Người dân Trung Quốc tố Dior đạo nhái
Thương hiệu Pháp đã tắt tính năng bình luận trên mạng xã hội sau lùm xùm bị tố 'bắt chước' chiếc váy thời xưa.
Ngày 16/7, Global Times đưa tin những người yêu thích Hán phục đang tố Dior đạo nhái chiếc váy cưỡi ngựa truyền thống của Trung Quốc. Thiết kế này nằm trong bộ sưu tập mùa Thu năm 2022 của nhà mốt Pháp.
Cụ thể, một số người phân tích chiếc váy của Dior có đường xẻ cao ở mặt trước và sau, nếp gấp ở hai bên. Tất cả đều giống những chi tiết cơ bản của chiếc váy cổ.
Chiếc váy gây tranh cãi của Dior. Ảnh: Dior.
Trên trang web chính thức, thương hiệu cho biết chiếc váy dài này là “hình bóng đặc trưng của Dior". Nhà mốt không đề cập đến việc lấy cảm hứng từ truyền thống văn hóa của Trung Quốc.
Trong khi một số người cho rằng thương hiệu Pháp “bắt chước”, số khác coi vấn đề này là "giao lưu văn hóa". Họ nói rằng đây là bài học để người Trung Quốc rút kinh nghiệm nhằm quảng bá văn hóa của chính mình.
Váy ma mian qun của Trung Quốc. Ảnh: Fashion Hanfu.
Dior đã không đưa ra bất kỳ phản hồi nào về cuộc tranh cãi. Global Times phát hiện thương hiệu Pháp đã chặn bình luận trên tài khoản Weibo.
“Ma mian qun” (trong tiếng Trung Quốc) là loại trang phục truyền thống của Trung Quốc có nếp gấp ở hai bên. Nó có bốn cửa váy ở mặt trước và mặt sau chồng lên nhau. Và phần chồng lên nhau của các cửa váy được gọi là “ma mian”.
Váy rất được ưa chuộng vào thời nhà Minh. Hoàng hậu hay dân thường đều có thể mặc. Tùy theo tầng lớp và dịp lễ khác nhau, chất liệu, hoa văn, màu sắc của váy được thay đổi để phù hợp. Ví dụ, Công nương Diana đã mặc chiếc váy lụa satin ở Trung Quốc, thể hiện mình đang hạnh phúc trong hôn nhân vào 40 năm trước.
Đây không phải là lần đầu Dior vướng vào tranh cãi ở Trung Quốc. Vào tháng 11/2021, thương hiệu gây chú ý khi đăng tải bước ảnh của nhiếp ảnh gia Trung Quốc Trần Mạn. Người mẫu xuất hiện với đôi mắt một mí, làn da ngăm đen mặc trang phục truyền thống của Trung Quốc và cầm chiếc túi Dior.
Bạn đang xem: Người dân Trung Quốc tố Dior đạo nhái
Chuyên mục: Thời trang