‘Liều ăn nhiều’, giá vàng vọt lên đỉnh mới rồi vào giai đoạn thoái trào?

‘Liều ăn nhiều’, giá vàng vọt lên đỉnh mới rồi vào giai đoạn thoái trào?

Rập rình trên đỉnh lịch sử

Giá vàng biến động rất mạnh trong thời gian gần đây, tăng vọt và lập kỷ lục cao mọi thời đại 2.685 USD/ounce hôm 26/9, rồi lao dốc có lúc về dưới ngưỡng 2.600 USD trước khi trở lại ngự quanh đỉnh lịch sử.

USD đang mạnh trở lại, kìm hãm đà tăng của vàng. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư đánh cược vào khả năng “liều ăn nhiều” với vàng khi mà căng thẳng địa chính trị leo thang ở khắp nơi trên thế giới, có thể đẩy mặt hàng kim loại quý lên đỉnh cao mới bất cứ lúc nào. 

Tới tối 17/10 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay ở mức 2.685 USD/ounce (tương đương 82,1 triệu đồng/lượng).

Tại Việt Nam, vàng miếng SJC lên mức 84-86 triệu đồng/lượng (mua-bán), giá vàng nhẫn liên tục lập đỉnh cao mới. Thương hiệu của Doji đã lên mức 84,75 triệu đồng/lượng vào cuối giờ chiều 17/10.

Bước ngoặt đối với thị trường vàng có thể đang ở phía trước khi Mỹ sắp đến ngày bầu cử tổng thống (5/11 tới). Dù vậy, giá vàng theo hướng nào có thể còn phụ thuộc vào việc ai sẽ là chủ nhân của Nhà Trắng, ông Donald Trump hay bà Kamala Harris và chính sách đối ngoại và đối nội của Mỹ sẽ ra sao.

Trên thế giới, thời điểm 3 tuần trước cuộc bầu cử Mỹ, căng thẳng đang leo thang khắp nơi, từ Ukraine, Trung Đông tới bán đảo Triều Tiên. Tất cả đều rất khó lường. 

giavangMinhHien70 OK.gifGiá vàng nhẫn lên đỉnh cao mới, vàng thế giới cũng đang leo thang. Ảnh: MH

Căng thẳng tại Trung Đông leo thang khi Israel hôm 17/10 cho biết đã chốt mục tiêu và chuẩn bị tấn công trả đũa Iran để đáp lại cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Tehran hồi đầu tháng này. Trong khi đó, Ukraine đang chịu sức ép lớn khi Nga tiến công nhanh chưa từng có tại mặt trận Donbass ở Đông Nam Ukraine. Tình hình tại bán đảo Triều Tiên nóng rực khi 2 bên đe dọa lẫn nhau và sẵn sàng khai hỏa. 

Bước ngoặt bầu cử Mỹ và khả năng giá vàng vào giai đoạn thoái trào?

Cho dù đồng USD tăng mạnh trở lại nhưng vàng vẫn tăng giá. Chỉ số DXY (đo lường biến động của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác) hiện vọt lên 103,6 điểm, so với mức 100,7 điểm hồi giữa tháng 9.

Về trung và dài hạn, đồng USD đang trong xu hướng giảm theo tín hiệu giảm lãi suất từ mức 4,75-5%/năm hiện nay về khoảng 3%/năm trong năm 2026 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Nhưng trước mắt, USD có thể chưa giảm thêm bởi Fed trì hoãn và dòng tiền đang trú bão ở đồng bạc xanh.

Hầu hết dự báo gần đây đều cho rằng, vàng sẽ còn tăng giá, ít nhất tới giữa năm 2025 theo khả năng suy yếu của đồng USD, giá có thể lên 2.700 USD vào cuối năm nay và 3.000 USD sau đó.

Trên thực tế, theo hãng Al-Hadath của Saudi Arabia, Mỹ dường như không có ý định giải quyết tình hình ở Trung Đông trước cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, cũng không ít cảnh báo cho rằng, vàng có thể quay đầu giảm nhanh và rơi vào giai đoạn thoái trào bởi áp lực chốt lời và cũng bởi một đồng USD khó giảm sâu khi đây vẫn được coi là “quyền lực mềm” của nước Mỹ. 

Hơn thế, căng thẳng địa chính trị có thể suy giảm sau khi Mỹ bầu cử xong. Ứng cử viên Đảng Cộng hòa đã nhiều lần cho biết ông có kế hoạch kết thúc xung đột tại Ukraine và cũng từng tuyên bố, Israel phải nhanh chóng kết thúc cuộc xung đột với Hamas ở Dải Gaza.

Nhưng với một số chuyên gia, đà tăng của vàng chưa kết thúc. Khi cả thế giới bơm tiền nhiều năm qua, vàng sẽ còn tăng và lên 4.800 USD vào 2030.

Bạn đang xem: ‘Liều ăn nhiều’, giá vàng vọt lên đỉnh mới rồi vào giai đoạn thoái trào?

Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm

Chia sẻ bài viết