Hoa 'quý tộc' giá 'chát' vẫn 'cháy hàng' mỗi dịp Tết
Trong 4 tháng cuối năm, người trồng địa lan ở thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) thu về hàng trăm triệu đồng.
Những ngày giáp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ năm 2025, người dân tại thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng lại bận rộn với nhiều công việc như cắt cành, ghép chậu địa lan để cung cấp ra thị trường. Xuân Sơn là địa phương trồng địa lan nổi tiếng tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Chia sẻ trên báo Dân Việt, ông Phạm Văn Nhường, người trồng địa lan tại thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường cho biết, nhà ông sở hữu khu vườn rộng hơn 3.000m2 trồng địa lan.
Vườn địa lan được trồng phục vụ cho dịp Tết. Ảnh: Dân
Trí.
Trong khu vườn rộng lớn của mình, ông Nhường trồng hơn 3.500 chậu địa lan, tập trung chủ yếu vào hai giống được ưa chuộng là FX750 (hay còn gọi là Hoàng hậu) và Vàng mít.
Ông Nhường chia sẻ về quá trình chuyển đổi sang trồng địa lan: "Cách đây 6 năm, gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác trong vùng, chủ yếu trồng các loại cây nông nghiệp như rau (lagim) và cà phê. Vào thời điểm đó, một người thân trong gia đình đã bắt đầu trồng địa lan và cho thấy hiệu quả kinh tế rất tốt. Nhận thấy tiềm năng từ loại hoa này, tôi đã tìm đến học hỏi kỹ thuật và cách thức trồng địa lan."
Ông cho biết thêm về những khó khăn ban đầu: "Vào thời điểm đó, chi phí đầu tư cho 1.000m2 đất trồng địa lan là khá lớn, khoảng 400 triệu đồng, bao gồm cả chi phí xây dựng nhà kính và mua giống. Sau khi nắm vững kỹ thuật, tôi bắt đầu xây dựng nhà kính, chuẩn bị giá thể và nhập giống địa lan từ Nhật Bản về trồng. Nhờ vừa học vừa làm, lại được người thân tận tình chỉ bảo, vườn lan của tôi phát triển rất thuận lợi. Cứ mỗi năm tôi lại mở rộng thêm một ít, đến nay, diện tích nhà kính trồng địa lan của tôi đã lên đến 3.000m2."
Ông Nhường cho biết thêm, khó khăn nhất khi trồng địa lan là vốn ban đầu khá nặng. Trong khi đó, 3 năm trồng mới cho thu bói, vì vậy việc thu hồi vốn chậm, không nhanh như các loại cây trồng khác.
"Năm nay, vườn địa lan của gia đình tôi chủ yếu cắt cành, rộ vào những ngày Tết Dương lịch. Hiện tại còn khoảng 2.000-3.000 cành tại vườn.
Trong 1 năm, địa lan này chỉ thu hoạch trong từ 3-4 tháng, mỗi tháng tôi cắt khoảng 2.000 cành, bán với giá trung bình khoảng 70.000 đồng/cành.
Địa lan khoe sắc, sẵn sàng "xuống phố". Ảnh: Dân Trí.
Trong khi đó, có khoảng 100 cành lan nguyên chậu được khách hàng đã đặt dự kiến tôi thu hoạch thêm được khoảng 350 triệu đồng nữa", ông Nhường chia sẻ.
Cũng giống như ông Nhường, gia đình anh Đặng Văn Hưng (xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt) cũng đang tất bật chăm sóc 3.000 chậu địa lan để kịp đưa đi cung cấp trên cả nước.
Theo anh Hưng, toàn bộ cây trong vườn đã nở hoa đều và đẹp, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Địa lan, một giống hoa có nguồn gốc từ Nhật Bản, được xem là dòng hoa cao cấp với giá trị kinh tế cao. Để đảm bảo hoa nở đúng dịp Tết, gia đình anh Hưng đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc từ cuối tháng 6/2024.
"Tết này, chúng tôi vừa cắt cành bán cho khách hàng, vừa để nguyên chậu chuyển cho các đối tác lớn tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng. Hoa đóng chậu thường có 3-5 cành, mỗi cành có giá 450.000-500.000 đồng. Đối với dòng cắt cành, giá bán ra thị trường 35.000-70.000 đồng/cành", anh Hưng chia sẻ trên báo Dân Trí.
Vườn địa lan nhà anh Đặng Văn Hưng. Ảnh: Dân Việt.
Được biết, gia đình anh Hưng dự kiến thu về khoản lãi hơn 300 triệu đồng từ vụ hoa Tết năm nay.
Ông Phạm Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường, cho biết địa phương có 15 hộ trồng địa lan với tổng diện tích khoảng 5ha. Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, địa phương cung ứng hàng trăm chậu địa lan cùng hàng chục nghìn cành phục vụ nhu cầu cắm bình, trang trí.
"Địa lan có nguồn gốc từ Nhật, được người dân nhập giống về, phát triển tại xã Xuân Trường từ 10 năm trước. Đây là dòng hoa cao cấp, có giá trị kinh tế cao, địa phương khuyến khích người dân phát triển", ông Phạm Văn Dũng chia sẻ.
Hoa địa lan có thể nở kéo dài đến 45 ngày. Ảnh: Dân
Việt.
Theo ông Lại Thế Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, toàn tỉnh Lâm Đồng có 750ha hoa trồng chậu các loại như địa lan, lan hồ điệp, hoa ly, hồng, cúc… Vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Lâm Đồng cung ứng ra thị trường hàng triệu chậu hoa các loại.
Cùng với các loại hoa trồng chậu, vụ Tết Nguyên đán năm nay, toàn tỉnh xuống giống khoảng 1.650ha hoa cắt cành các loại, tập trung chủ yếu tại thành phố Đà Lạt và các huyện lân cận như Đơn Dương, Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng.
Bạn đang xem: Hoa 'quý tộc' giá 'chát' vẫn 'cháy hàng' mỗi dịp Tết
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm