Lấy công làm lãi, nhiều hộ dân 'bỏ túi' hàng trăm triệu nhờ trồng na trên đất đá

Người dân ở xã Phú Long (huyện Nho Quan, Ninh Bình) trồng cây na trên vùng đất đá cằn cỗi, mỗi năm cho thu hoạch hai vụ, lãi 250 triệu đồng/ha.

Phú Long là xã miền núi của huyện Nho Quan (Ninh Bình) với địa hình sườn dốc gồ ghề, có nhiều thung lũng, núi đá, vùng rừng rậm rạp. Nhiều năm qua, nơi đây được xem như thủ phủ trồng na ăn quả lớn nhất tỉnh Ninh Bình, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Người dân xã Phú Long trước kia chủ yếu trồng ngô, sắn hiệu quả không cao, đất liên tục bị xói mòn. Năm 2010, một số hộ dân đã thử nghiệm trồng cây na để chống xói lở đất, phủ xanh đồi. Sau 3-4 năm, cây na cho ra rất nhiều trái và phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương.

Từ đó, diện tích na ngày càng được nhân rộng tại đây, các gia đình trồng từ 1ha đến 6-7ha.

Lấy công làm lãi, nhiều hộ dân bỏ túi hàng trăm triệu nhờ trồng na trên đất đá-1
Mỗi 1ha trồng na cho thu nhập mỗi năm 250-300 triệu đồng. Ảnh: Trần Nghị

Bà Vũ Thị Hương (trú thôn 9, xã Phú Long) cho biết, gia đình bà có khoảng 1ha trồng quả na, cho thu hoạch 2 vụ/năm, đạt sản lượng hơn 10 tấn quả. Với giá bán trung bình từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg, gia đình bà thu về hơn 300 triệu đồng; trừ chi phí, lãi khoảng 250 triệu đồng.

Còn bà Nguyễn Thị Hà (trú xã Phú Long), cho hay, trồng na chủ yếu trên đất đá cằn cỗi nên rất vất vả. Ban đầu, các hộ để cây ra quả tự nhiên, mỗi năm chỉ cho thu hoạch 1 vụ, sản lượng quả cũng không cao. Từ khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, như thụ phấn, tỉa cành,... cây ra quả nhiều hơn, quả to hơn, thu nhập cũng cao gấp 5-6 lần trước đây.

Na trồng sang năm thứ ba thì bói quả, năm thứ 4 bắt đầu thu hoạch. Trong đó, có ngày na chín rộ, 1ha có thể thu 600-700kg quả.

Lấy công làm lãi, nhiều hộ dân bỏ túi hàng trăm triệu nhờ trồng na trên đất đá-2
Cây na được trồng ở vùng đất gồ ghề, xen lẫn đá nhưng cho năng suất cao. Ảnh: Trần Nghị

“Để na cho quả to đều, người trồng cần chăm sóc cẩn thận với nhiều công đoạn như: cắt, tỉa, tạo tán, bón phân để cây có đủ dưỡng chất sinh trưởng, thụ phấn khi ra hoa... Sau khi thu hoạch hai vụ quả, cần cắt hết cành cho cây ngủ đông chuẩn bị cho vụ mới”, bà Hà chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Thuật, Giám đốc HTX sản xuất na trái vụ, tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long (xã Phú Long, huyện Nho Quan) thông tin, trên địa bàn xã có khoảng 200ha trồng na. Trong đó, 45 hộ dân tham gia HTX với diện tích 150ha, mỗi 1ha cho thu hoạch từ 12-15 tấn quả/năm.

Theo ông Thuật, vụ chính thu hoạch na ở Phú Long từ cuối tháng 6 đến hết tháng 7 âm lịch. Na trái vụ cho thu hoạch từ cuối tháng 8 đến tháng 11 âm lịch.

Lấy công làm lãi, nhiều hộ dân bỏ túi hàng trăm triệu nhờ trồng na trên đất đá-3
Trên địa bàn xã Phú Long có hơn 200ha trồng na. Ảnh: Trần Nghị

Ông Bùi Văn Thể, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Nho Quan, cho biết, diện tích trồng na ở Phú Long ngày càng được nhân rộng.

Na ở Phú Long trồng theo hướng hữu cơ nên chi phí chăm sóc chủ yếu là nhân công. Trừ mọi chi phí, 1ha na mang về từ 200-250 triệu đồng tiền lãi. Na không chỉ tiêu thụ tại các địa phương trong tỉnh mà các thương lái ở Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nội... cũng về tận vườn thu mua.

“Na Phú Long được trồng theo quy trình VietGap, thụ phấn nhân tạo 100%. Cây na không chỉ cho quả chính vụ mà còn cho thu hoạch trái vụ, là sản phẩm đạt OCOP 4 sao của địa phương”, ông Thể nói.

Bạn đang xem: Lấy công làm lãi, nhiều hộ dân 'bỏ túi' hàng trăm triệu nhờ trồng na trên đất đá

Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm

Chủ đề:

Chia sẻ bài viết