Loạn giá vàng

Sáng nay (3/11), giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mất mốc 89 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC đứng im. Tuy nhiên, trên thị trường từ chính thống đến tự do, giá vàng mỗi nơi một kiểu.

Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn 87,98 - 88,98 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 200.000 đồng/lượng so với sáng qua.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn 87,4 - 88,9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng SJC được 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) cùng niêm yết 89,5 triệu đồng/lượng bán ra. 4 ngân hàng này bán vàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và không mua vào.

Giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng và nhiều ngân hàng thương mại khác được cấp phép bán vàng miếng cũng niêm yết giá bán ra 89,5 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, giá mua vào của doanh nghiệp, các ngân hàng chênh nhau từ 200.000 - 500.000 đồng/lượng.

Cụ thể, giá mua vào của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết 87,5 triệu đồng/lượng; Công ty vàng Phú Quý 87,7 triệu đồng/lượng; Ngân hàng ACB 88 triệu đồng/lượng…

Cá biệt có ngân hàng niêm yết giá bán ra vàng miếng SJC cao nhất thị trường. Theo bảng giá Ngân hàng Sacombank từ thứ sáu tuần trước (1/11) không đổi ở mức 90 triệu đồng/lượng. Ngân hàng này cho biết, giá giao dịch ngày thứ Sáu sẽ áp dụng cho mua bán vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật.

Loạn giá vàng-1

Bảng giá vàng của Ngân hàng Sacombank không đổi từ ngày 1/11.

Trên thị trường tự do, giá vàng miếng SJC mua vào - bán ra cao hơn bảng niêm yết chính thống từ 1-2 triệu đồng/lượng.

Không chỉ giá vàng miếng, giá vàng nhẫn trên thị trường tự do cũng được nhiều người đăng bán và thu mua cao hơn giá niêm yết.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện có 38 đơn vị được phép bán vàng miếng SJC gồm 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp. Theo đó, người dân chỉ được phép mua bán vàng miếng SJC tại những điểm được cấp phép như trên.

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI - cho rằng, ngoài vàng miếng SJC, pháp luật không cấm việc người dân trao đổi, mua bán, cho tặng, vay mượn nhau bằng vàng. Tuy nhiên, nếu là kinh doanh vàng thì phải được cấp phép tương tự như các lĩnh vực, ngành nghề khác.

“Nếu người dân với người dân, doanh nghiệp với doanh nghiệp, người dân với doanh nghiệp có trao đổi, mua bán với nhau cả tấn vàng cũng được vì thuận mua vừa bán. Pháp luật chỉ cấm thanh toán bằng vàng, ngân hàng không được phép vay (huy động) bằng vàng, cho vay vốn bằng vàng, cho vay vốn mua vàng. Ngoài ra, người dân và doanh nghiệp trao đổi mua bán với nhau thì thoải mái”, ông Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Loạn giá vàng-2

Trên thị trường vàng có hiện tượng mỗi nơi bán một kiểu.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, kể cả vàng miếng SJC hay vàng nhẫn, các cá nhân tự thoả thuận mua bán, giao dịch vàng với nhau sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro như không có hoá đơn chứng từ, không được bảo đảm về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cả bên mua và bên bán. Vì vậy, người dân nên mua bán, trao đổi vàng tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã được Nhà nước bảo hộ, cấp phép để đảm bảo quyền lợi của mình.

Các chuyên gia nhận định, việc khan hiếm nguồn cung lâu dài sẽ tạo ra những bất ổn trên thị trường, kéo dài tình trạng mua bán vàng "hai giá" hoặc hình thành thị trường mua bán phi chính thức mà Nhà nước rất khó quản lý…

Bạn đang xem: Loạn giá vàng

Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm

Chia sẻ bài viết