Khách ưa chuộng bánh trung thu truyền thống, các lò sản xuất thâu đêm
Khoảng 2 tuần nữa là đến Tết Trung thu, những ngày này người dân làng Xuân Đỉnh (Hà Nội) không chỉ tất bật ban ngày mà còn bận rộn suốt đêm để sản xuất bánh.
Làng Xuân Đỉnh từ lâu nay được biết tới là "thủ phủ" bánh Trung thu truyền thống tại Hà Nội. Bánh sản xuất ở đây được nhiều người ưa chuộng bởi hương vị riêng biệt, khác hẳn các loại bánh hiện đại.
Tuy sản xuất bánh quanh năm, nhưng mỗi dịp tháng 7, tháng 8 âm lịch, không khí ở làng lại nhộn nhịp, sôi động hơn hẳn, vì đây là mùa vụ lớn nhất năm. Lượng khách tăng đột biến khiến lò bánh nào cũng bận rộn. Tại cơ sở sản xuất bánh Sinh Hùng, âm thanh gõ khuôn bánh dồn dập suốt ngày.
Người làm ở đây cho biết, để sản xuất ra những chiếc bánh tròn vị thì cần sự cầu kỳ, cẩn thận ở mọi công đoạn. Những nguyên liệu làm nhân bánh gồm mỡ lợn, lá chanh, hạt sen, giăm bông, quất, lạp xưởng...được lựa chọn kỹ càng rồi cân đủ trọng lượng theo công thức gia truyền. "Không phải cứ nhiều nhân là ngon mà phải vừa đủ, phù hợp với sở thích bao năm nay của thực khách", một nhân viên nói.
Nguyên liệu sau khi nhập về được chế biến cẩn thận, cũng theo bí kíp riêng, đảm bảo giữ nguyên hương vị truyền thống đã được định danh từ lâu.
"Gà cũng phải chọn loại gà ta, chứ không chọn gà công nghiệp thì làm bánh mới ngon được", ông Dũng - chủ hộ - nói.
Các nguyên liệu được trộn đều với nhau theo liều lượng thích hợp.
Đặc biệt không thể thiếu trong nhân bánh nướng là rượu mai quế lộ.
Mỗi chiếc bánh đều được định lượng cẩn thận, không được thiếu hay thừa cân.
Bột sau khi nhào được chia đều thành từng phần nhỏ, sau đó cán mỏng.
Sau khi vỏ bánh được cán sẽ nhồi nhân.
Bánh được cho vào khuôn để ép thành hình. Lúc này, những chiếc bánh hình thù bắt mắt đã dần lộ diện.
Để vỏ bánh có độ thơm và lên màu đẹp tự nhiên, trước khi đưa vào lò nướng, bánh được quét một lớp lòng đỏ trứng gà lên bề mặt bánh.
Bánh được chia làm 2 lần nướng, lần thứ nhất sẽ nướng trong lò khoảng 10 phút, sau đó được quết thêm một lớp trứng gà và nướng tiếp khoảng 20 phút tới khi bánh chín vàng.
Những chiếc bánh trung thu truyền thống này được làm thủ công hoàn toàn, không có chất bảo quản nên chỉ có thời hạn sử dụng khoảng 10 ngày kể từ lúc ra lò. "Vì vậy ngoài những đơn đặt hàng trước của doanh nghiệp hay cá nhân thì chúng tôi chỉ làm hạn chế một số lượng vừa đủ để bán ra thị trường. Bánh dẻo thì có thể ăn được luôn sau khi chế biến, nhưng bánh nướng thì phải để qua 1 - 2 ngày cho phần mỡ thấm đều ra lớp vỏ thì chiếc bánh ăn mới ngon", ông Dũng chia sẻ.
Giá các loại bánh trung thu truyền thống tại đây dao động từ 40.000 - 70.000 đồng/chiếc.
Bạn đang xem: Khách ưa chuộng bánh trung thu truyền thống, các lò sản xuất thâu đêm
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Hà Nội: Thị trường Trung thu 2024 im ắng hơn các năm trước
- Bánh trung thu Trung Quốc hot trend: Chưa xác định được là hàng lậu hay không
- Bánh trung thu siêu khủng đổ bộ, hàng Trung Quốc ‘thượng hạng’ giá rẻ bèo
- Cẩn trọng với bánh trung thu 'online, handmade' giá rẻ
- Giá bánh Trung thu handmade online từ 80.000- 200.000 đồng/chiếc đang gây 'sốt' thị trường
- Bất ngờ loại bánh trung thu nặng cả nửa cân, giá “siêu rẻ” chỉ từ 55 nghìn đồng/chiếc