Lấy “rác” để làm sản phẩm này, 9x Thái Bình làm không kịp bán

Không ngờ các sản phẩm được tận dụng từ “rác” của cô gái trẻ Thái Bình lại được khách hàng đón nhận nhiệt tình, làm không kịp bán.

Cầm trên tay những chiếc mũ, Huệ (SN 1995, Thái Bình) cho biết đây là sản phẩm làm từ những mảnh vải vụn, chị tận dụng chúng để tạo ra sản phẩm độc đáo như vậy.

“Mũ – một sản phẩm tận dụng từ “rác” của các cửa hàng may nhưng lại được rất nhiều người lựa chọn. Tôi nghĩ có lẽ là do sự độc đáo, tính ứng dụng của nó. Một chiếc mũ ghép vải như vậy thì sẽ khó có thể tìm được cái thứ 2 giống y chang như vậy được. Và cũng có thể là câu chuyện về vải vụn kèm theo, ý nghĩa của chiếc mũ tận dụng vải vụn bảo vệ môi trường”, chị nói.

Lấy rác” để làm sản phẩm này, 9x Thái Bình làm không kịp bán-1

Vải vụn được chị Huệ tận dụng làm mũ để bán ra thị trường.

Những mảnh vải vụn tận dụng làm mũ đều phải có kích thước khoảng 5cm trở lên. Còn những mảnh tầm 3-4cm hoặc hình dạng lộn xộn, chị sẽ thêm vào vài chỗ trên mũ để làm điểm nhấn. “Còn những vải vụn bé xíu không thể làm mũ, tôi vẫn giữ lại để có thể thực hiện những dự định tiếp theo”, chị nói.

Nói về cơ duyên đến với hành trình “giải cứu vải vụn”, chị Huệ cho biết thời điểm bùng dịch đầu tiên ở nước ta, chị thấy nhu cầu mua khẩu trang rất nhiều. Chị bắt đầu học cắt may khẩu trang vải để cả nhà tiện sử dụng, vừa tiết kiệm lại còn giảm bớt rác thải y tế.

Lấy rác” để làm sản phẩm này, 9x Thái Bình làm không kịp bán-2

Do tận dụng vải vụn và làm thủ công, mỗi chiếc mũ sẽ mang vẻ đẹp khác nhau.

Sau khi được mọi người ủng hộ sử dụng, chị bắt đầu khởi nghiệp cùng những chiếc khẩu trang vải. Do cắt may nhiều, lượng vải vụn tồn dư cũng lớn. Được biết, rác thải ngành công nghiệp may mặc thải ra với số lượng rất lớn và chúng rất khó để phân hủy, gây nên ô nhiễm nghiêm trọng. Chị thường gom lại, đóng bao dựng góc nhà, chờ có thời gian thì nghĩ cách xử lý.

“Mẹ tôi than phiền rằng tôi như người buôn đồng nát, cứ giữ mấy mảnh vài vụn làm gì, chật nhà. Nhưng tôi kiên quyết giữ lại và sau đó tôi đã nghĩ ra việc tận dụng chúng để làm ra mũ đội đầu”, chị nói.

Khi mới làm, chị không biết rập mũ kiểu gì, chị tự mày mò trên Internet, Youtube để xem các video làm rập mũ và học theo. Sau nhiều lần làm thử, chỉnh sửa, chị cũng tạo nên được form mũ ưng ý.

Lấy rác” để làm sản phẩm này, 9x Thái Bình làm không kịp bán-3

Sản phẩm mang nét độc đáo riêng nên được rất nhiều người lựa chọn.

Theo chị, một chiếc mũ từ vải vụn để hoàn thiện được không hề đơn giản, từ khâu chọn vải đến khi may, lên form… Trong đó, công đoạn khó nhất là lựa vải vụn để ghép rồi trần bông. Vì là vải vụn nên có rất nhiều bụi, việc xếp các mảnh nhiều màu lại thì cũng phải biết phối cùng nhau cho thuận mắt, cùng tông màu.

Sau này sản xuất nhiều, chị đã tận dụng hết vải vụn trong nhà, chị đi xin tại các xưởng may và những người làm nghề mày. “Cũng có người thấy tôi làm mũ ghép tận dụng vải vụn nên cũng ngỏ ý cho nên tôi xin hết, vì họ không cho thì cũng toàn vứt đi, rất ảnh hưởng môi trường”, chị nói.

Mỗi chiếc mũ hoàn thiện, chị sẽ bán giá khoảng 180.000 đồng/chiếc. Đây là sản phẩm làm thủ công nên mất rất nhiều công. Trung bình mỗi ngày chị chỉ làm được khoảng 3 chiếc. Do sự độc đáo cùng với sản xuất số lượng ít, hàng lúc nào cũng trong tình trạng “cháy”, khách đều phải đợi mới mua được.

Lấy rác” để làm sản phẩm này, 9x Thái Bình làm không kịp bán-4

Chị Huệ cho biết làm mũ không kịp bán ra thị trường.

Những sản phẩm chị làm: khẩu trang, mũ… ngày càng được nhiều khách hàng biết đến và ủng hộ, lương đơn ngày một nhiều. Cộng với việc chị có niềm đam mê với các sản phẩm handmade nên mới đây, chị đã quyết định nghỉ việc công ty để có nhiều thời gian làm và phát triển các sản phẩm handmade.

Thời gian tới, chị dự định sẽ làm thêm balo, túi, lót ly, thú bông .... Hiện tại, chị Huệ đã có rất nhiều ý tưởng để có thể tận dụng được những mảnh vải vụn và chị cho biết sẽ thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Bạn đang xem: Lấy “rác” để làm sản phẩm này, 9x Thái Bình làm không kịp bán

Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm

Chia sẻ bài viết