tư vấn bổ ích nhất về quỹ khẩn cấp.

1. Quỹ khẩn cấp có tác dụng gì?

Quỹ khẩn cấp là một món tiền dự phòng dùng trong những lúc cấp bách của 1 người hay 1 gia đình, những lúc mà người ta hay nói là "nhỡ chẳng may có việc gì".

Nó thường được sử dụng trong các trường hợp sau:

- Ốm đau, bệnh tật: Ít nhất trong người cũng phải có 10 - 20 triệu.

- Hỏng hóc mất mát đồ dùng thiết yếu, công cụ lao động. Chưa kể những ai có xe ô tô, có nhà riêng, ... các khoản dự phòng cho những vấn đề này lại càng phải nhiều hơn. Ít nhất cũng khoảng 30 triệu.

- Mất thu nhập tạm thời.

- Các trường hợp rủi ro khác. Ví dụ các bạn đang du học/định cư ở nước ngoài, xa nhà, công tác ở thành phố khác, còn phải dự trữ đủ tiền tàu xe vé máy bay khứ hồi để về nhà lúc khẩn cấp.

Lời khuyên:

Hãy thử ngồi liệt kê lại những tình huống mang những tính chất: "đen đủi nhất", "không còn sự lựa chọn nào khác", "bắt buộc phải bỏ tiền ra để xử lý ngay lập tức" vào danh mục khẩn cấp của mình. Điều này sẽ giúp bạn biết được khi nào thì "được phép" rút từ quỹ khẩn cấp này ra và lúc ấy thì cần bao nhiêu tiền để xử lý.

2. Quỹ khẩn cấp cần bao nhiêu tiền thì đủ?

Mọi người vẫn thường được nghe lời khuyên nên chuẩn bị ít nhất số tiền cho 3-6 tháng đủ để chi tiêu thiết yếu và bỏ vào quỹ khẩn cấp. Nhưng khi nào thì chỉ cần 3 tháng thôi, khi nào thì cần 6 tháng hay thậm chí có những người cần đủ 1 năm.

Nhóm 1: Bỏ 3-4 tháng chi phí chi tiêu vào quỹ khẩn cấp

- Bạn có sức khỏe và lối sống khỏe mạnh.

- Bạn không có nợ.

- Bạn sống ở khu vực có chi phí sinh hoạt chung thấp: Các quận huyện ngoại thành, tỉnh lẻ, ven đô.

- Bạn chỉ thuê ô tô hoặc ô tô còn mới.

- Bạn có 1 công việc khó bị thay thế. Đó là những công việc ở vị trí cao hoặc mang tính chuyên môn cao hoặc bạn dễ dàng tìm việc mới nếu thất nghiệp.

- Bạn không có người phụ thuộc.

- Bạn có chồng giàu hoặc bố mẹ giàu hoặc bạn bè, anh chị em giàu sẵn sàng chu cấp khi bạn cần.

- Bạn vẫn đang sống cùng bố mẹ.

Như vậy nếu hàng tháng chi tiêu của bạn là 15 triệu thì bạn chỉ cần giữ khoảng 50 triệu là đủ dùng cho quỹ khẩn cấp của mình rồi.

Nhóm 2: Bỏ nửa năm chi phí chi tiêu vào quỹ khẩn cấp

Quỹ khẩn cấp là gì và lý do chuyên gia tài chính khuyên bạn phải có nó-1

- Bạn sống ở khu vực có chi phí sinh hoạt cao: Tại các thành phố lớn, quận nội thành, khu vực đông dân cư.

- Bạn sở hữu nhà riêng (đặc biệt là nhà đã cũ).

- Bạn đang có nợ trả góp hàng tháng.

- Khi công việc của bạn có thu nhập không ổn định (có thể là bán hàng, freelancer, làm việc theo dự án,…).

- Bạn có con nhỏ hoặc có người phụ thuộc, gia đình chỉ có 1 nguồn thu nhập duy nhất.

- Bạn có thể trạng yếu hay ốm bệnh, hoặc có bệnh mãn tính hoặc hay tham gia những hoạt động mạo hiểm.

- Bạn thiếu mạng lưới hỗ trợ tài chính: Không có nhiều bạn bè, dư dả, bố mẹ không có khả năng chu cấp.

Nhóm 3: Chuẩn bị sẵn 1 năm chi phí chi tiêu vào quỹ khẩn cấp

- Bạn có thu nhập cao. Nghe có vẻ hơi ngược nhưng những người có thu nhập thật sự cao lại cần quỹ khẩn cấp lớn vì họ đã quen với mức sống cao hơn so với những người có thu nhập thấp.

- Bạn có 1 công việc đặc thù cần di chuyển, thay đổi chỗ ở nhiều.

- Bạn là người chu cấp cho nhiều người phụ thuộc.

- Bạn đã hoặc sắp nghỉ hưu.

Còn nếu đang nợ nần chồng chất thậm chí còn không thuộc 1 trong 3 nhóm trên thì hãy bắt đầu với khoản tiền từ 20 - 25 triệu cho quỹ khẩn cấp.

3. Nên giữ quỹ khẩn cấp ở đâu?

Nếu vẫn đang trong giai đoạn "xây dựng quỹ khẩn cấp" thì bạn nên để giữ trong quỹ trái phiếu linh hoạt (loại được miễn phí mua bán) để vừa duy trì được kỉ luật khi xây quỹ lại vẫn đáp ứng khả năng linh hoạt nếu vẫn "chẳng may có việc gì".

Nếu đã có đủ số dư quỹ khẩn cấp rồi thì nơi an toàn nhất để giữ quỹ là gửi tiết kiệm ngân hàng. Nhưng hãy chọn kỳ hạn 6 tháng, tự động tái tục lãi nhập gốc cho món này. Bạn cũng không cần phải quá khắt khe chọn ngân hàng nào lãi cao nhất cho món này vì đây là khoản dự phòng. Tiêu chí tiện lợi và nhanh chóng nên được ưu tiên hơn lãi suất, nên cứ chọn luôn tài khoản mà bạn vẫn hay rút tiền để gửi online.

Hạn chế giữ tiền mặt cho quỹ khẩn cấp vì nhiều khi còn khiến chúng ta thay đổi mục đích của khoản tiền một cách nhanh chóng do dễ lấy.

Ngoài ra thì thẻ tín dụng cũng sẽ phát huy tác dụng hữu hiệu để hỗ trợ cho quỹ khẩn cấp, nhất là với các khoản đi khám đột xuất hay chẳng may hỏng hóc đồ dùng thiết yếu trong gia đình phải mua mới lại tận dụng được các khoản cashback trước khi phải thực sự rút tiền từ quỹ khẩn cấp.

 

Bạn đang xem: Quỹ khẩn cấp là gì và lý do chuyên gia tài chính khuyên bạn phải có nó

Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm

Chia sẻ bài viết