Mối lo bủa vây doanh nghiệp làm hàng Tết
Giá nguyên liệu đầu vào tăng và có xu hướng tiếp tục trong khi thị trường có nhiều yếu tố bất lợi buộc các doanh nghiệp phải tính toán lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh quý IV và Tết Nguyên đán
Cầm 200.000 đồng đi chợ sáng, chị Nguyễn Thị Hoa (ngụ quận 8, TP HCM) vừa đi vừa nhẩm tính thực đơn trong ngày sao cho đủ món chiên, mặn, xào và tráng miệng. "Khoảng 2 tuần nay, giá rau muống, mồng tơi, rau dền, cải xanh, cải ngọt, cải thảo, xà lách, rau thơm, hành, ngò… gì cũng tăng 5.000-10.000 đồng/kg. Thịt heo cũng tăng 2.000-5.000 đồng/kg. Giá nhiều loại trái cây cũng cao hơn trước. Nếu không tính kỹ, tiền chợ mỗi ngày sẽ tăng thêm 25.000-30.000 đồng" - chị Hoa cho biết.
Rau, thịt… tăng giá
Khảo sát của phóng viên tại một số chợ truyền thống ở TP HCM những ngày gần đây như Nhị Thiên Đường (quận 8), Xã Tây (quận 6), Bình Thới (quận 11)… giá nhiều mặt hàng tươi sống đã nhích lên so với trước. Chị Bích, bán rau ở chợ Nhị Thiên Đường, nói giá nhiều mặt hàng đã tăng 20%-30% so với tháng trước.
Giá thịt heo ở chợ cũng tăng 2.000-5.000 đồng/kg dù sức mua khá chậm. Ngay cả nhóm sản phẩm thịt heo trong chương trình bình ổn thị trường của TP HCM cũng tăng giá. Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), cho biết giá heo hơi đã tăng lên mức 67.000- 68.000 đồng/kg, cao hơn từ 1.000-2.000 đồng/kg so với mức giá cơ sở để tính giá bán bình ổn. "Do sức mua thịt heo đang thấp, các doanh nghiệp (DN) bình ổn thị trường đang cố gắng giữ giá và tổ chức khuyến mãi luân phiên giữa các mặt hàng để thu hút khách" - ông Dũng nói.
Giá nhiều loại rau lá đang tăng mạnh ở chợ lẫn siêu thị
Ông Võ Trần Ngọc, Giám đốc Kinh doanh Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), xác nhận không chỉ ở kênh bán lẻ truyền thống mà ở kênh bán lẻ hiện đại, giá cả các mặt hàng rau xanh cũng đang biến động. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi, mưa kéo dài ở nhiều khu vực nên nguồn cung rau lá giảm. "Một số nhà cung cấp đã đề xuất tăng giá 5%-10%. Nhà cung cấp thịt, trứng, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm… chưa có động thái điều chỉnh giá nhưng diễn biến thông thường của các tháng cận Tết là giá hàng hóa nhích dần lên, tùy theo sức mua và phản ứng tiêu dùng của thị trường" - ông Ngọc nhận định.
Gói ghém kế hoạch hàng Tết
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, các DN sản xuất, kinh doanh, phân phối cho biết đang chuẩn bị kế hoạch Tết Nguyên đán 2025, dự kiến chỉ tiêu sẽ tăng khoảng 25%-30% so với mức thực hiện của mùa Tết năm 2024. Tuy nhiên, đây là mức chuẩn bị trong điều kiện khả quan, chưa tính đến tác động của cơn bão số 3 và tình hình mưa, lũ ở nhiều khu vực thời gian gần đây.
Ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Kinh doanh MM Mega Market, cho biết hệ thống đã chốt kế hoạch chuẩn bị hàng Tết với các nhà cung cấp lớn từ cách đây 1 tháng với mức chuẩn bị khá lạc quan. Tuy nhiên, bão số 3 (Yagi) cùng những biến động thời tiết những ngày qua đã làm thay đổi mọi thứ. "Sức mua ở khu vực miền Bắc giảm mạnh, tiêu thụ các mặt hàng nhập khẩu trên toàn hệ thống cũng giảm. Người tiêu dùng có xu hướng đặt mối quan tâm về giá lên hàng đầu khi quyết định mua hàng. Chúng tôi sẽ phải làm việc lại để điều chỉnh kế hoạch, bao gồm cả sản lượng và giá cả, cho hợp với diễn biến thị trường" - ông Khôi bày tỏ.
Cũng nhận định thị trường Tết năm 2025 sẽ ảm đạm do người dân tiếp tục "thắt lưng buộc bụng", nhiều DN lo lắng thị trường chậm sẽ dẫn đến cuộc chạy đua hạ giá để kích cầu. "Vissan đặt chỉ tiêu tăng sản lượng 5%-10% so với mùa Tết năm rồi nhưng lại khá lo vì sức mua đang rất yếu, đặc biệt là thị trường miền Bắc tình hình khó khăn, người tiêu dùng càng thắt chặt chi tiêu" - Phó Tổng giám đốc Vissan thông tin.
Ông Dũng lo ngại giá heo hơi sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do nguồn heo ở miền Bắc thiếu hụt sau bão số 3 nên giá heo hơi tăng lên từng ngày. "DN đang phải cân đo đong đếm chi phí để vừa bảo đảm hiệu quả vừa chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Từ đầu năm đến nay, công ty liên tục chạy khuyến mãi lên đến 49%, luân phiên giữa các mặt hàng. Ngay thời điểm này, chúng tôi cũng đang phối hợp với Saigon Co.op áp dụng chương trình mua thịt được tặng nước xương hầm. Còn ở các cửa hàng Vissan đang áp dụng chương trình mua 2 tặng 1 cho 2 mặt hàng pate gan, cá ngừ xốt cay" - ông Dũng dẫn chứng.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho hay từ đầu năm đến nay, sức mua trứng gia cầm gần như không tăng, thậm chí giảm 10%-20% so với cùng kỳ năm 2023.
Trên cơ sở đó, Vĩnh Thành Đạt chỉ kỳ vọng sức mua tương đương Tết năm ngoái. "Từ năm 2023 đến nay, DN thường xuyên phối hợp với các siêu thị, sàn thương mại điện tử chạy khuyến mãi để kích cầu. Kết quả là tiêu thụ chỉ tăng trong thời gian ưu đãi, hết chương trình lại trở về mức bình thường trong khi nguồn lực của DN ngày càng eo hẹp. "DN đang tồn kho lớn, kéo theo chi phí kho bãi, nhân công tăng. Vì vậy, rất mong cơ quan nhà nước hỗ trợ DN giải quyết các thủ tục về công nợ, thanh toán, phát triển các kênh bán hàng để giải quyết hàng tồn" - ông Thiện đề xuất.
Đủ sức điều tiết thị trường
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết sở đã có kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết Ất Tỵ 2025. Hiện đã có 70 DN lớn trong nước và nước ngoài đăng ký tham gia chương trình. "Lượng hàng hóa trong chương trình bình ổn thị trường đủ sức điều tiết thị trường, giữ cho giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân" - ông Phương nói.
Bạn đang xem: Mối lo bủa vây doanh nghiệp làm hàng Tết
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Trái cây độc lạ 'trình làng' dịp Tết
- 'Chợ mạng' nhộn nhịp mua bán vàng
- Món ăn dân dã, quen thuộc ở Việt Nam được nước ngoài ví như “linh chi”, giá lên tới 100.000đ/kg
- Giá vàng nhẫn tròn bật tăng
- Vàng miếng SJC tăng nửa triệu đồng/lượng, vàng nhẫn quay đầu giảm mạnh
- Có nên bán chung cư Hà Nội để mua đất trung tâm của tỉnh lân cận?