Khách mua bán nhộn nhịp trên 'sàn vàng' tự phát, chuyên gia cảnh báo

Trên mạng xã hội, một hội nhóm giao dịch vàng đã được lập và thu hút hàng chục nghìn người tham gia, thường xuyên trao đổi, mua bán, bất chấp rủi ro tiềm tàng.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhóm “Trao đổi giao lưu vàng 9999, BTMC, DOJI, PNJ HN (không SJC)” thu hút hơn 86.000 người tham gia. Theo lời giới thiệu, nhóm này được lập từ tháng 6/2024, với mục đích trao đổi, mua bán vàng 9999, thảo luận giá vàng tốt nhất thị trường.

Đáng chú ý, tuy nhóm nhấn mạnh không mua bán vàng SJC theo quy định của Nhà nước nhưng trên thực tế, mỗi ngày vẫn có nhiều bài viết trao đổi, mời chào nhau mua bán loại vàng này được đăng tải trong nhóm. Phần lớn đều rao cần mua hoặc bán gấp với mức giá tốt hơn trên thị trường.


Khách mua bán nhộn nhịp trên sàn vàng tự phát, chuyên gia cảnh báo-1Hội nhóm trao đổi, mua bán vàng trên mạng xã hội thu hút hơn 86 nghìn người tham gia. (Ảnh chụp màn hình)

Tài khoản Lê Yến đăng tải: “Em cần mua 3 cây SJC”, ngay lập tức nhiều người bình luận chào mua với mức giá khoảng từ 83,4 - 83,5 triệu đồng/lượng. Trên thị trường cùng thời điểm, giá vàng miếng được niêm yết ở mức 80,5 - 84 triệu đồng/lượng (mua - bán). Như vậy, giá bán vàng miếng SJC trong hội nhóm này đang rẻ hơn 600.000 đồng/lượng so với các cửa hàng. 

Trong vai người có nhu cầu mua vàng miếng SJC, chỉ sau ít phút, PV đã được nhiều người liên hệ chào mời. Cụ thể, tài khoản S.L cho biết muốn bán 2 chỉ vàng SJC đủ giấy tờ với giá 83 triệu đồng/lượng, người mua có thể giao dịch trực tiếp tại Hà Nội. “Mình mua vàng từ lúc giá 88-89 triệu đồng/lượng, giờ bán giá này lỗ rất nhiều rồi nên không hạ thêm được. Khi giao dịch, bạn chỉ cần so sánh số seri trùng với giấy tờ là được”, người này cho biết.

Không chỉ mua vàng miếng SJC, nhiều người cũng tìm đến hội nhóm này để rao bán các loại vàng nhẫn với mong muốn có thể bán với giá cao hơn bán cho các cửa hàng, đại lý để kiếm lời. Ví dụ, chiều 14/11, giá vàng nhẫn được Doji niêm yết ở mức 80,3 - 82,3 triệu đồng/lượng nhưng trong hội nhóm này nhiều người đăng bán trong khoảng 81,8 triệu đồng.

Như vậy, người bán có cơ hội lời hơn được tới 1,5 triệu đồng/lượng so với việc mang bán tại các cửa hàng, đại lý. Trong khi đó, người mua có thể mua rẻ hơn khoảng 500.000 đồng/lượng.

Khách mua bán nhộn nhịp trên sàn vàng tự phát, chuyên gia cảnh báo-2Vàng nhẫn Doji được rao bán giá 81,8 triệu đồng/lượng trên mạng xã hội, cùng thời điểm, Doji niêm yết ở mức 80,3 - 82,3 triệu đồng/lượng (mua - bán). (Ảnh chụp màn hình)

Theo chia sẻ của một người từng mua vàng trên hội nhóm này, thời gian vừa qua việc mua vàng miếng hay thậm chí là vàng nhẫn tại các cửa hàng lớn ở Hà Nội thường rất khó khăn. Vì thế, khi cần vàng vì có việc gấp thì anh hỏi luôn trên nhóm cho tiện. Thông thường, nếu hai bên thỏa thuận nhanh chóng và được giá thì việc mua bán vàng có thể chỉ diễn ra trong vài giờ đồng hồ, thậm chí vài chục phút.

Khách mua bán nhộn nhịp trên sàn vàng tự phát, chuyên gia cảnh báo-3Hoạt động mua bán vàng diễn ra sôi động trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)

Nhận định về "sàn vàng" tự phát trên mạng xã hội, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thời gian vừa qua xảy ra hiện tượng người dân gặp khó khăn và mất rất nhiều thời gian khi muốn mua vàng trên thị trường. Chính vì thế khi có nhu cầu gấp họ buộc phải tìm đến các biện pháp khác để có thể mua nhanh như mua tại thị trường tự do và giờ đây là mua trên mạng xã hội. 

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, phương án này có thể khiến người mua vàng gặp những rủi ro tài chính, gây thiệt hại về kinh tế.

“Hiện nay vàng giả, giấy tờ chứng nhận giả có thể dễ dàng được các đối tượng xấu làm rất tinh vi. Vì thế khi mua vàng trên mạng xã hội có thể tiềm ẩn những rủi ro bị lừa đảo rất là lớn, thậm chí có thể chịu trách nhiệm hình sự khi mua phải vàng của những kẻ phạm tội mà có. Đồng thời, dù có thể mua được vàng thật, nhưng chất lượng và trọng lượng cũng có thể không được chuẩn, được đủ như tại các cửa hàng chính hãng. Bên cạnh đó, còn nhiều rủi ro khác mà chúng ta không lường trước được”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Do đó, ông Thịnh khuyến cáo, người dân không nên tự giao dịch vàng trên các hội nhóm mạng xã hội để tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro đáng tiếc. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần có những biện pháp quản lý hiệu quả hơn để người dân có thể dễ dàng mua bán vàng tại các cửa hàng, đại lý uy tín. Đồng thời có những biện pháp áp dụng với các doanh nghiệp kinh doanh vàng để hoạt động mua bán được minh bạch hơn.

Mới đây, trả lời trước Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết chủ trương chính sách vẫn là chống vàng hóa và USD hóa, do đó NHNN không khuyến khích người dân nắm giữ vàng, nhất là vàng miếng giá trị cao.

Bởi vàng thì giá trị có thể lớn nhưng khi nắm giữ thì coi như số tiền đó người dân không sử dụng được. Nếu lấy vàng để chuyển hóa sang VND thì sẽ có cơ hội để kinh doanh, để đầu tư vào các lĩnh vực khác như gửi tiền vào ngân hàng, để ngân hàng sử dụng tiền đó để cho vay sản xuất kinh doanh. Hoặc tiền có thể đầu tư vào cổ phần, cổ phiếu, thị trường chứng khoán để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Chính vì vậy, NHNN trong tinh thần của Nghị định 24, không khuyến khích người dân nắm giữ vàng. Đây cũng là lý do mà cơ quan quản lý đưa ra chính sách Nhà nước độc quyền sản xuất, xuất nhập khẩu vàng miếng và quản lý chặt chẽ kinh doanh mua bán kim loại quý.

Theo VTCnews

Bạn đang xem: Khách mua bán nhộn nhịp trên 'sàn vàng' tự phát, chuyên gia cảnh báo

Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm

Chia sẻ bài viết